Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lớp học lạ thường của 2 người thầy đặc biệt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lớp học đặc biệt ấy đã tồn tại hơn 7 năm. Học trò là những đứa trẻ trong xóm, đủ các cấp lớp, thầy là hai chàng trai tật nguyền, người học hết cấp 2, người học hết cấp 3. Ấy vậy mà lớp học cứ mỗi ngày một đông.

Thầy giáo Trần Hoài Phú đang giảng bài cho các em học sinh ở lớp học đặc biệt của mình

Lớp học lạ thường
Lớp học của hai anh em Trần Hoài Phú – Trần Hoài Phi nằm ngoài hiên nhà, không có ghế ngồi, chỉ có những chiếc bàn con, thầy và trò cùng ngồi bệt trên nền xi măng. Học trò cứ í ới: “Chú ơi, bài này con phải làm sao?”, “Chú ơi, chỉ con đọc chữ này!” Với vai trò là “lớp trưởng”, giúp các con ổn định trật tự và rầy những đứa học trò hiếu động, cô Tuyết, mẹ của Phú và Phi “phân bua”: “Mới có mấy cháu nữa xin vào lớp, nên lớp hơi chật, chắc phải đóng thêm vài cái bàn…”.
Hai lần đến thăm lớp học này là hai lần chúng tôi bắt gặp hai anh em nhận thêm học sinh mới. Cô bé Bùi Thị Ánh Sương, học sinh lớp bảy tíu tít: “Nhà em bên xã đằng kia nhưng anh trai em học thêm ở hai chú tiến bộ nên mẹ kêu em sang xin hai chú kèm cho. Chú Phi rất vui, giảng rất dễ hiểu, ở trường, khi chưa hiểu bài em không dám hỏi các thầy cô vì sợ bạn cười”. Nghe đến đây, hai anh em Hoài Phú – Hoài Phi quay sang cười thật tươi!
Hỏi vì sao mở lớp học này, hai anh em hồ hởi: “Hồi mới nghỉ học, thấy nhiều trẻ em trong xóm vì gia đình khó khăn không được chăm lo nên học hành rất kém, chúng tôi nói mẹ sang nhà phụ huynh, xin cho chúng tôi được dạy kèm các em, không lấy tiền. Thuyết phục mãi mẹ mới đồng ý.
Mẹ ngại chúng tôi tàn tật, không có sức khoẻ lại không có bằng cấp, phụ huynh không tin tưởng. Thế nhưng đến giờ này, chúng tôi đã dạy hàng trăm em, các em đều đã lớn, có em học cấp 3, có em vào đại học rồi…”.
Nhắc đến ngày 20/11, ánh mắt Hoài Phú – Hoài Phi rộn lên niềm vui: “Chúng tôi không dám nhận mình là thầy mà chỉ dám nói là mình đang dạy kèm cho các em, truyền lại cách nào dễ hiểu nhất cho các em những gì tôi biết. Điều tôi xúc động nhất là nhận được những đoá hoa dâm bụt ngoài hàng rào mà các em mang đến tặng trong ngày nhà giáo, thỉnh thoảng các em lớp cũ vẫn tìm đến thăm. Điều đó khiến cho chúng tôi vui và hạnh phúc lắm. Có những khi ốm đau, nằm triền miên trong bệnh viện nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện sẽ dừng công việc này lại”.
Người thầy đặc biệt
Nhà có bốn anh em, chị Khánh và anh Phong thì lành lặn. Rồi mẹ mang Phú (SN 1982) và Phi (SN 1984) đến với cuộc đời, hai anh em bụ bẫm và đáng yêu như bao đứa trẻ khác.
Lần giở những tấm ảnh của con mình ngày bé, cô Tuyết không cầm được nước mắt: “Tôi thích con gái nên dù có cháu Khánh rồi, tôi vẫn để tóc dài và mặc áo đầm cho Phi. Tụi nó hồn nhiên lớn lên, hồn nhiên vui đùa, nhưng mãi không đứng được, không đi được. Ông bà bảo trẻ con có đứa ba, bốn tuổi mới học bò, học đi, tôi cứ âm thầm cầu nguyện và chờ đợi. Thế nhưng hết mấy cái tết mà chẳng đứa nào có thể tự di chuyển. Chúng cứ ngã nhào ra đất và chân tay co quắp lại. Tôi cõng con đi khắp các bệnh viện, vậy mà chúng vẫn không thể bước đi”.
Suốt ngày, hai anh em cứ quẩn quanh chơi với con chó, con mèo và bầy cá vàng cho đến một ngày hai anh em đòi mẹ cho đến trường khi thấy chúng bạn được đi học. Thương hai anh em khát chữ, dẫu biết nhà mình nghèo, dẫu biết con mình đi học cũng chẳng thể xin đi làm được vậy mà ngày mưa cũng như ngày nắng, mẹ đều đặn cõng hai anh em đến trường, lớn hơn một chút, mẹ để hai anh em lên xe, dùng dây mềm cột lại rồi chở đi.
“Nhiều khi thấy con mình không thể ra sân chơi cùng chúng bạn, tôi chỉ biết đứng từ xa mà gạt nước mắt. Niềm vui duy nhất khiến tôi có thể quên đi sự nghèo nàn, vất vả là khi chúng tíu tít khoe cô giáo khen con học giỏi, cô giáo bảo con viết chữ đẹp”, gương mặt khắc khổ của người đàn bà quanh năm đau nhức vì bệnh khớp ấy chợt sáng lên khi nhắc đến chuyện học hành của con mình.
Căn nhà nhỏ ấy, dẫu có đến hai chàng trai không thể đi được, dẫu còn túng thiếu, nghèo khó nhưng vẫn luôn ấm áp. Cho đến một ngày người đàn ông trụ cột của gia đình không biết vì lý do gì bỏ đi biền biệt không thấy quay trở lại. Căn bệnh đau khớp của cô Tuyết mỗi khi trái gió trở trời lại hành hạ khiến cô không thể đi làm rẫy được, việc ẵm bồng, làm vệ sinh cho hai anh em cũng gặp khó khăn, gia đình cũng không có thu nhập gì ngoài mấy gốc điều trong sân nhà. Còn ham học lắm nhưng thương mẹ, sức khoẻ lại quá kém nên hai anh em ngậm ngùi xếp tập sách lại…
Cô Tuyết kể vì có lẽ thương mẹ đã chịu nhiều thiệt thòi nên dù không lành lặn, dù luôn bị ốm đau phải vào bệnh viện, thế nhưng chưa bao giờ Hoài Phú – Hoài Phi than trách cho số phận của mình. Cứ như thế, hai anh em bước đi trên chính thân thể không hoàn thiện ấy, trên đôi chân không đứng được ấy và còn là chỗ dựa tinh thần cho mẹ mình.
Theo Bích Uyên
Sài Gòn Tiếp Thị

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)