Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tả quân Lê Văn Duyệt – Một vở kịch hay

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Cảnh trong vở Tả quân Lê Văn DuyệtVở diễn Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả Phạm Văn Quí, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) vừa chính thức công diễn phục vụ khán giả tại Nhà hát Kịch TP với một lực lượng diễn viên hùng hậu: Quyền Linh, Bảo Trí, Trịnh Kim Chi, NSND Thế Anh, Mai Dũng, Anh Tuấn, Vũ Thanh, Ánh Hồng, Huy Cường, Quách Cung Phong, Hoàng Duẩn, Thúy Hà, Chánh Thuận, Như Hạnh… cùng 100 diễn viên quần chúng và nhóm múa tham gia.

Nội dung hấp dẫn

Tả quân Lê Văn Duyệt từng nói: “Pháp luật không phải là ngọn roi nhỏ mơn man trên tay, trên chân… mà với ta pháp luật nghiêm minh là phải đánh trên đầu đánh xuống”. 

Lịch sử của giai đoạn khai hoang vùng đất Nam Bộ như được lật lại từng trang trên sân khấu. Phía sau chín bát hương được đặt trước tiền đài với những sợi khói lúc ẩn lúc hiện, dưới tiếng vọng linh thiêng của chín chiếc chiêng cổ hiện lên trên sân khấu là hình ảnh một Tả quân Lê Văn Duyệt (Quyền Linh) – một công thần của Triều Nguyễn hết lòng chăm lo cho cuộc sống của con dân Gia Định và Năm Trấn Phiên An. Lê Văn Duyệt nổi tiếng là người đã mở mang bờ cõi, chinh phục ngoại bang, thu phục lòng dân với tài lược hơn người. Khi Minh Mạng (NSND Thế Anh ) lên ngôi, dưới sự bao vây của những quần thần xu nịnh xung quanh, điển hình là hai vị quan nội triều Hoàng Quyền (Mai Dũng), Bạch Xuân Nguyên (Anh Tuấn) vua Minh Mạng cũng đã bắt đầu sợ Lê Văn Duyệt “gây bè cánh hòng thoán nghịch” nên ông đã được đưa về kinh ngồi chơi xơi nước. Nhà vua lại còn cưới vợ cho ông – bà Đỗ Thị Phận ( Trịnh Kim Chi) với hy vọng là ông sẽ vui trong nhung gấm mà quên đi chuyện con dân Gia Định thành. Đắng cay thay Lê Văn Duyệt là người “bất túc” (ái nam ái nữ). Khi Huỳnh Công Lý (Bảo Trí) là cha của một cung nữ được vua Minh Mạng sủng ái được đưa vào Nam làm phó tổng trấn Gia Định thành thì cuộc sống người dân nơi đây trở nên lầm than, cơ cực, nạn đói hoành hành, trộm cướp xuất hiện trở lại, ngoại bang đang tìm cách cho quân chờ cơ hội đánh chiếm Nam bộ. Huỳnh Công Lý cậy mình là cha vợ vua đã tha hồ đàn áp, vơ vét của dân. Ông là điển hình của một vị quan tham nhũng, tuy ngoài mặt lúc nào cũng tuyên bố là người “liêm khiết, chí công, vô tư”. Không chịu được khổ  ải cơ cực lầm than, dân Gia Định đã đi cùng Trương Tấn Bửu (Huy Cường) ra Phú Xuân xin gặp Tả quân để trần tình. Tả quân đã quyết định vào triều gặp vua và xin được về Gia Định thành. Trở về Gia Định thì hỡi ôi bao nhiêu công sức của ông và con dân Gia Định đã gầy dựng trước đây không còn nữa, trộm cướp hoành hành, dân đói rách cơ cực, ngoại bang đang rình rập… Trước tình hình đó Tả quân đã vi hành và đã tìm ra nguyên nhân của mọi chuyện đấy là do Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý. Quyết định khó khăn và cũng là quyết định đã tạo ra sự oan khiên cho ông, cũng vì nó mà sau này ông bị mang đến “chín tội và tội nào cũng chém đầu” đó chính là việc ông cho bắt và xử trảm Huỳnh Công Lý, để diệt trừ giặc tham nhũng…

