Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM: càng chống càng… ngập – Bài 1: “Điểm mặt” những vùng ngập

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - một trong những trọng điểm ngập do triều cường - Ảnh: N.TriềuChưa đầy hai tháng gần đây, người dân TP.HCM đã liên tiếp hứng chịu những đợt ngập ngoài sức tưởng tượng. Danh mục chính thức về số điểm ngập trên địa bàn TP.HCM do Sở Giao thông công chính (nay là Sở Giao thông vận tải – GTVT) thống kê từ đầu năm 2008 kết thúc ở một con số hết sức tròn trĩnh: 100.

Phải nhắc đến đầu tiên là trận ngập kỷ lục chiều 1-8. Gần như toàn bộ hệ thống giao thông của TP bị tê liệt, người dân vật lộn với mưa trên trời và nước dưới chân. Mới đây nhất là đợt triều cường giữa tháng chín đã đánh gục những ý nghĩ lạc quan nhất về hiệu quả chống ngập của hàng ngàn người dân sống và… “bơi” dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Nội thành ngập, ngoại thành cũng ngập

Danh mục chính thức về số điểm ngập trên địa bàn TP.HCM do Sở Giao thông công chính (nay là Sở Giao thông vận tải – GTVT) thống kê từ đầu năm 2008 kết thúc ở một con số hết sức tròn trĩnh: 100. Trong đó có 54 điểm ngập do mưa, 12 điểm ngập do triều và 34 điểm ngập do mưa kết hợp với triều. Nhưng nếu chia theo địa bàn phân bố thì có thể thấy điểm ngập xuất hiện rộng khắp ở các khu vực cả nội thị, vùng ven lẫn ngoại thành, chỉ thiếu quận 3, quận 4, quận 9 và huyện Cần Giờ.

Chỉ riêng khu vực nội thành đã có tới 66 điểm ngập phân bố dọc bốn lưu vực chính gồm Hàng Bàng (28 điểm), Tân Hóa – Lò Gốm (15 điểm), Nhiêu Lộc – Thị Nghè (17 điểm) và Tàu Hủ – Kênh Đôi – Kênh Tẻ (6 điểm). Đáng chú ý là có đến 77,3% số lần ngập hằng năm xuất hiện tại hai lưu vực Hàng Bàng và Tân Hóa – Lò Gốm.

Quan sát trong những năm gần đây cho thấy mỗi trận mưa lớn kéo dài trên 30 phút với lượng mưa khoảng 60mm là điểm ngập đồng loạt xuất hiện, mặc dù có đến hai tiểu dự án kết hợp chống ngập với cải thiện môi trường bằng nguồn vốn ODA tại hai lưu vực này. Trong đó, khu vực bến xe Chợ Lớn – chợ Bình Tây, bùng binh Cây Gõ – Minh Phụng là những địa chỉ ngập nặng, ngập triền miên.

Ở các quận vùng ven, bức tranh ngập nước cũng chưa có dấu hiệu cải thiện. Anh Lê Chí Hùng (nhà ở đường Ba Tơ, quận 8) cho biết công ty anh ở quận 3 nên ngày hai lượt đi về qua đường Phạm Thế Hiển.

Chỉ cần ngang qua cầu Chà Và, nhìn mực nước kênh Tàu Hủ là biết đường Phạm Thế Hiển sẽ ngập ở đoạn nào, sâu bao nhiêu. “Chừng nào đoạn đường từ cầu Nhị Thiên Đường về cầu Bà Tàng triều lên mà không ngập, tui sẽ gọi điện mời nhà báo tới nhà làm gà ăn mừng” – anh Hùng hóm hỉnh. Trong khi đó, dù kênh Nước Đen đoạn thuộc quận Tân Phú đã được bêtông hóa bằng hệ thống cống hộp nhưng vẫn không thoát ngập bởi những cơn mưa lớn. Cũng dọc tuyến kênh này, đoạn thuộc phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) còn bi đát hơn khi nằm ngay rốn ngập Gò Cát.

Tại các quận huyện ngoại thành tình hình cũng không mấy sáng sủa. Sau những cơn mưa hoặc lúc triều cường, người đi đường từ nội thành ra chỉ cần vượt qua được cầu Bình Triệu là lọt ngay vào điểm ngập Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức).

Nói là “điểm” nhưng thực tế đường này thường xuyên bị ngập kéo dài từ ga Bình Triệu đến tận cầu Gò Dưa. Đường Lê Văn Lương bị ngập do địa hình chung của huyện Nhà Bè nằm ở dưới dốc, còn đường tỉnh lộ 9 (huyện Củ Chi) cũng đang tồn tại một điểm ngập ở đoạn từ cầu Rạch Tra đến cầu Bà Đế.

