Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7: “Gia tài” của một thầy giáo thương binh

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy giáo Hồ Thiệu Hùng trong chiến trường miền Tây Nam bộ“Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi, Nanh thương binh vẫn đến trường làng tay ôm đàn dạy các em thơ…”. Mỗi lần nghe ai đó cất lên lời bài hát say lòng người của nhạc sĩ Trần Tiến tôi lại nghĩ đến hình ảnh những thầy giáo trở về từ chiến trường với cơ thể đầy thương tích nhưng vẫn tiếp tục cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp “trồng người”. Một trong những thầy giáo thương binh để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi là TS. Hồ Thiệu Hùng – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT, nguyên Phó trưởng ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM.

Xuôi Nam dưới làn bom đạn

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 11 tuổi, cậu bé Hùng đã theo ba mẹ tập kết ra Bắc. Kể từ đó, tuổi thơ và con đường học vấn của cậu học trò Trường Lycée Chasseloup Laubat (THPT Lê Quý Đôn bây giờ) đã đi vào một chặng đường mới. Ra Bắc, được học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, anh cùng với rất nhiều con em học sinh miền Nam khác nhen nhóm niềm mơ ước mai sau trở thành một trí thức cách mạng để trở về phục vụ quê hương. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp khoa Toán – Lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hồ Thiệu Hùng về nhận công tác tại Trường cấp 3 Long Châu Sa, tỉnh Phú Thọ. Thời kỳ này, giặc Mỹ bắt đầu leo thang bắn phá miền Bắc và trên chiến trường miền Nam cuộc kháng chiến chống Mỹ của đồng bào ta đang trong giai đoạn cam go và ác liệt nhất. Năm 1968, thầy giáo dạy toán Hồ Thiệu Hùng được lệnh rời trường để chuẩn bị đi B. Đến tháng 3 -1969, đoàn giáo viên đi B bắt đầu vượt Trường Sơn. Qua biết bao gian nan vất vả, mất ròng rã bảy tháng anh cùng đồng đội mới đến được chiến trường miền Đông Nam bộ. Nhưng đây chưa phải là đích cuối cùng của đơn vị anh. Lại những ngày hành quân luồn sâu vào lưng địch, cho tới 12 tháng sau anh mới đến được vùng đất Cà Mau tận cùng đất nước. Tại đây, anh được tổ chức giao công tác vận động thanh niên, dạy các lớp mù chữ, gây dựng phong trào giáo dục cách mạng vùng Tây Nam bộ. U Minh Thượng, là vùng đất luôn bị hạm đội Mỹ chà xát bằng đại pháo bắn từ vịnh Thái Lan. Đêm 17-12-1970, tại căn chòi của Tiểu ban giáo dục miền Tây, một trái pháo nổ sát nhà làm một đồng đội hy sinh, thầy giáo Hồ Thiệu Hùng cùng một đồng đội khác bị thương nặng. Anh tự sơ cứu bằng cách lấy khăn dù buộc ca-rô cái chân bị gãy, sau đó được anh em trong đơn vị gần đó chặt cây tràm nẹp chân lại rồi đưa xuống xuồng ra Quân y viện ngay trong đêm. Tại đây, do thiếu bác sĩ nên anh được một nha sĩ mổ chân trái gắp những mảnh xương vụn ra rồi may vết thương lại. Mặc dù bị mất nhiều máu, ngất lên ngất xuống nhiều lần, nhưng do còn trẻ khỏe nên anh đã vượt qua được cơn nguy kịch. Hôm đó đúng vào sinh nhật tròn 27 tuổi của anh – một sinh nhật ở chiến trường không bao giờ anh quên.

Thầy giáo thương binh của thời bình

Nhà của TS. Hồ Thiệu Hùng nằm sâu trong một con hẻm nhỏ rất khó vào trên đường Lê Trực, quận Bình Thạnh. “Của cải” của gia đình ông chủ yếu là mấy chậu hoa kiểng trước sân và những kệ sách. Bây giờ vết thương ở chân trái đã đỡ nên ai để ý mới thấy những bước đi khập khiễng của người thương binh thời chống Mỹ Hồ Thiệu Hùng. Cách đây một năm ông đã qua Đức mổ chân trái lần thứ chín. Lần này mổ là do xương khớp bị hư, xương lực yếu nên phải cắt xương chỗ khác lắp vào ổ khớp háng, sau đó mới tra đầu xương giả vào. Nhớ lại chuyện phẫu thuật trong kháng chiến, ông kể: “Bốn năm sau khi bị thương, vết mổ nơi đùi trái tôi vẫn cứ chảy mủ nên bác sĩ phải mổ đi mổ lại nhiều lần và tiêm kháng sinh liên tục. Bác sĩ còn lấy mật ong tràm đổ vào để chống viêm, thế nhưng xương vẫn bị nhiễm trùng. Tháng 4-1975, bác sĩ phải nạo sạch vùng xương nhiễm trùng thì vết thương mới liền miệng”. Vợ chồng thầy giáo Hùng và hai cậu con trai

Năm 1973, hạnh phúc đã đến với người thầy thương binh khi ông kết hôn với cô giáo Phạm Kim Yến – một cán bộ của Tiểu ban Giáo dục miền Tây hoạt động hợp pháp trong phong trào sinh viên đấu tranh tại Cần Thơ. Trong suốt hơn bốn năm điều trị vết thương, ông dạy bổ túc văn hóa cho anh em trong cơ quan và dạy Trường Sư phạm Trung cấp miền Tây. Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông trở về Sài Gòn, bắt tay xây dựng phong trào giáo dục TP.

