Bạo lực tiếp tục xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp việc chính phủ xin lỗi và kêu gọi chấm dứt biểu tình chống Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan.
AFP dẫn lời Phó thủ tướng Bulent Arinc lên tiếng xin lỗi về việc cảnh sát sử dụng “vũ lực quá tay” đối với người biểu tình . Theo ông, chính phủ đã “học được bài học” và kêu gọi những “công dân có trách nhiệm” ngừng các cuộc phản đối. Làn sóng biểu tình khởi phát từ ngày 31.5 ban đầu nhằm chống lại việc chính phủ cho phá công viên Gezi ở quảng trường lịch sử Taksim, thành phố Istanbul để xây khu thương mại. Tuy nhiên, nó nhanh chóng biến thành đợt phản đối chính phủ và Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Ông Arinc cho biết sẽ gặp một số người tổ chức biểu tình trong ngày 5.6 (giờ địa phương) nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Người biểu tình ném trả bình hơi cay về phía cảnh sát tại Ankara – Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, hàng chục ngàn người vẫn tiếp tục xuống đường, đốt xe và đụng độ dữ dội với cảnh sát chống bạo động. Sáng 5.6, lực lượng an ninh dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông phẫn nộ tại Istanbul, thủ đô Ankara cũng như hàng chục thành phố khác. Theo Hãng thông tấn Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 25 người đã bị bắt tại Izmir với cáo buộc kích động nổi loạn trên mạng xã hội. Những diễn biến mới xảy ra sau khi nghiệp đoàn DISK với 420.000 thành viên tuyên bố tham gia đình công và biểu tình trong ngày 5.6. Người biểu tình đòi thả hết những người bị bắt đồng thời cảnh sát trưởng của Ankara và Istanbul phải từ chức.
Bất chấp tình hình căng thẳng, Thủ tướng Erdogan vẫn quyết định đi thăm Ma Rốc và Algeria. Phát biểu trước khi rời Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3.6, ông bác bỏ những suy đoán về cái gọi là “Mùa xuân Thổ Nhĩ Kỳ” và khẳng định sẽ tiếp tục “hành động cương quyết”. BBC dẫn lời ông Erdogan nói: “Các vấn đề sẽ được giải quyết khi tôi trở về”. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã gọi những người biểu tình là “phần tử cực đoan phá hoại”.
Đến nay, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận đã có 2 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và gần 1.000 người bị bắt. LHQ, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã bày tỏ lo ngại về hành động mạnh tay của cảnh sát và kêu gọi điều tra toàn diện. Trong khi đó, CNN dẫn lời các chuyên gia nhận định tình hình Thổ Nhĩ Kỳ tuy dữ dội nhưng chưa đạt đến tầm mức dẫn đến đợt chính biến từng lật đổ các lãnh đạo Bắc Phi trước đây.
theo TNO
Bình luận (0)