Truyện “dành riêng cho lứa tuổi trưởng thành”
“Nghía” thử một vòng qua các cuốn Ecchi đang được yêu thích như Love Hina, Malisa Lin, Lãng tử Midori, Thục nữ yêu kiều, Onegai teacher, … không khỏi giật mình vì những khung tranh vẽ cảnh tắm, tụt váy, ôm hôn, thậm chí là cả… trên giường diễn ra nhan nhản và cực kỳ chi tiết, có khi không hề cần thiết và chẳng liên quan gì đến nội dung truyện. Những nhân vật nữ luôn có thân hình đầy đặn, ăn mặc mát mẻ đến nỗi đôi khi các NXB phải… mặc giùm đồ lót cho đỡ phản cảm!
Điều đáng nói, những cuốn truyện này thường có ghi chú ngoài bìa “Truyện dành cho lứa tuổi 15… (hay 16, 17 gì đó)”, nhưng những độc giả của nó lại có số tuổi thấp hơn nhiều, thậm chí trong cặp những em học cấp 1 cũng có. Ngoài yếu tố tính dục nêu trên thì dòng truyện Ecchi thường có tính comedy (hài hước), nên rất cuốn hút, các bạn thoải mái coi, chỉ nghĩ đơn giản là giải trí và hiểu thêm được về “chuyện giới tính”. Khoan xét đến việc nó có hợp với lứa tuổi hay không, chỉ nghĩ đến việc các em nhỏ cũng đọc, và hồn nhiên cười, là thấy nguy hiểm chừng nào!
Vì những bộ truyện này được phát hành hẳn hoi nên trong tiệm bán hoặc cho thuê truyện nào cũng dễ dàng tìm thấy. Chủ tiệm thì chỉ cần bán (hoặc cho thuê), mặc kệ khách hàng có hợp để đọc hay không.
Ecchi – nên hay không nên?
Thật ra, những bộ Ecchi không hoàn toàn vô bổ, có những bộ nội dung hay, mang tính giáo dục cao, chỉ là nét vẽ hơi quá đà chưa phù hợp với người Việt. Văn hóa Nhật chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây phương từ lâu nên tư tưởng thoáng, truyện tranh Nhật được chia theo nhiều lứa tuổi rất rõ ràng, có đủ loại truyện cho cả ông bà, bố mẹ, con cái… Người đọc ý thức rõ mình đang đọc gì và hoàn toàn chịu trách nhiệm được những thứ mình đọc. Còn ở Việt Nam, truyện tranh mặc định dành cho “con nít”, nên mặc kệ truyện được dán nhãn “Dành cho lứa tuổi trưởng thành”, ai thích đọc cứ mặc sức đọc, và các bậc phụ huynh cứ tha hồ mà “an tâm” rằng bọn trẻ đang đọc “truyện tranh”.
Nghĩ gì về Ecchi? Hoài Sâm (biên tập viên truyện tranh, Công ty Phan Thị): “Cách quản lý truyện tranh của Việt Nam chưa được chuyên nghiệp, nên khi học theo cách phân độ tuổi đọc truyện của người Nhật đã gặp nhiều bất cập bởi người Việt (đặc biệt là trẻ em) chưa được ai định hướng để đọc truyện hợp với lứa tuổi của mình, và những NXB biết vậy mà vẫn in rồi chỉ dán một dòng chữ bên ngoài, như vậy là quá hờ hững…”. Bác Le Khanh (Super leader member của trang lamchame.com): “Điều khó khăn nhất của các bậc cha mẹ hiện nay không phải là ngăn cấm được con mình xem các loại truyện “bậy bạ”, mà là không tìm được cho con loại truyện đủ hấp dẫn để thay thế – nhất là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Vấn đề giáo dục giới tính sẽ mãi “nóng bỏng” và “khó nhai” nếu ta cứ đợi con đến tuổi vị thành niên mới xắn tay lên dạy cho chúng biết con trai có “trang thiết bị” gì và con gái có “vũ khí” gì, vì chúng đã biết từ lâu một cách “lệch lạc” mất rồi!”