Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người ngắm mây hát điệu tâm hồn

Tạp Chí Giáo Dục

Tự nguyện làm một cá nhân bé nhỏ, rong ruổi trong đời sống này để yêu, để viết. Ðó là Trần Huiền Ân. Bằng tất cả cảm biết về đời sống thường nhật, phong vị văn hóa, dấu tích lịch sử… được ghi lại trong hơn 15 năm. Ðó là những câu chuyện trong Mây trắng Dinh Phoan của ông vừa xuất bản.

Ảnh: V.Q.

Ðịa danh Phú Yên với tên gọi buổi ban đầu là Phú An, được ghi trên bản đồ xưa của các giáo sĩ phương Tây là Dinh Phoan (tức Dinh Phú An). Phú An, Phú Yên hay Dinh Phoan, mỗi tên gọi đều mang âm điệu riêng, gợi những hoài cảm riêng, theo từng bước chuyển thời gian. Song mây trắng phiêu du trên miền trời kia thì ngàn năm vẫn thế. Người cứ ngắm mây, theo mây thương nhớ và tìm về.

Có thể nói hầu hết các bài tạp bút của Trần Huiền Ân có cấu trúc như một bài giới thiệu địa danh du lịch. Tác giả trong vai một du khách (hay một hướng dẫn viên) đi tới đâu nói tới đó, ngắn gọn mà rành mạch, thơ thẩn mà đầy ắp chi tiết tư liệu.

Cũng có thể nói bước chân của Trần Huiền Ân phần nhiều được giục níu bởi những câu thơ, áng văn xưa cũ. Thơ dắt hồn thơ lên đường. Người tìm người để ngẫm lại trang văn.

Chẳng hạn, tác giả từng theo mấy câu thơ của thi sĩ Mạc Phong Luân để tìm về Tân Trụ, Bình Lập, rồi hồn cứ nhớ hoài thuở ấy: … Mà thấy chênh vênh mấy nhịp cầu/ Ngõ về Tân Trụ ngõ về đâu?/ Hỡi ôi Bình Lập buồn xa vắng/ Thương nhớ ngày qua những buổi đầu! (thơ Mạc Phong Luân). Lại nhớ mấy câu thơ trong bài Quay về vườn ruộng của thi sĩ Ðỗ Huy Nhiệm, người gốc Phú Yên (tác giả của Khúc ly tao – 1934, Thiên diễm tuyệt – 1936) mà Trần Huiền Ân viết bài Tiếng dạ thật thú vị, dễ thương: Ðêm khuya chồng gối lên tay vợ/ Khe khẽ ngâm câu biệt thị thành/ Rồi nhủ: Mình ơi, đời Tấn trước/ Ðào Tiềm hai bận đứt công danh/ Quay về làm ruộng như ta đó/ Mình nghĩ gì không? Nói thực mình!/ Vợ "dạ", trở mình cho bớt lạnh/ "Suốt đời em chỉ biết theo anh" (thơ Ðỗ Huy Nhiệm).

Nhẹ nhàng mà lôi cuốn, những trang viết của Trần Huiền Ân có khi như những giọt rượu nồng đã được chưng cất công phu, những món trân quý được chủ ý bày biện.

Nhưng có lẽ điều thú vị hơn hết ở những trang tạp bút này chính là tính chất nguyên liệu thô của bao vật và việc mà tác giả đã gom nhặt từ muôn dặm quê nhà. Tùy tri kiến mỗi người, cũng tùy tâm trạng mỗi người mà ướm thử tùy thích.

Ðọc tạp bút của Trần Huiền Ân, chợt hình dung ông như một người ưa ngắm mây và nhẩm hát điệu tâm hồn.

TRẦN NHÃ THỤY (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)