Trong nền mỹ thuật đương đại của Việt Nam hiện nay, nghệ thuật sắp đặt đang tồn tại và phát triển. Nó được hiểu một cách đơn giản là sắp đặt cái này vào cái kia mà không hạn chế về không gian, chất liệu hay loại hình nghệ thuật khác. Trong tác phẩm sắp đặt, người nghệ sĩ có thể sử dụng ngôn ngữ và chất liệu của nghệ thuật điêu khắc, của nghệ thuật hội họa, của nghệ thuật tạo hình để thực hiện ý tưởng cần nói. Tuy nhiên, nghệ thuật sắp đặt lại được sự tiếp nhận khá dè dặt của nhiều người, kể cả những người làm nghệ thuật. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về loại hình này, Giáo Dục TP.HCM đã gặp một số họa sĩ trẻ đang trực tiếp thực hiện và triển lãm những tác phẩm sắp đặt trong và ngoài nước.
Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Hồn đất” của họa sĩ Lê Triều Điển |
Họa sĩ Ki-em (Pháp)
Có nhiều người bảo tác phẩm sắp đặt không có ngôn ngữ đặc trưng, mang tính nhất thời thậm chí là nghệ thuật phi hội họa. Bản thân tôi xem nó là một loại hình nghệ thuật mang tính sáng tạo cao bởi tôi đã nghiên cứu về nó rất nhiều và cũng rất đam mê nó. Nói là mang tính sáng tạo nhưng không phải là chúng ta tìm kiếm cái mới mà bỏ qua cái cũ, cái truyền thống. Nếu các bạn có theo dõi các cuộc triển lãm thì sẽ thấy rõ tác phẩm sắp đặt thường đi theo hai khuynh hướng nội dung: Một là đi vào các vấn đề đô thị, xã hội với con mắt khách quan châm biếm; hai là hướng đến không gian tín ngưỡng hoặc văn hóa truyền thống với thái độ trân trọng, nghiêm túc. Nghệ thuật sắp đặt có ở nước ngoài mấy mươi năm và tôi tin nó sẽ có một vị trí quan trọng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Họa sĩ Bùi Công Khánh
Trước đây, qua báo chí, tôi biết có một số cuộc triển lãm sắp đặt. Tôi đến xem và cảm thấy vô cùng thú vị. Sau đó, đã tìm tài liệu sách báo đọc thêm và nghiên cứu, càng ngày càng thấy cuốn hút vì tôi đã tìm thấy một phương pháp mới để thể hiện ý tưởng của mình. Một tác phẩm sắp đặt thành công không phải để người xem nhìn vào là hiểu tác giả muốn nói gì mà nó thành công khi người xem có những trăn trở, tự đặt ra những câu hỏi và trả lời theo ý của mình. Ở Việt Nam, dù chưa có trường lớp chính quy nào dạy loại hình này để chúng tôi học hỏi, nhưng thực tế chúng tôi đã cọ xát với nhiều đợt tham gia triển lãm sắp đặt và sẽ còn gắn bó với nó một cách nghiêm túc.
Họa sĩ Mai Anh Dũng
Trong quá trình sáng tác, có lúc người họa sĩ vẽ được, có lúc không vẽ được. Nhưng thay vì thể hiện cảm xúc, ý tưởng mới của mình trên một bức tranh thì bây giờ thể hiện nó bằng một không gian khác. Theo tôi sắp đặt mang tính sáng tạo vô cùng. Cho dù nó còn nhiều vấn đề tranh cãi nhưng tôi tin loại hình nghệ thuật này sẽ phát triển trong tương lai. Những họa sĩ trẻ chúng tôi vẫn say mê với công việc này, dù có được chấp nhận hay không chấp nhận.
Họa sĩ Trung Hậu
Thời còn sinh viên, tôi chưa biết nghệ thuật sắp đặt là gì, sau này đọc sách báo, theo dõi đài truyền hình tôi mới biết đến nó. Khi học ở trường, thật ra mình chỉ muốn thể hiện những ý tưởng sáng tạo của mình nhưng tranh giá vẽ chỉ thể hiện được không gian hai chiều, còn nghệ thuật sắp đặt có thể thể hiện trong một không gian lớn. Nhiều người lầm tưởng tác phẩm sắp đặt là điêu khắc, theo tôi sắp đặt là tìm tòi chất liệu thể hiện đúng ý tưởng của mình.
Họa sĩ – nhà thiết kế Ngô Thái Uyên
Nghệ thuật sắp đặt cuốn hút và giúp cho công việc sáng tạo những mẫu trang phục của tôi rất nhiều. Có lẽ dưới con mắt của nhà thiết kế đồng thời là một họa sĩ tôi dễ cảm xúc hơn khi thể hiện ngôn ngữ của nghệ thuật này vào những tác phẩm của mình. Loại hình này tuy tự phát nhưng phát triển nhanh. Có điều kiện đi nước ngoài, tôi học hỏi rất nhiều người về nó. Tôi tin, dù thế nào đi chăng nữa, nghệ thuật sắp đặt sẽ tồn tại, hình thành và phát triển trong trào lưu mới của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Một số địa chỉ giúp cho người xem có điều kiện đến thưởng ngoạn nghệ thuật sắp đặt tại TP.HCM
Triển lãm Không gian xanh (nằm trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM); Khu du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh TP.HCM); Viện Trao đổi Văn hóa Pháp (IDECAF); Khu du lịch Văn Thánh; Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur); Gallery Mai (18 – Nguyễn Huệ – quận 1); Phòng triển lãm Bích Câu (thuộc Cung Văn hóa Lao động TP.HCM).
HOÀNG DUẨN
Bình luận (0)