Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Cạm bẫy” – Vẫn là chuyện “rượu cũ, bình mới”

Tạp Chí Giáo Dục

Vẫn là chuyện một cô gái quê xinh đẹp lên phố bị lừa tình, nhưng NSƯT Anh Tú đã biết kể theo cách riêng của mình.

Đã có những thay đổi đầu tiên khi NSND Lê Hùng lên ghế Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Vở diễn mới nhất của nhà hát được chỉ định cho NSƯT Anh Tú – một đạo diễn triển vọng của Nhà hát Tuổi trẻ đảm đương. Vở được tổng duyệt tại sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ. Khán giả đến xem tổng duyệt rất đông. Nhưng dù đã cố gắng nhiều trong dàn dựng, Cạm bẫy vẫn không thể mới hơn với đề tài một cô gái nông thôn lên phố bị lừa tình…

Sự khan hiếm kịch bản sân khấu thể hiện ngay ở câu chuyện của Cạm bẫy. Sự sáo mòn trong nội dung vở diễn cũng thể hiện ở ngay cái tên của vở. Vở diễn đặt ra một vấn đề đã rất cũ. Vẫn là một cô gái quê lên thành phố, rơi vào vòng tay sở khanh, bị lừa tình bởi những tay giám đốc có tiền, có quyền, và cuối cùng thì cay đắng nhận ra, làng quê bình yên mới là nơi thanh thản nhất.

Một cảnh trong Cạm bẫy

Vở diễn được giao cho dàn diễn viên trẻ của Nhà hát kịch Việt Nam. Diễn viên Trương Thu Hà được giao vai nữ chính Vân Dung quê mùa, lên thành phố kiếm sống. Nhưng Vân Dung của Thu Hà chẳng toát lên một vẻ quê kiểng nào. Thu Hà xem ra có vẻ hợp với một cô gái lọc lõi hơn là một cô gái quê mùa, hiền lành bị lừa đảo.

Vẻ chính diện của thầy giáo Trần Bình do Lâm Tùng thủ vai khá nhạt. Vai diễn gần như không có đất diễn. Anh bị nhạt nhòa trên phông nền khá dữ dội của câu chuyện mà NSƯT Anh Tú dàn dựng nên. Đáng kể hơn cả có lẽ là vai Lê Sơn của Minh Hiếu. Tuy vậy, chất phản diện quen thuộc của mô-típ vai sở khanh không đủ mạnh để Minh Hiếu bứt phá thành một vai hay nhất trong vở.

Nhưng vẫn phải thừa nhận đã có sự tìm tòi, sáng tạo trong cách dàn dựng của Anh Tú. Từ cách dàn dựng sân khấu, sử dụng đạo cụ linh hoạt, cách nhấn thoại táo bạo đến cách đưa vào những tình tiết hài hước… làm nên nét trẻ trung mà dữ dội cho câu chuyện được kể. Những hình nhân mang mặt nạ đã làm nên không khí cho vở diễn, trở thành điểm nhấn hình ảnh cho một xã hội tha hóa, loạn luân mà đạo diễn dựng nên. Cái ác luôn bủa vây cuộc sống và luôn ẩn mình trong những mặt nạ muôn hình.

Níu kéo tình yêu của 2 nhân vật chính là một cái kết khiên cưỡng…

Cạm bẫy không mới về nội dung, nhưng Anh Tú đã biết kể câu chuyện cũ ấy trên nền một bức phông nền ấn tượng. Cách kể chuyện không theo trình tự, bứt phá khỏi những quy luật cao trào, thắt nút, mở nút… Anh Tú đang dần hình thành một phong cách, một cá tính riêng biệt với sân khấu đương đại.

Cạm bẫy với liên tục những mâu thuẫn, những bi kịch dồn dập trong vòng quay xương máu của đồng tiền. Cái kết có phần khiên cưỡng, khi đạo diễn dường như vẫn muốn níu kéo mối tình đẹp đẽ của Trần Bình và Vân Dung. Sự níu kéo ấy là vô nghĩa. Giữa sự thật loạn luân trần trụi, sự níu kéo tình yêu của hai nhân vật chính vô tình lại làm “mất điểm” cho vở diễn.

Hào Hoa (Theo Dantri)

Bình luận (0)