Giadinh.net – Đắk Lắk có 2 thứ đặc sản: cà phê và voi. Cà phê thì còn trường tồn mãi với vùng đất bazan đầy nắng gió, còn voi nhà thì đang đứng trước nguy cơ tan đàn. Bởi…
Mặt hàng bán chạy
Chúng tôi đến Trung tâm du lịch văn hóa sinh thái Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), ghé vào tiệm bán đồ lưu niệm, đang ngó nghiêng xem mấy mặt hàng đan lát thì cô bán hàng đon đả: “Các anh chị mua nhẫn lông đuôi voi đi”. Rồi cô đưa ra một chiếc hộp kính đựng toàn nhẫn có lõi là một sợi màu đen mà theo như cô nói đó là lông đuôi voi. Rồi cô quảng cáo luôn rằng: từ xa xưa người ta quan niệm nếu mang lông đuôi voi bên mình sẽ luôn gặp may mắn, xua đuổi tà ma, chướng khí…
Ở Đắk Lắk, người ta đeo nhẫn, vòng có lồng lông đuôi voi rất nhiều (điều này thì chúng tôi đã chứng kiến). Vì vậy, hiện lông đuôi voi đang là mặt hàng lưu niệm bán chạy nhất.
Cô bán hàng đưa ra giá của từng loại nhẫn có lõi là lông đuôi voi. Một chiếc nhẫn có xâu lông đuôi voi ở giữa rẻ nhất là 400.000 đồng, chiếc nào lớn, lồng tới 2 vòng lông đuôi voi thì giá bạc triệu. Vòng đeo tay thì giá cao hơn rất nhiều, bởi người ta phải sử dụng một đoạn lông đuôi voi dài. Thấy chúng tôi lắc đầu, cô bán hàng liền đưa ra một túm lông đuôi voi chào mời: “Anh chị không mua nhẫn thì mua lông nguyên chiếc vậy?”.
Giá của mỗi chiếc lông đuôi voi rẻ nhất là 200.000 đồng, còn chiếc lông dài tới 18 – 20cm có giá là 500.000 đồng. Tôi tỏ vẻ nghi ngờ: “Nghe nói hiện nay người ta dùng nhựa làm lông giả, khó phân biệt lắm”. “Nếu không tin có thể cắt 1 mẫu để đốt thử, hoặc anh mua loại này thì khỏi phải nghi ngờ”, cô bán hàng mách nước. Nói rồi cô thò tay xuống hộc tủ bán hàng đưa ra một khúc đuôi voi còn nguyên cả lông lá. Chỉ có điều, giá của mỗi chiếc lông đuôi voi nhổ trực tiếp này giao động từ 500.000 – 800.000 đồng.
Nguồn hàng lông đuôi voi, hoặc cả khúc đuôi voi còn nguyên lông như vậy được cung cấp bởi những tay đạo chích. Cuối tháng 8 vừa qua, con voi cái tên là Na Khun của ông Lê Văn Quyết, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thường dùng để chở khách du lịch ở Hồ Lắc bị kẻ gian chặt mất một đoạn đuôi dài hơn 40cm khiến máu tuôn xối xả. Cũng may người nhà ông Quyết phát hiện sớm nên kịp thời cứu chữa.
Trước đó không lâu, con voi của anh Ka Tứk ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cũng bị kẻ gian chặt trộm mất đuôi. Giá của những khúc đuôi voi nguyên lông như vậy đắt như vàng, càng khiến bọn đạo chích càng trở nên liều lĩnh, manh động hơn.
Theo các quản tượng, những con voi bị chặt trộm đuôi, hoặc nhổ trộm lông đuôi đều trở nên trái tính trái nết, có nhiều hành vi bất thường. Bởi vậy, khi chúng tôi đến gần các chú voi khổng lồ để chụp ảnh lưu niệm, các quản tượng liền nhắc nhở không nên chạm vào phần thân sau, đặc biệt là đuôi của chúng. Qua nhiều lần bị kẻ gian nhổ trộm lông đuôi, có vẻ những con voi này đều rất cảnh giác và hung dữ hơn.
Tất cả các chú voi chở khách du lịch nếu không cụt đuôi thì phần lông đuôi cũng xác xơ, lưa thưa. Và không chỉ có lông đuôi voi mà các sản phẩm làm từ ngà voi, xương voi cũng đều được khách hàng ưa chuộng, săn lùng.
