Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sinh viên mùa thi, mùa bóng đá

Tạp Chí Giáo Dục

SV nên biết cân đối việc học và hưởng ứng không khí bóng đá. Ảnh: SV phấn khởi sau trận thắng của đội bóng mà họ hâm mộNăm nào mùa bóng đá cũng trùng thời điểm thi khiến sinh viên (SV) tăng thêm mối lo, vừa lo… vướng nợ nhiều môn, vừa hồi hộp chuyện đội bóng hâm mộ của mình có trở thành nhà vô địch…

Ăn bóng đá, ngủ bóng đá…

Hùng Quang (ĐH Công nghiệp TP.HCM) tự hào khoe từ hôm khai mạc Euro2008 đến giờ bạn chưa bỏ lỡ một trận nào. Cái lý mà chàng SV này đưa ra, SV thì chỉ có việc ăn – ngủ – học và giờ thì thêm cả việc xem bóng đá, đó là lẽ đương nhiên. Không kể cũng biết, Quang chỉ là một trong số hàng ngàn SV đang ngày đêm miệt mài theo dõi quả bóng lăn trên sân cỏ.

Tuấn Trung (khoa Điện – điện tử, ĐH Bách khoa) cho biết, có khoảng 90% SV lớp bạn thường xuyên xem Euro. SV có cách xem bóng đá theo kiểu SV. Một số KTX (KTX ĐHQG TP.HCM, ĐH Nông lâm…) còn trang bị ti vi cho SV theo dõi thông tin và giải trí. Mùa bóng, đây là địa điểm cho SV gặp nhau, thể hiện niềm say mê môn thể thao vua của mình. SV KTX Trường ĐH Công nghiệp thì tụ họp nhiều nhóm lại với nhau và xem tại các phòng. Một số phòng trọ, các nhóm SV cũng góp tiền nhau kiếm lấy cái ti vi cũ để tha hồ mà hò hét. Những SV “khấm khá” hơn một chút thì thả hồn mình theo quả bóng tại những tụ điểm cà phê. Không khí bóng đá nóng lên từng ngày, từng giờ tại các giảng đường, KTX…

Đủ kiểu “hưởng ứng”

Bên cạnh dõi sát từng “nhất động nhất cử” của đội bóng hâm mộ của mình, nhiều trận, SV thường tăng cường “xúc tác” để tạo thêm hứng khởi. Ở cấp độ “SV” thì thường cá độ nhau bữa ăn sáng, ly cà phê, thậm chí vài gói mì tôm. Tuấn Trung (ĐH Bách khoa) tiết lộ: “Trận Tây Ban Nha và Nga vừa rồi, thằng bạn cùng lớp với mình thắng được 50 ngàn đồng bằng việc cá với 5 đứa bạn khác, mỗi “kèo”… 10 ngàn đồng. Thắng xong, nó dắt cả bọn đi ăn sáng, coi như hết luôn”. Còn Minh Huy (ĐH Công nghiệp TP.HCM) thì sau trận này phải “chung”… 5 gói mì tôm cho thằng bạn cùng phòng. Minh Huy giải thích: “SV với nhau, chủ yếu cá độ cho vui. Hôm nay bạn thắng, hôm khác lại đến lượt mình. Chứ SV tiền đâu mà đỏ đen với những món tiền lớn”.

Không chỉ dừng lại ở “chơi cho vui”, một bộ phận SV biến niềm vui thể thao thành thú đỏ đen hay cơ hội kiếm tiền. M.N. (ĐH Kinh tế) cho biết: “Ham cá độ, thằng bạn cùng lớp mình đem cầm cả xe và máy vi tính lấy tiền chơi. May mà nó cũng hên, vừa lấy lại được xe cách đây hai ngày. Máy vi tính thì hiện nay vẫn còn “cắm” ngoài tiệm”. Cũng có những SV khác không may, thua độ liên tiếp. Hết tiền, viện đủ lý do với gia đình, nào là học thêm, chi phí đi thực tập… miễn sao xin được tiền, “gỡ” lại ở trận kế tiếp. Cũng theo M.N. (ĐH Kinh tế), chỉ riêng cái khoản cà phê thôi cũng đã ngốn không ít tiền vì bóng đá do nhiều quán cà phê lên giá. Bình thường giá một ly khoảng 15 ngàn đồng, bây giờ đã lên đến 25 ngàn đồng. Thùy Dương (khoa Xã hội học, ĐHKHXH& NV TP.HCM) cho rằng: “Cá độ cho vui với nhau thì được. Chứ còn ăn thua theo những “kèo” lớn thì không nên vì SV thường chưa kiếm ra tiền. Những đồng tiền chắt chiu từ mồ hôi cha mẹ mà lại đem đốt vào trò năm ăn năm thua như thế thì cũng không hay ho gì”.

Bên học bên… đá banh

Không ít SV ngậm ngùi cái chuyện mùa bóng lại cứ rơi vào đúng đợt thi học kỳ, thi tốt nghiệp làm cho việc cân đối học và xem đá banh trở nên không đơn giản. Nguyễn Công (ĐH Bách khoa) tiết lộ: “Cứ tới mùa giải gì đó là y như rằng lớp mình tỷ lệ SV rớt nhiều hơn. Không khí các buổi học uể oải. Không ít bạn trụ đến khi điểm danh xong là trốn. Có bạn ngủ gục tại lớp luôn. Nhóm khác lại lo mải mê bàn luận khí thế những pha bóng đẹp, kịch tính của trận đêm trước”. Văn Thành (ĐH Công nghiệp) kể: “Có những giờ ra chơi, thầy trò còn bàn luận sôi nổi chuyện bóng đá. Nhưng một số bạn thức nhiều quá đuối sức ngủ luôn trong giờ học khiến giảng viên rất khó chịu, thậm chí la mắng”. Thành tâm sự: “Cũng phải đấu tranh dữ lắm. Đặc điểm SV thì biết rồi, bài vở cứ hay dồn đến sát ngày thi mới học. Có hôm, trúng trận bóng hay thì phải lấy bông gòn nhét lỗ tai tìm một góc “ít cám dỗ” để học. Cũng có đứa liều, xem đá bóng trước đã. Có ráng học bài cũng không nhét vô vì đầu óc đã thả lăn cùng theo quả bóng”. Thành cũng thú nhận là mình đã từng “hy sinh” một môn như thế. Cái lý của nhiều bạn SV, bóng đá 4 năm mới trở lại một lần. Nợ môn thi còn có dịp… trả nợ.

Dù sao, SV mà, vui chơi không sợ… mưa rơi nhưng cũng không nên sao lãng nhiệm vụ học tập. Thực tế, với SV, nhất là SV năm ba, năm tư, nếu vướng nợ quá số môn  cho phép sẽ bị lưu ban hoặc không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp.

MÊ TÂMtc "MEÂ TAÂM"

Bình luận (0)