Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Con cháu nghệ sĩ nổi tiếng trên đường lập nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Để đến với sân khấu, không ít con cháu các gương mặt tên tuổi chấp nhận làm diễn viên múa đám cưới, vào vai người điên, bán vé số, vai quét rác… Họ gắn bó với nghề diễn trên đôi chân của mình mà không dựa dẫm gia đình.

Diễn viên Gia Bảo: "Cháu danh hài Bảo Quốc càng phải tự lập"

Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh và dáng vẻ "công tử bột" của diễn viên trẻ Gia Bảo, ít ai nghĩ anh chàng này một thời trải qua nhiều vất vả, khó nhọc trong cuộc sống cũng như trong nghề diễn.

Là cháu trai đích tôn của danh hài, NSƯT Bảo Quốc, từ khi còn nhỏ xíu, Gia Bảo đã được ông nội ẵm trên tay theo đi diễn hàng đêm.

Gia Bảo làm "diễn viên" lần đầu tiên vào năm 2 tuổi, lúc đó khoảng năm 1990, Đài truyền hình TP HCM quay vở kịch Lòng mẹ. Anh vào vai đứa con út mà người cha do chính ông nội Bảo Quốc thủ diễn. Bên cạnh những tên tuổi của làng sân khấu Sài Gòn như Tú Trinh, Thanh Thủy, Hữu Châu, Nguyễn Dương, Thu Tuyết… bé Gia Bảo bụ bẫm, dễ thương thể hiện rất tròn vai của mình. Tiền cát-xê đầu đời của cậu được 30.000 đồng. Gia Bảo trích 10 nghìn mua trầu biếu bà cố, 10 nghìn biếu bố mẹ, tiền còn lại để cúng chùa.

Nhưng sau vai diễn đầu đời, Gia Bảo bị cấm theo nghề. Ông nội và cả nhà không muốn "cục cưng" mê ánh đèn sân khấu bỏ bê việc học, phần cũng vì mọi người sợ Bảo bị mệt.

Diễn viên Gia Bảo (trái) bên ông nội, NSƯT Bảo Quốc. "Nếu không là phải là cháu nội danh hài Bảo Quốc, tôi nghĩ mình cũng tìm được chỗ đứng trong làng nghệ thuật; nhưng chắc chắn sẽ mất thời gian lâu hơn. Tôi không phủ nhận nền tảng gia đình mang đến nhiều thứ cho mình; và đó là áp lực lẫn động lực", Gia Bảo nói. Ảnh: Đ.D.

Do gia đình cố cản và chăm bẵm quá nên bẵng đi mười mấy năm, Gia Bảo cứ tưởng chẳng bao giờ dính líu gì đến nghề nghiệp mà bên nội anh vốn có bề dày về thành tích và tiếng tăm.

Thêm nữa, có giai đoạn, vì chuyện tình cảm bố mẹ Gia Bảo bị đổ vỡ, gia đình hai bên xảy ra nhiều mâu thuẫn, cậu ấm ngày nào bỗng rơi vào cảnh khốn khó, thiếu cả cơm ăn, áo mặc; thậm chí, phải ngủ dưới mái nhà dột nát mà mỗi khi trời mưa lại bị ướt mèm. Gia Bảo cho biết, trải qua năm tháng nhọc nhằn khiến anh trưởng thành rất nhiều. Khi sóng gió qua đi, Gia Bảo tự nhận "dường như trong người có sẵn dòng máu của ông nội, tôi thèm diễn và nhớ ánh đèn sân khấu kinh khủng". Năm 2002, 14 tuổi, Gia Bảo chính thức trở lại sân khấu với vai đứa trẻ bán báo trong vở Khi đàn ông có bầu trên sân khấu kịch Sài Gòn của nghệ sĩ Phước Sang.

Sau vai này, nghệ sĩ Hữu Châu, bác ruột Gia Bảo dẫn anh đi học Trung cấp diễn viên ở Trường sân khấu điện ảnh TP HCM. Chàng diễn viên 22 tuổi cho biết, đến tận hôm nay, hai người ơn của anh chính là ông nội Bảo Quốc và bác Hữu Châu. "Đó là hai người thầy lớn của tôi. Nếu không có sự nghiêm khắc của bác Châu, lúc nào cũng muốn tôi được học hành đàng hoàng, và sự yêu thương, lo lắng của nội thì tôi khó được như hôm nay". Tuy vậy, hai người thầy này chưa từng khen Gia Bảo lấy một câu. "Thỉnh thoảng, ông nội chỉ nói một câu Con diễn được", anh vui vẻ kể.