Ước mơ được trở lại quê hương sau một thời chiến tranh và mất mát bây giờ mới thực hiện được. Thế nhưng đây cũng là thời kỳ khó khăn nhất của một đất nước sau chiến tranh. Nếu trong thời chiến người thương binh Hồ Thiệu Hùng đã để lại một phần máu thịt của mình ở chiến trường thì trong thời bình ông lại cùng đồng đội đổ thêm những giọt mồ hôi trên bục giảng, thắp sáng ngọn lửa tri thức cho tương lai đàn em. Từ một giáo viên Trường cấp 2-3 Võ Trường Toản, ông được đề bạt lên Hiệu trưởng Trường cấp 3 Nguyễn Bá Tòng (nay là Trường THPT Hoàng Hoa Thám), THPT Trần Khai Nguyên rồi Trưởng phòng GD quận 5, Hiệu phó Trường Cán bộ quản lý giáo dục của Sở. Thời kỳ này cả hai vợ chồng đều làm cán bộ quản lý nên quỹ thời gian hầu như dành trọn cho cơ quan trong lúc hai cậu con trai đang còn ở tuổi đi mẫu giáo. Đồng lương có hạn nên cũng như số đông cán bộ lúc đó, hai vợ chồng phải chăn nuôi, làm thêm để đủ sống và nuôi con. Không có tiền mua sữa, vợ chồng ông phải cho con uống nước bột gạo xay hòa với đường. Có lần con đang bị sốt nhưng hai vợ chồng cũng đành liều gửi cháu vào nhà trẻ vì công việc ở trường quá bận không thể dứt ra được, để ở nhà thì không ai trông coi.

Gia tài vô giá

Bây giờ ông bà đã yên tâm vì hai cậu con trai của mình đều đã thành đạt. Là một kỹ sư hóa chất, cậu con trai lớn Hồ Minh Trí trở thành Giám đốc Công ty sản xuất nước uống của Tập đoàn Mai Linh. Cậu em Hồ Minh Tâm cũng không chịu thua anh, năm 2007 Tâm lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Trường Đại học Nagoya (Nhật Bản) và hiện đang làm việc tại một công ty tài chính ở Tô-ky-ô có văn phòng đại diện ở Việt Nam. Ngay từ nhỏ, cả hai đều chăm học và có ý thức tự lập rất sớm. Ông thường nhắc hai cậu con trai: “Ba là thương binh nhưng hai con đừng dựa vào đó để lấy thêm điểm cộng ưu tiên mà phải tự phấn đấu cho bản thân mình”. Sau này, khi ông đã là Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì hai cậu con trai vẫn không lấy đó làm chỗ dựa để được chiếu cố. Ông bà còn giáo dục các con không chỉ học tập tốt mà phải biết lao động tự phục vụ như rửa chén, quét nhà, giặt quần áo từ lúc 6-7 tuổi. Lên đại học, Minh Tâm vừa học vừa dạy thêm tiếng Nhật cho công nhân trong khu chế xuất và bán bánh mỳ để có thêm tiền đi học. Hiểu được hoàn cảnh cha mẹ, hai anh em sống giản dị, không hề đua đòi. Khó khăn nhất của ba mẹ con là thời kỳ ông đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, một mình bà Yến (vợ ông) phải nuôi nấng, chăm sóc, đưa đón hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học giữa lúc công việc bộn bề, vật chất thiếu thốn. Hai anh em đã tự lực phấn đấu để đậu vào đại học ngay lần thi đầu, Hồ Minh Tâm còn lấy được một suất học bổng du học ở Nhật Bản. Cả hai con nay đều bước đầu tạo lập sự nghiệp – thành quả đó vợ chồng ông coi là thứ “gia tài” vô cùng quý giá mà mình có được khi đã thành ông bà nội.

Phan Ngọc Quang

Là một giáo viên đang công tác trên đất Bắc nhưng nghe theo tiếng gọi của quê hương, ông trở về miền Nam chiến đấu. Bị thương nặng ở chân, ông vẫn bám trụ cơ sở để gây dựng phong trào dạy và học trong vùng giải phóng. Hòa bình, trở về với cuộc sống đời thường, người thương binh ấy không chỉ trở thành một cán bộ quản lý giỏi của ngành giáo dục mà còn là một tấm gương nuôi dạy con cái thành đạt.

Bình luận (0)