Nguy cơ tan đàn
Tập tục săn và thuần dưỡng voi rừng đã tồn tại bao đời nay trong các buôn, làng, cộng đồng người Ê Đê, Mnông… ở Đắk Lắk. Cho đến nay, người dân bản địa vẫn tôn thờ voi như vậy. Voi trở thành giá trị văn hoá không thể thiếu trong đời sống của các dân tộc nơi đây. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 3 tháng gần đây, đã có ít nhất 5 con voi nhà ở Đắk Lắk bị chết. Và trong vài ba năm gần đây, đã có gần 20 con voi bị chết vì già yếu, lao động nặng nhọc. Đàn voi nhà ở Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Ở Đắk Lắk, già A Ma Kông là một huyền thoại sống về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ngoài việc nổi tiếng về việc săn được 298 con voi, chỉ sau Vua săn voi Khun Ju Nốp (cũng là ông ngoại của A Ma Kông) và bài thuốc “tráng dương, bổ thận” thì A Ma Kông còn là người cực kỳ am hiểu về voi; từ tập tục đối xử giữa người và voi, các lễ cúng voi, tính nết của loài voi…
Trong tâm trí của ông vẫn nhớ về thời Bản Đôn nhà nào cũng có voi, ra ngõ là gặp voi. Chiều đến, từng đàn voi tập trung ra bến nước sông Sê Rê Pốc, hồ Đắk Minh giong vòi hút, phun nước trắng trời, đùa giỡn làm náo nhiệt cả một vùng sông nước giữa rừng già. “Hồi trước, nhờ có nhiều voi mà buôn lúc nào cũng đông vui, mùa nào cũng có lễ hội. Người ở Bản Đôn đi đâu cũng được kính trọng, nể phục”, già A Ma Kông bồi hồi nhớ lại.
Bây giờ thì cả huyện Buôn Đôn, nơi được coi là trung tâm của “văn hoá voi” cũng chỉ còn lại hơn 20 con voi nhà và hầu hết đều thuộc lớp voi già, gầy nhăn nheo. Theo tài liệu điều tra của Viện Điều tra quy hoạch rừng, năm 1980 Đắk Lắk còn 502 con voi nhà, đến năm năm 1998 còn 166 con và hiện Đắk Lắk chỉ còn lại khoảng 60 con, tập trung chủ yếu ở các huyện: Buôn Đôn, Lắk và Ea Súp.
Sự suy giảm nhanh chóng của đàn voi nhà (và cả voi rừng) ở Đắk Lắk ngoài yếu tố “Nhà nước cấm không cho săn voi” như lời già A Ma Kông, thì nguyên nhân chính là môi trường, sinh cảnh cho voi bị suy giảm nghiêm trọng. Những tác động của con người đến đời sống khiến trọng lượng voi càng ngày càng giảm sút, tuổi thọ bị rút ngắn. Khả năng sinh sản của voi nhà là không có, bởi nếu cho voi đẻ sẽ làm ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của nó.
Voi nhà bây giờ ngày thì phải tham gia vào việc phục vụ các loại hình dịch vụ du lịch, đêm đến phải kéo gỗ thuê cho các xưởng cưa trong vùng mới mong kiếm được đồng tiền để mua thức ăn cho voi và nuôi sống chủ voi. Theo già Y Thên, buôn Tul A, xã Ea Wen, huyện Buôn Đôn, những con voi chết trong thời gian gần đây là do làm việc quá sức.
Ngày xưa tuổi thọ voi rất dài; voi ít khi chết vì bệnh, vì nếu có bệnh thì chúng tự tìm cây thuốc trong rừng để chữa. Còn bây giờ người ta không thả voi ra rừng kiếm ăn, phần vì không có thời gian, rừng thu hẹp, lại sợ bọn đạo chích chặt trộm đuôi.
Những người như Khun Ju Nốp, A Ma Kông đã không chỉ làm cho quyền lực của mình lớn mạnh mà còn làm rạng rỡ dân tộc mình bằng hoạt động săn bắt, thuần dưỡng và buôn bán voi. Họ bang giao với các tộc người láng giềng bằng voi, từ đó mà hình thành nên giá trị văn hoá độc đáo gắn liền với con voi. Tuy nhiên, với đà suy giảm như hiện nay thì không lâu nữa, đàn voi nhà của Đắk Lắk sẽ không còn.
Việt Dũng (giadinh.net)
Bình luận (0)