"Ước mơ của em là sau này sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt", "Em mong được làm bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo", "Em thích làm cô giáo như cô vậy đó”… Cuốn sổ sinh hoạt chủ nhiệm của cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Duyên – giáo viên Trường THPT chuyên Tiền Giang – đầy ắp những ước mơ của học sinh.
30 năm đứng trên bục giảng, 14 năm trực tiếp hướng dẫn học sinh chọn nghề, cô giáo Mỹ Duyên còn góp phần không nhỏ vào việc thành lập một ban tư vấn hướng nghiệp hoạt động rất hiệu quả ở Trường THPT chuyên Tiền Giang để định hướng các em bước vào đời.
Cùng học sinh bước vào đời
"Khó nhất vẫn là những trường hợp các em thích học ngành này nhưng gia đình hướng theo ngành khác. Những lúc như vậy, tôi phải gọi điện hay gặp trực tiếp gia đình em đó để giải thích cho gia đình biết việc làm là công việc gắn bó cả đời, gia đình ép học sinh học theo ngành gia đình chọn sẽ không gây hứng thú, không thể phát huy hết khả năng của các em được. Với những em phân vân lựa chọn giữa hai ngành thì do đã biết được sở thích, nguyện vọng của các em ngay từ đầu, theo dõi học lực của các em nên tôi phân tích, hướng các em học ngành phù hợp nhất" – cô Mỹ Duyên cho biết. |
Về Trường THPT chuyên Tiền Giang năm 1994 lúc đó đã 34 tuổi, nhưng sự sôi nổi, nhiệt tình của một cán bộ đoàn đã đưa cô Mỹ Duyên gần gũi với học sinh hơn. Ngày ấy sắp đến kỳ thi ĐH, nhiều học sinh cứ gặp cô hỏi: "Theo ý cô, em nên thi vào trường nào?". Cô ân cần phân tích thế mạnh, yếu của từng em, ai có năng khiếu thế nào thì nên thi trường nào. "Hướng nghiệp cho học sinh dính vào tôi từ đó” – cô Mỹ Duyên nhớ lại.
Có học sinh làm cô Mỹ Duyên nhớ mãi như em Trần Bảo Như. Cha mất sớm, mẹ bán vé số bữa được bữa mất, là một trong những học sinh xuất sắc nhất của lớp nhưng nhiều lần Như định nghỉ học phụ mẹ. Thương cô học trò nghèo hiếu học, cô cùng các thầy cô giáo, học sinh của trường mỗi người góp một ít cho Như đến lớp và dựng giúp bạn một căn nhà tình thương nhưng Như từ chối vì "mẹ em lo đủ”.
Ngày đậu hai trường ĐH Kinh tế và ĐH Y dược TP.HCM, Như nhờ cô tư vấn giúp nên chọn trường nào. Cô hỏi lại: "Vậy trong hai trường đó, em thích trường nào hơn?". Mắt Như ngân ngấn nước: "Em nợ cô, nợ các bạn nhiều rồi, nay em muốn học trường y để sau này giúp những người khổ hơn". Để chắp cánh ước mơ làm bác sĩ của Như, cô Mỹ Duyên âm thầm vận động các thầy cô giáo, học sinh động viên Như, bây giờ Như đã là sinh viên năm 1 ĐH Y dược TP.HCM.
Một hôm, cô Mỹ Duyên đang ngồi ở phòng giáo vụ thì một học sinh tìm đến: "Em thích thi sư phạm nhưng mẹ nói bằng mọi giá phải học kinh tế, cô nói mẹ giúp em với". Tối đó cô đến nhà em, giải thích cho mẹ em ước mơ của con mình và "gia đình hãy xem xét lại", không nên áp đặt em trong cách chọn nghề.
Bạn Hữu Vinh ước mơ trở thành giáo viên dạy toán nhưng có tật hay nói leo, trong lớp giáo viên nói câu nào là Vinh nói xen vào câu đó. Cô tâm tình với Vinh: "Vinh à, em thích làm thầy giáo mà cứ nói leo như vậy thì sau này làm sao dạy học sinh được". Và cô bảo các bạn thân của Vinh nhắc nhở mỗi khi Vinh nói leo. Dần dần Vinh bỏ hẳn tật nói leo, chuẩn bị thi vào ĐH sư phạm toán. "Là giáo viên, song tôi muốn đồng hành với các em trong việc hướng nghiệp các em bước vào đời. Nghĩ cho cùng đó cũng là nhiệm vụ của tôi" – cô Mỹ Duyên nói.
Mỗi tuần một chuyên đề hướng nghiệp
Năm năm qua, do số lượng học sinh ngày càng đông, để việc hướng nghiệp học sinh chuyên nghiệp hơn nên Trường THPT chuyên Tiền Giang đã thành lập một ban tư vấn hướng nghiệp gồm ba giáo viên: cô Mỹ Duyên, cô Nguyễn Thị Thủy và cô Mỹ Dung. Từ ngày thành lập, ban đã đưa ra nhiều sáng kiến hay, thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng nghiệp để học sinh tìm hiểu về nghề mình yêu thích.
Một trong những hoạt động hiệu quả nhất là sau khi sơ kết học kỳ một hằng năm, ban tư vấn hướng nghiệp phát phiếu khảo sát cho tất cả học sinh lớp 12 để biết được các em định hướng thi khối nào, trường nào, ngành nào. Sau đó, phiếu khảo sát này sẽ đưa cho giáo viên bộ môn từng khối mà các em sẽ thi, giáo viên sẽ nhận xét sức học từng môn của học sinh đó. Phiếu này sẽ đối chiếu với những ước mơ của học sinh ghi lúc đầu năm học để biết các em thi ngành đó có hợp hay không, có quá sức không; rồi sau đó phối hợp với giáo viên chủ nhiệm của từng lớp, gia đình của các em, đưa ra lời khuyên trước khi các em đặt bút chọn ngành vào hồ sơ đăng ký thi ĐH.
Ban tư vấn hướng nghiệp thường xuyên mời đại diện các doanh nghiệp, xí nghiệp, cơ quan trên địa bàn về trường nói chuyện với học sinh về ngành nghề. Ban thường xuyên liên lạc với các cựu học sinh của trường hiện đang là sinh viên của các trường ĐH-CĐ, mời các bạn này về giới thiệu trường, ngành mình đang học và đời sống sinh viên để học sinh hiểu thêm. Để các em có điều kiện thực tế, Đoàn trường khuyến khích các lớp tự tổ chức đi tham quan làng nghề, xí nghiệp hay công ty, sau đó làm một bản tin giới thiệu các hoạt động cho toàn trường cùng biết. Mỗi tuần mở ra một chuyên đề hướng nghiệp, thu hút đông đảo học sinh tham gia tìm hiểu.
Làm việc hướng nghiệp hoàn toàn không có sự hỗ trợ nào về chi phí, nhưng với cô Mỹ Duyên: "Chúng tôi làm việc chỉ vì nhiệt tình, lựa chọn một nghề liên quan đến cả cuộc đời con người mà chọn sai thì khổ lắm. Chúng tôi không muốn các em rơi vào hoàn cảnh như vậy".
HÀ BÌNH – TRUNG TÂN
(TTO)
Bình luận (0)