Diễn viên xuất sắc

Vở diễn đã đưa người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, màn múa chém đầu Huỳnh Công Lý được dàn dựng thật hoành tráng và ấn tượng. Nhìn đầu Huỳnh Công Lý treo lủng lẳng giữa chợ, người xem không ngớt gật gù và đồng lòng, xử tham nhũng là phải xử mạnh như thế. Và đó cũng là chủ ý của Lê Văn Duyệt khi ông đã nói rằng “phải làm như vậy cho những kẻ tham quan ô lại, những kẻ “ăn trên ngồi trốc” nhìn thấy đó phải khiếp sợ”. Hai gam màu chủ yếu của vở diễn là đen và đỏ đã làm cho người xem nhận biết một cách rất rõ ràng hai phe chánh và tà. Cũng với ý đồ này của những người thực hiện mà qua lăng kính sân khấu người xem cũng có thể chấp nhận việc tại sao vua lại mặc áo đen mà Lê Văn Duyệt lại mặc áo đỏ. Chi tiết Lê Văn Duyệt đến tận sào huyệt của Huỳnh Công Lý để cứu dân và tại đó ông đã cứu được tên cướp Chín Đước (Hoàng Duẩn) khỏi bị Huỳnh Công Lý chém đầu và chính vì hành động cao cả này của Tả quân mà Chín Đước về sau đã về làm tướng dưới trướng của ông là một chi tiết hay và chứng tỏ cho bản lĩnh mạnh mẽ dám nói dám làm của ông. Người xem không thể không rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh ngày Tả quân tạ thế, tất cả những người dân Gia Định đã cùng đeo tang và lại là những chiếc khăn tang màu đỏ. Thế mới là nghệ thuật, thế mới là tính cách mạng của vở diễn. Có thể nói đây một vở diễn chính kịch lịch sử với đầy đủ chất bi – hùng của nó.

Quyền Linh đã mạnh mẽ hơn trong vai Tả quân và cái chất “bất túc” cũng đã được anh trau chuốt kỹ càng hơn. Bảo Trí xuất sắc trong vai phản diện Huỳnh Công Lý, qua những câu thoại, những cái liếc mắt, những cách xử lý chiếc quạt trong tay, người xem đã thấy một Bảo Trí đa năng và sắc sảo khác hẳn những vai hài của anh trước đây. Bên cạnh đó phải kể đến các vai diễn thành công của Hoàng Duẩn, Huy Cường, Vũ Thanh, Anh Tuấn, Mai Dũng, Trịnh Kim Chi, Chánh Thuận, Ánh Hồng, Quách Cung Phong… Những tràng pháo tay của khán giả sau từng lớp, từng cảnh, từng màn của vở diễn là minh chứng cho sự làm nghệ thuật một cách nghiêm túc, bài bản của Nhà hát Kịch thành phố và  ê kip thực hiện của đạo diễn Doãn Hoàng Giang.

Bài học về lịch sử của một con người có công lớn với dân với nước nói chung và ở vùng đất Nam bộ được người đời nay nhìn nhận một cách công bằng hơn và sâu sắc hơn. Nó khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều hơn về lịch sử và những nhân vật lịch sử của dân tộc mình. Cái cách chống tham nhũng quyết liệt của tiền nhân qua vở diễn thật đáng cho thời đại chúng ta suy ngẫm.

Việc Nhà hát Kịch TP mạnh dạn đầu tư cho ra đời vở diễn lịch sử chống tham nhũng Tả quân Lê Văn Duyệt là một việc đáng khích lệ.

NGỌC HÙNG

Bình luận (0)