Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phòng trà đóng cửa, ca sĩ chuyển nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Bỏ 1 triệu đồng thậm chí 500.000 đồng mua một vé xem ca nhạc quả là quá lãng phí đối với số đông khán giả trong tình hình đời sống còn khó khăn như hiện nay

Có thể nói chưa năm nào tình hình hoạt động của sân khấu ca nhạc ảm đạm như hiện nay. Cả sân khấu trong các nhà hát, tụ điểm ca nhạc cho đến phòng trà ca nhạc đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa.

Khi khán giả thắt lại hầu bao

Quang Dũng trong đêm nhạc Love story, một live show được thực hiện nhờ có tài trợ  - Ảnh: Gia TiếnGần như mọi dự án âm nhạc lớn của các ca sĩ dự kiến tổ chức trong năm nay đều phải gác lại. Thời buổi khó khăn, nếu không tìm được tài trợ, các sô diễn không thể thu hồi vốn từ doanh thu tiền vé. Chương trình Quốc Bảo live concert: Tình ca hồng vừa qua là một ví dụ điển hình. Một chương trình vắng khách đến nao lòng, hơn nửa khán phòng Nhà hát Hòa Bình (TPHCM) trống chỗ. Chương trình này chỉ đầu tư 800 triệu đồng nhưng lỗ đến 600 triệu đồng. Công ty tổ chức phải nợ cát sê của ca sĩ đến tháng 10-2008.

Live show Quang Dũng, vừa diễn ra, rất thành công về chất lượng chương trình nhưng nếu không có nhà tài trợ bao hết vé hạng cao thì cũng khó kéo được khán giả đến đầy rạp. Bỏ 1 triệu đồng thậm chí 500.000 đồng mua một vé xem ca nhạc quả là quá lãng phí đối với số đông khán giả trong tình hình đời sống còn khó khăn như hiện nay.

Sân khấu ca nhạc càng ế ẩm càng khiến các ca sĩ ngôi sao tranh thủ bay sô ra nước ngoài. Hoạt động ca nhạc trong nước vắng bóng ngôi sao, thiếu thương hiệu để tiêu thụ vé và thu hút người hâm mộ.

Phòng trà theo nhau đóng cửa

Phòng trà ca nhạc thường được xem là thước đo mức độ sôi động của thị trường ca nhạc. Các phòng trà hoạt động cầm chừng, ế ẩm cũng đồng nghĩa thị trường ca nhạc đang trở nên khốn khó. Nhiều phòng trà, như: Lạc Cầm, Sóng Nhạc, Tiếng Dương Cầm,… hoạt động chưa lâu đã phải đóng cửa. Phòng trà Tình Ca treo bảng thông báo ngưng hoạt động để sửa chữa, nhưng thực chất là không thể hoạt động được vì không có khán giả. Chủ phòng trà này, ca sĩ Duy Quang, phải trở về Mỹ hát sô.

Những phòng trà khác, như: Không Tên, Sax nArt, Văn Nghệ, Đồng Dao,… hoạt động cầm chừng với những chương trình ca nhạc không mấy đặc sắc. Một vài phòng trà không đóng cửa hẳn nhưng chuyển sang đẩy mạnh công việc kinh doanh ăn uống (cơm trưa văn phòng), cho thuê phòng trà làm nơi tổ chức sự kiện, như: Yesterday, Tình Ca.

Nhiều chủ nhân phòng trà ca nhạc cho biết: “Dù đã gồng mình không tăng giá để giữ khách, nhưng cố gắng của chúng tôi đều không thu hút được khán giả vì đời sống quá khó khăn”. Chi phí cho một người đến phòng trà nghe nhạc bao gồm nước uống và phụ thu tiền ca sĩ là từ 200.000- 300.000 đồng, đó là chưa tính đến chương trình có ca sĩ hàng đầu. Chi phí này cũng không hề dễ dàng được khán giả chấp nhận trong tình hình giá cả đắt đỏ như hiện nay.

Ca sĩ chuyển sang kinh doanh

Phòng trà vắng khách, đóng cửa, đội ngũ ca sĩ phòng trà cũng rơi vào cảnh lao đao. Những giọng ca tạo được ít nhiều tiếng vang, như: Xuân Phú, Đình Nguyên, Quang Minh,… thỉnh thoảng còn có những hợp đồng thu âm với các hãng băng đĩa. Nhưng phần lớn ca sĩ lớn tuổi thì không còn cơ hội. Để có thu nhập, nhiều ca sĩ quay sang công việc kinh doanh: góp vốn mở quán cà phê, nhà hàng, quán ăn,…

“Đợi đến khi nào phòng trà xôm tụ trở lại, chúng tôi lại cầm micro phục vụ khán giả” – ca sĩ Thái Trân, một giọng ca được đánh giá cao ở các phòng trà thời gian gần đây, thổ lộ.

Theo THÙY TRANG (nld.com.vn)

Bình luận (0)