Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Học sinh trường tư thục, dân lập: Chuyển trường không dễ

Tạp Chí Giáo Dục

Khi thấy hàng xóm xin cho con chuyển từ trường tư thục này vào học một trường tư thục khác ở quận Bình Thạnh, chị Trang ngụ đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 góp thêm lời: “Tưởng xin vào đâu chứ vào trường dân lập thì có khó gì, cứ có tiền là vào học được”. Thế nhưng thực tế thì hoàn toàn khác…

Phụ huynh chạy ngược chạy xuôi

Không chỉ có chị Trang, một số người khác vẫn quan niệm rằng xin cho con vào học các trường ngoài công lập không đến nỗi “gian truân” như vào trường công lập. Theo phụ huynh nếu học các trường tư thục, dân lập là chấp nhận đóng học phí cao, hơn nữa hiện nay hầu như quận nào cũng có trường tư thục, dân lập muốn xin chỗ nào chẳng được. Thực tế không đơn giản như vậy, nhất là các học sinh thuộc diện chuyển từ trường tư thục này đến trường tư thục khác.

Năm 2006 đang học lớp 11 của Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký (cơ sở 2 số 21 Trịnh Đình Trọng, quận 11), học sinh Nguyễn Bảo L. bị đưa ra hội đồng kỷ luật vì tội đánh nhau trong khu nội trú. “Bản án” cuối cùng mà học sinh này nhận được là quyết định buộc thôi học. Khi nhận được “hung tin” cả gia đình ai cũng rầu rĩ, ông Nguyễn Văn Mây, bố của L. than vãn: “Thời điểm này vừa kết thúc học kỳ một, đang giữa năm học vậy mà hai vợ chồng tôi phải cầm hồ sơ của cậu con trai chạy toát mồ hôi đến “gõ cửa” các trường tư thục khác để cho L. khỏi bỏ lỡ một năm học, nhưng khi hỏi lý do và nhìn vào lời phê trong học bạ ban giám hiệu các trường N.K, H.Đ đều từ chối. Cuối cùng nhờ chị gái L. có người quen nên sau đó em đã xin được vào học Trường dân lập Đăng Khoa quận Phú Nhuận”.

Trường hợp của anh Cường nhà ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình thì ngược lại, Cường có người em gái năm nay vừa học xong lớp 10 tại một trường dân lập ở quận Phú Nhuận. Thấy em mình học giỏi trong tốp 5 của khối 10 nên Cường muốn xin cho em về học Trường THPT tư thục N.K cho gần nhà hơn, thế nhưng kết quả chỉ là con số không. Sau khi nghe anh trình bày và liếc qua hồ sơ xin học, một nhân viên phòng học vụ ở đây trả lời do trường đang dạy chương trình cao hơn nên sợ em không theo kịp (?). Mặc dù anh Cường năn nỉ cứ cho em H. học thử trong ba tháng hè nếu không đạt thì thôi nhưng cô nhân viên vẫn nhất quyết không là không. Khi dắt xe ra đến ngoài cổng trường anh Cường vẫn chưa hết bực bội: “Học phổ thông là chương trình chung của bộ làm gì có chuyện trường nào cao hơn trường nào!”. Một chị phụ huynh cũng đi xin cho con chuyển trường chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, phân bua: “Chắc họ thấy trường dân lập em gái anh học “dưới cơ” trường này nên người ta kiên quyết không nhận”.

Không chỉ có ông Mây, anh Cường mà nhiều phụ huynh khác cũng lao đao vì việc chuyển trường cho con từ nơi này sang nơi khác. Chị Thúy ngụ ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 7, TP. Vũng Tàu năm 2007 khi thấy con mình học lớp 11 tại một trường tư thục ở quận Tân Bình có biểu hiện sa sút học tập trong học kỳ hai nên sau hè chị đã bàn với chồng xin cho con vào học Trường THPT tư thục N.K. Nhờ có người nhà là giáo viên đang dạy hợp đồng tại trường nên Lê Phương N. được trường tiếp nhận hồ sơ nhưng khi làm bài text để kiểm tra trình độ thì N. đã không đạt yêu cầu, cuối cùng cũng bị “loại” ra ngoài.

Tiết học của Trường Tiểu học dân lập Ngô Thời Nhiệm

Các trường làm khó

Vậy lý do nào mà phụ huynh học sinh gặp khó khăn khi chuyển trường cho con cái mình? Trước hết phải thấy rằng những trường hợp “dứt áo ra đi” giữa chừng thường rơi vào các học sinh cá biệt. Ngoài sức học yếu không chịu cố gắng vươn lên, một số em liên tục vi phạm nội quy nhà trường như gây gổ, đánh nhau, vô lễ với thầy cô… Đây chính là lý do mà các trường khác rất ngán không muốn thu nhận những hồ sơ học sinh đã có tỳ vết. Việc chuyển trường thường giữa học kỳ hoặc trong năm học nên nhiều trường thật sự không còn chỗ để chứa thêm các em dù chỉ một người nhất là chuyển vào các trường tốp trên như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Khuyến, Ngôi Sao, Hồng Đức… Trao đổi với một số phụ huynh đã từng “trần ai khoai củ” khi xin chuyển trường cho con, chúng tôi còn biết một lý do khác nữa là do các trường ngoài công lập vẫn còn “kỵ” nhau. Một hiệu trưởng trường tư thục từng tuyên bố: “Chẳng thà chúng tôi nhận thẳng học sinh từ các tỉnh lên chứ không nhận học sinh từ các trường tư thục khác”(?). Theo ông những trường hợp chuyển qua ít khi có học sinh giỏi ngoan, đa số đã bị trường cũ “loại bỏ” rất khó giáo dục gây ảnh hưởng đến học trò khác và xáo trộn nền nếp đang ổn định trong nhà trường. Mặt khác nếu nhận vào thì sẽ làm cho trường “mất giá” vì thiếu học trò bất kể đối tượng nào cũng nhận. Các trường này vẫn quan niệm ít ra thì cũng cố giữ cho được giá trị và thương hiệu của trường mình đó là chưa nói đến việc ganh đua giữa trường này với trường nọ. Vì thế học sinh trường tốp dưới họ không nhận đã đành mà ngay học sinh các trường tốp trên xin về họ cũng từ chối thẳng thừng dù các em dư tiêu chuẩn.

Cũng giống như các trường công lập, học sinh trường tư thục, dân lập vì một lý do nào đó cũng phải chuyển trường đổi lớp. Tuy nhiên không phải phụ huynh nào cũng toại nguyện. Cách đây hai năm B.C một học sinh của trường tư thục ở quận Tân Bình do không xin vào học trường khác được nên bố mẹ bắt trở về quê ở miền Trung học tiếp. Về miền Trung do không có người chăm sóc quản lý em đã bỏ nhà đi bụi, sau đó trở thành con nghiện và hiện nay đang là gánh nặng cho gia đình. Câu chuyện đó thật đau lòng và như muốn nhắc nhở thầy cô, các nhà quản lý giáo dục dù lý do nào đi nữa thì cũng nên tạo điều kiện để cho con em chúng ta được đến trường, được học hành trong một môi trường đàng hoàng và tử tế nhất.

Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)