Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đạo diễn Xuân Phước: Hết mình với Một thời dấu yêu 7

Tạp Chí Giáo Dục

Đạo diễn Xuân Phước

Tên tuổi của đạo diễn Xuân Phước gắn liền với nhiều live show ca nhạc, sân khấu cũng như hàng loạt các bộ phim truyền hình dài tập. Anh cũng là một nhà giáo (từng là giảng viên có uy tín nhiều năm của Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, đào tạo nhiều học trò hiện là nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng của thành phố. Gắn bó với Một thời dấu yêu suốt 5 năm liền, anh rất cảm động và vui mừng vì đây là chương trình đã có “thương hiệu” riêng. Với Một thời dấu yêu 7 năm nay diễn ra vào đúng ngày 20-11 tại Sân khấu ca nhạc Lan Anh, do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức với sự tài trợ của Công ty CP Acecook Việt Nam (HTV9 truyền hình trực tiếp, Đài Truyền hình Vĩnh Long, Đà Nẵng tiếp sóng) anh lại hăm hở vào cuộc…
PV: Lần thứ 6 làm đạo diễn cho chương trình này, cảm xúc của anh như thế nào?
Hẳn nhiên là tôi rất hạnh phúc vì vẫn còn được sự tin tưởng của Ban tổ chức. Khi nhận lời mời, tôi không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào bởi tôi cũng là một nhà giáo, đồng thời cũng đã đạo diễn nhiều vở kịch đề tài tuổi học trò, thầy cô… Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác hồi hộp và… áp lực giống như khi đạo diễn chương trình này những năm trước.
Lý do của sự hồi hộp và… áp lực, anh có thể chia sẻ?
Chương trình này đã có tiếng vang bởi ý nghĩa đặc biệt của nó là tôn vinh thầy cô giáo đã hết lòng vì các thế hệ học trò, đồng thời gợi nhớ những kỷ niệm thời đi học. Tiếng vang đó không chỉ lan tỏa trong ngành giáo dục mà còn trong toàn xã hội. Ngoài ra mục đích của chương trình còn kêu gọi xã hội hỗ trợ, gây quỹ xây nhà tình thương cho giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng bão lụt miền Trung – những người đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Chính vì vậy, tôi phải rất nỗ lực…
Cụ thể là như thế nào, anh có thể bật mí đôi chút?

Sân khấu Một thời dấu yêu 7

Chuyện này phải giữ bí mật đến giờ phút cuối. Tuy nhiên tôi cũng bật mí đôi chút. Chương trình này có những điểm khác biệt so với những chương trình thị trường hiện nay. Một chương trình ca nhạc nghiêm túc, chất lượng nghệ thuật cao. Bộ phận biên tập đã chọn bài hát phù hợp cho từng ca sĩ tham gia. Những ca khúc tập trung vào chủ đề tôn vinh nhà giáo, ca ngợi tuổi học trò tươi đẹp đã qua. Khán giả đến với chương trình sẽ sống lại một thời dấu yêu của mình và những khán giả là thầy cô giáo sẽ thật sự cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được tôn vinh.
Được biết cả sân khấu và tiết mục mở màn năm nay cũng được anh đầu tư công sức rất nhiều?
Đúng vậy, tôi và họa sĩ Đình Ngọc cũng như Ban tổ chức đã mất rất nhiều thời gian để thiết kế sân khấu rất đặc trưng với chủ đề chương trình. Tiết mục mở màn sẽ quy động trên 40 diễn viên tham gia với câu chuyện thời xưa chủ đề Thưa thầy con đi… Một người thầy giỏi cả văn lẫn võ truyền dạy tất cả những hiểu biết của mình cho học trò. Và khi triều đình cần hiền tài giúp nước, những người học trò ấy đã tạm biệt người thầy lên đường làm nhiệm vụ của mình… Vai người thầy sẽ do diễn viên – võ sư hiện là Tổng hội trưởng Tổng hội Bạch Mi Việt Nam đảm nhận.
Nét mới của chương trình năm nay còn có Ngày hội Thầy trò nổi tiếng cùng vào bếp?
Đúng vậy, mỗi năm chúng tôi đều làm mới chương trình. Các đôi thầy trò nổi tiếng rất hào hứng với ngày hội này vì đây là dịp cho thầy trò của họ gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm với nhau. Tôi sẽ cố gắng thực hiện một video clip thật vui và cảm động để phát sóng trong chương trình buổi tối.
So với các chương trình khác, hẳn anh phải vất vả hơn nhiều khi làm chương trình này?
Chương trình nào cũng có cái cực và cái vui riêng. Thực hiện chương trình này, tôi đặt mình vào vai trò sẽ được thưởng thức và tôn vinh, bởi tôi cũng là người của ngành sư phạm nên mọi sự mệt mỏi đều tan biến. Bên cạnh đó tôi may mắn làm việc chung với một ê-kíp làm chương trình nhiệt tình, năng động, từ người tổ chức, chỉ đạo nghệ thuật, biên tập, MC… tất cả đã hỗ trợ cho tôi làm tốt vai trò của mình.
Xin cảm ơn anh.
MINH NGUYÊN (thực hiện)

 

Bình luận (0)