. Trần Hoàng Trâm (SV năm 1 ĐH Tôn Đức Thắng): “Truyện tuy dán mác tuổi 16,17 nhưng thực tế thì cũng chỉ làm cho có, và các em chỉ mới 13, 14 cũng có thể dễ dàng mua xem. Những cái mác như vậy hầu như chẳng có giá trị gì. Nếu người lớn đọc được thì lại càng hiểu lầm truyện tranh và đánh đồng tất cả đều vô bổ. Trong khi đó có những bộ truyện vốn có ý nghĩa rất nhân văn…”. Phan Nhất (SV Trường ĐH KHTN): “Khi đọc bộ Ecchi đầu tiên, mình thấy rất hấp dẫn và lôi cuốn, nhưng lại hơi lo sẽ xấu hổ nếu bị ai phát hiện. Có nhiều bộ Ecchi rất hay chứ không nhảm nhí đâu, nếu được xuất bản đàng hoàng như bên Nhật hay Thái có lẽ không nhiều tiêu cực như hiện nay. Nhưng người Việt mình tò mò quá, càng cấm càng làm, chẳng cần biết có hợp với mình hay không…” No.4 (diễn đàn Accvietnam.vn): “Vấn đề ở chỗ chính người đọc thôi, bản thân những truyện đó mà không đọc đúng tuổi sẽ gây tác động xấu, cùng một nội dung nhưng một đứa trẻ 16 tuổi sẽ suy nghĩ khác hơn một đứa nhóc cứ chăm chú vào những cảnh xxx chứ! Không phản đối việc các NXB chỉnh sửa nhưng việc bôi xóa, cắt xén, tô vẽ quá mức, thiếu kỹ thuật thì không thể chấp nhận được, như vậy là coi thường độc giả quá!” |
Thật khó để nói nên hay không nên đọc Ecchi, vì nếu biết lựa chọn và đọc với thái độ nghiêm túc thì Ecchi không hề xấu. Vì thế chỉ cần thử search trên mạng là thấy ngay dân ghiền truyện “săn lùng” Ecchi, thậm chí còn tự dịch rồi truyền nhau đọc, tất nhiên đây là những bộ truyện hay và “có nội dung”. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, những bộ Ecchi được xuất bản rất cẩu thả, nội dung nhảm nhí. Để “né” dư luận, các NXB sẵn sàng biên tập lại lời thoại, cắt xén chi tiết, bôi xóa hình vẽ… Trên các diễn đàn truyện tranh lớn như Accvietnam.vn, nhiều otaku (người mê truyện tranh) thẳng thắn “Không bao giờ mua loại truyện không tôn trọng bản quyền như thế!”.
Hãy thành thật trả lời câu hỏi bạn tìm đọc một bộ Ecchi vì nội dung của nó hay là vì tò mò các hình vẽ “hot” và các chi tiết gây cười bậy bạ, nghĩa là bạn đã trả lời được câu hỏi nên hay không nên đọc Ecchi!
Trách nhiệm thuộc về ai?
Đầu tiên là ở phía một số NXB, chẳng lẽ chỉ cần dán bên ngoài một dòng chữ “Dành cho lứa tuổi…”, vậy là xong? Vì với ý thức chưa rõ ràng, tính tò mò lại rất cao nên điều đó càng khiến các độc giả ở tuổi chưa trưởng thành tìm đọc. Nếu đã tìm được một bộ truyện hay và “dám” xuất bản, thiết nghĩ các NXB cũng nên tôn trọng bản quyền, đừng cắt xén, chỉnh sửa. Như vậy, vô tình đã khiến các bộ Ecchi bị đánh đồng và mang tiếng xấu không đáng có.
Thứ đến là các bậc phụ huynh, nhu cầu tìm hiểu về giới tính của con cái, nhất là lứa tuổi mới lớn là hoàn toàn bình thường và tự nhiên, nhưng phải được hướng dẫn để không đi lạc hướng. Tốt nhất là cha mẹ thường xuyên kiểm tra để biết con mình đang đọc gì, xem gì…
Cuối cùng, quan trọng nhất chính là bản thân chúng ta, chứ có thể đổ lỗi cho ai khi tự mình đi tìm đọc? Nếu không đủ ý thức, sau khi xem những hình ảnh đầy cám dỗ đó, việc chuyển sang coi phim hoạt hình “mát mẻ”, rồi tới phim xxx là điều dễ hiểu. Và có đáng không, khi xem mà cứ phải hồi hộp che giấu, sợ người khác phát hiện? Ý thức và tự chịu trách nhiệm trong văn hóa đọc của mỗi người là điều quan trọng. Giáo dục cho trẻ về hành vi văn hóa này là điều thật cần thiết vô cùng.
THIÊN AN (thực hiện)
Bình luận (0)