Lướt qua danh mục những điểm ngập do cơ quan chức năng TP công bố không khó để nhận ra còn nhiều điểm ngập khác chưa được đề cập. Nếu hỏi người dân, chắc chắn danh mục những điểm ngập sẽ còn được nối dài vượt xa con số 100 điểm theo thống kê của cơ quan chức năng.

Những địa chỉ bị bỏ quên

Ngày 16-9, sau một cơn mưa, dưới chân cầu Sài Gòn, nước ngập gần đến yên xe - Ảnh: T.C.NghĩaTheo danh mục chính thức, quận 2 chỉ có hai điểm ngập trên đường Quốc Hương đoạn trước Trường đại học Văn hóa (phường Thảo Điền) và đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ chợ Giồng Ông Tố đến cầu Xây Dựng.

Không hiểu vì vô tình hay hữu ý, cơ quan chức năng “quên” một vũng ngập khổng lồ đã tồn tại nhiều năm nay là khu vực dọc đường Lương Định Của thuộc phường An Khánh và phường Thủ Thiêm. Muốn tìm chứng tích của vũng ngập này, hãy ghé thăm trụ sở UBND của phường An Khánh và phường Thủ Thiêm. Bất kể giờ nào cũng có thể nhìn thấy ngấn nước còn in hằn trên chân tường, có nơi cao quá gối.

Cách đây không lâu, chúng tôi từng có bài viết đề cập vùng trũng phường Bình Hưng Hòa và phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), nơi giao nhau của kênh Nước Đen và hợp lưu kênh 19-5 với kênh Tham Lương. Chỉ riêng khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa (dọc đường Tân Kỳ Tân Quý) từ đầu mùa mưa đến nay đã chịu năm trận ngập nặng, nhất là trận ngập sau cơn mưa chiều 6-9. Thế nhưng trong danh sách cập nhật mới nhất của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là Trung tâm chống ngập) do Sở GTVT chuyển giao không thấy nhắc tới khu vực này.

Khó hiểu hơn, các tuyến đường Ung Văn Khiêm, D2 và Điện Biên Phủ (đoạn từ cầu Văn Thánh đến cầu Sài Gòn) thường xuyên bị ngập khi có mưa kết hợp với triều cường cũng không được nhắc đến trong danh mục 100 điểm ngập. Tương tự, một số điểm ngập khác như đường Hồ Văn Tư, Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức), đường Nguyễn Xiển (quận 9) và các con đường ở khu dân cư Đồng Diều (quận 8) đều bị lọt sổ.

Các điểm ngập mới

Những điểm ngập kể trên chỉ là “ngập sỉ” với tần suất xuất hiện dày đặc sau những trận mưa hoặc triều cường. Riêng những điểm “ngập lẻ” với chu kỳ không đều đặn có lẽ không thể kể xiết. Trong số này có thể kể đến những điểm ngập bất thình lình do bể bờ bao, vỡ đê hoặc do các công trình thi công hạ tầng gây ra, nhất là các công trình… chống ngập.

Bức tranh ngập của TP vốn đã loang lổ là vậy những diễn biến gần đây cho thấy tình hình càng có chiều hướng bi đát hơn. Theo Trung tâm chống ngập TP, mùa mưa năm nay các khu vực quanh công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), đường Phan Văn Khỏe, Mai Xuân Thưởng (quận 6), một số tuyến đường thượng lưu kênh Nước Đen (quận Tân Phú) đã cải thiện về độ sâu, diện tích và thời gian ngập so với năm 2007. Tuy nhiên, tổng hợp báo cáo đến cuối tháng tám, Sở GTVT mới xóa ngập được 5/12 điểm và giảm ngập được 6/14 điểm đã đăng ký thực hiện trong năm 2008.

Trong khi đó, chỉ riêng tháng 7 và nửa đầu tháng 8-2008 trên địa bàn TP đã xuất hiện 16 điểm ngập mới. Điều đáng nói là một số điểm ngập mới này xuất hiện ngay khu vực trung tâm TP như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Lê Lợi, Lê Lai (quận 1)… Đặc biệt, cơn mưa kỷ lục với lượng mưa một số trạm đo được 140mm đã làm “lộ mặt” cùng lúc đến 87 điểm ngập. Trong đó, đường Lê Lợi đoạn từ vòng xoay Quách Thị Trang (trước chợ Bến Thành) đến đường Nguyễn Huệ hiếm khi ngập đã “lặn” sâu hơn nửa mét dưới làn nước.

NGUYỄN TRIỀU (Theo TTO)

Bình luận (0)