"Tôi đi lên từng bước từ những vai diễn nhỏ"

Chàng diễn viên trẻ tâm sự: "Đừng nghĩ con cháu của nhiều nhân vật nổi tiếng là sướng. Thậm chí, nhiều khi tôi thấy mình khổ hơn các diễn viên trẻ khác khi gia đình họ không ai theo nghiệp diễn". Nỗi khổ đó là áp lực về sự thành công và khẳng định bản lĩnh. Vào nghề với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Gia Bảo tâm sự, có lúc cứ tưởng mình sẽ nhanh chóng trở thành một tên tuổi gì đó, ít nhiều cũng được như ông bà mình. Nhưng một thời gian dài đến với nghề, Gia Bảo toàn nhận những vai xuất hiện cho vui, hầu như không ai nhớ. Anh từng muốn bỏ nghề vì nản.

"Ngay cả khi có người muốn mời tôi vào vai chính, ông nội và bác cũng cản ngay vì thấy tôi chưa đủ lực. Dù buồn và nản, tôi cũng thấy vậy là đúng. Sau một thời gian, mặc cảm vai lớn vai nhỏ không còn quan trọng với tôi. Điều tôi quý nhất là có chỗ đứng trong nghệ thuật, dù cho chỉ là chỗ khiêm tốn", Gia Bảo chia sẻ.

Nếu phải kể những "vai diễn nhỏ xíu" Gia Bảo từng tham gia thì rất nhiều. Như trong vở Tượng đá thủy chung (diễn khoảng năm 2003 trên sân khấu Phú Nhuận), Bảo chỉ là diễn viên đứng lố nhố trong đám trẻ đóng vai ăn mày. "Lúc đó tôi rất thèm được đeo cái micro và nói vài câu thoại", Gia Bảo kể.

Diễn viên Gia Bảo (phải) cùng diễn viên Thanh Thúy trong vở "Trai mới lớn" trên sân khấu kịch Phú Nhuận. Ảnh: Thoại Hà.

Năm 2006 mới tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh, nhưng cuối năm 2005, Gia Bảo đã đầu quân cho sân khấu kịch Phú Nhuận. Tại đây, "bà bầu" Hồng Vân tạo mọi điều kiện, nhưng Gia Bảo vẫn gắn bó với vai vô danh. Như, trong vở Nhân danh công lý (đạo diễn Đức Thịnh), Bảo được mời đóng vai anh chàng cầm camera quay cảnh Hoàng Tú chơi bời. Anh cũng sẵn lòng làm diễn viên đóng thế vai cho cây hài Anh Vũ trong Bỉ vỏ, thế vai nghệ sĩ Thúy Nga trong vở Thiên thần gõ cửa… khi các nghệ sĩ này bận việc. Trong vở Người vợ ma 1, Gia Bảo chỉ được vai cậu bé với vài lời thoại ngắn. Còn trong vở Nước mắt người điên, anh đóng bệnh nhân tâm thần, chỉ là vai thêm vào để vở kịch có chút vui nhộn. May là với vai này, Gia Bảo hấp dẫn khán giả do anh có khả năng giả giọng các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, Hồng Ngọc… một cách tài tình.

Đến với nghề diễn viên hơn 7 năm, Gia Bảo tự hào mình chưa bao giờ dựa vào danh tiếng gia đình để "chảnh" hoặc đi xin vai. Cho đến hôm nay, vai diễn của Gia Bảo được khán giả nhớ nhất là cậu ấm trong vở Trai mới lớn, sân khấu Phú Nhuận. Đây là nhân vật tạm gọi là có số phận và tính cách để chàng diễn viên trẻ thể hiện. Nhưng ngay cả với vai này, phải rất nhiều diễn viên khác từ chối vì bận thì đạo diễn mới nhớ đến Gia Bảo.

Không chỉ trên sân khấu, với điện ảnh, Gia Bảo cũng không chê vai phụ. Anh đã xuất hiện trên sóng truyền hình TP HCM qua các phim như: Gọi giấc mơ về, Hai lúa, Khu vườn bí ẩn. sắp tới, trong nhiều phim trên HTV như: Hoa dại, Taxi… Gia Bảo tiếp tục mang lại tiếng cười cho khán giả với diễn xuất tự nhiên, trẻ trung và duyên dáng.

Thoại Hà (Theo VNE)

Bình luận (0)