Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Bê-tông” hóa truyện cổ tích: Có nên không?

Tạp Chí Giáo Dục

Tập truyện Chuyện ngày xưa: 100 cổ tích của nhà văn Tô Hoài được bạn đọc đón nhận

Sau khi Báo Giáo Dục TP.HCM đăng bài Truyện cổ tích Việt Nam đang bị “biến dạng” đã có nhiều ý kiến phản hồi xoay quanh bài viết. Bên cạnh việc phản đối, không bằng lòng với xu hướng viết lại truyện cổ tích Việt Nam hiện nay cũng có những ý kiến cho rằng không nên quá khắt khe, “bê-tông” hóa truyện cổ tích.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn – Phó giám đốc, Trưởng ban biên tập chi nhánh NXB Kim Đồng:
“Đã có nhiều tác phẩm cổ tích cách tân được bạn đọc đón nhận…”
Trước hết phải hiểu thế nào là “biến dạng”? Một câu chuyện khi được kể khác đi một chút cũng được xem là “biến dạng” rồi. Truyện cổ tích Việt Nam vốn được kể từ nhiều người, qua nhiều đời do đó “biến dạng” là điều không thể tránh khỏi. Vì thế nên thường sau mỗi câu chuyện, chúng ta đều thấy có ghi “Truyện kể của Nguyễn Đổng Chi” hay “Trương Chính kể” là vậy!
Bản thân các câu chuyện cổ tích đã ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ bạn đọc, nên việc viết lại thường gây khó chịu cho nhiều người. Thực tế, đã có nhiều tác phẩm cổ tích viết lại được bạn đọc đón nhận, như nhà văn Tô Hoài vừa cho ra mắt tập truyện Chuyện ngày xưa: 100 cổ tích. Tập sách là những câu chuyện cổ tích có giá trị được viết lại, cũng từ Sự tích Quả dưa hấu mà hôm nay chúng ta có Quả dưa đỏ để đọc. Vậy thì việc gì chúng ta cứ phải “bê-tông” hóa truyện cổ tích. Hơn nữa, cách tân nhưng người viết vẫn giữ được hồn cốt, không khí, các giá trị vốn có của truyện xưa thì đó là điều nên làm. Vả lại, bản thân nhiều độc giả nhỏ tuổi hiện nay rất say mê với những câu chuyện cổ tích như thế, nhất là khi được chuyển thể dưới dạng truyện tranh hay phim ảnh. Vì vậy, chúng ta không nên quá khắt khe việc cách tân các câu chuyện cổ tích. Chỉ khi nào “hiện đại hóa” truyện cổ tích theo kiểu nhân vật được ăn mặc theo phong cách hiện đại, sử dụng ngôn ngữ đường phố, văn phong thường ngày của giới trẻ thì mới đáng lo ngại. Bởi lúc đó, những câu chuyện này nếu có hấp dẫn đối với các em thì đó cũng chỉ là kiểu hấp dẫn bởi khả năng gây cười tức thời chứ không tồn đọng một giá trị văn chương nào hết. Và những tác phẩm như thế hẳn sẽ không được dư luận đón nhận.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức: “Cách tân là quyền của người làm nghệ thuật…”
Khi viết kịch bản phim Cổ tích Việt Nam cho Hãng phim Phương Nam (đến nay đã được 19 tập, gồm khoảng 57 truyện), tôi luôn có ý thức tôn trọng tối đa tính nguyên bản của truyện. Bởi các truyện cổ tích này, dù qua nguồn sưu tầm của học giả Nguyễn Đổng Chi hay từ nhiều nguồn dân gian khác cũng đều đã được phổ biến rộng rãi từ bao đời, đã ăn sâu vào ký ức mọi người. Vì vậy, nếu muốn làm khác, bắt buộc tôi hay những người có ý muốn viết lại truyện cổ tích đều phải cân nhắc cho thật kỹ.
Mặt khác, vì thời lượng của kịch bản khi lên phim phải có độ dài tối thiểu là 30 phút/ truyện, vả lại do nhiều truyện nguyên bản quá ngắn, buộc lòng tôi phải thêm thắt một số tình tiết mới. Một số truyện gốc có kết cấu, nội dung quá đơn giản, thiếu kịch tính nên tác giả và đạo diễn thường phải ngồi lại tính toán để thêm thắt tình tiết. Tuy nhiên, việc thêm thắt cũng phải dựa trên các nguyên tắc chung: phải giữ nguyên cái sườn cốt truyện nguyên bản, đặc biệt là các bài học đạo lý mà câu chuyện muốn nhắm tới. Bởi, điều đặc biệt của truyện cổ tích, dù ở nước nào cũng vậy, luôn ẩn chứa nhiều bài học giáo dục đạo lý làm người.
Tuy nhiên, như thế nào là nguyên bản? Bởi truyện cổ tích là truyện được lưu truyền từ nhiều đời, mỗi đời lại có thể có thêm biến tấu và tác giả thường là vô danh… Thậm chí với tác giả cụ thể, rành rành, như truyện Romeo và Juliet của Shakespeare mà khi làm phim người ta còn chuyển sang thời hiện đại, cho đua xe, bắn súng… Cách tân là quyền của người làm nghệ thuật, chúng ta đừng nên khắt khe quá. Nếu họ làm “quá tay”, tác phẩm của họ sẽ không được xã hội đón nhận. Nếu họ làm lệch lạc hoàn toàn ý nghĩa của truyện, thí dụ đề cao cái ác, ở dữ mà gặp lành… thì đó mới đáng là điều nên lên án.
Tuyết Dân (ghi)

 

Bình luận (0)