Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Muôn mặt gánh hát rong

Tạp Chí Giáo Dục

Không biết từ lúc nào, mỗi khi gia đình có đám giỗ chạp, sinh nhật, tiệc tùng hay tang ma, người ta lại muốn có mặt một nhóm nhạc với vài ba ca sĩ. Ở đám giỗ chạp, sinh nhật, cưới hỏi, họ hát giúp vui; còn ở đám tang ma, họ ca… chia buồn và cũng để gia cảnh bớt phần hiu quạnh! Nhờ vậy, nhiều người hát rong đã có đất “dụng võ”, thỏa niềm đam mê ca hát của mình, và với không ít người đây còn là cách mưu sinh. Chỉ có điều nhiều lúc quá hứng, hoặc thiếu hiểu biết, một số người đã đi quá lố, gây phản cảm.

 

Một ca sĩ chuyển giới với trang phục “mát mẻ” biểu diễn tại đám tang.

Mưu sinh đời hát rong

Một đêm đầu tháng 10, đám tang của chị T., ở huyện Dĩ An, Bình Dương, đông ken người. Đêm cuối, bà con họ hàng gần xa ai cũng muốn ở lại để gia chủ ấm lòng. Đúng 20 giờ 30, vừa xong phần lễ cúng, nhóm 4 nghệ sĩ đã xuất hiện với trang phục chỉnh tề cùng 2 vali đồ nghề được chuẩn bị khá chu đáo. 3 nữ ca sĩ lịch sự với áo dài màu xanh đen, người nam vận vest. Tiếng loa giới thiệu vừa vang lên, đông đảo khán giả là hàng xóm láng giềng và cánh thanh niên đến hàng trăm người đã đứng ngồi thành hàng dài bên lề đường, đối diện khu sân khấu dã chiến.

Mở đầu chương trình là bài ca cổ “Ba nén hương trầm” quen thuộc khóc người vắn số, tiếp đó là bài hát “Ân đức sinh thành” ca ngợi công ơn cha mẹ, người nuôi dưỡng và một số bài tiếc thương người đã khuất. Sau màn trình diễn những bài mang tính “thủ tục”, nhóm nghệ sĩ chuyển sang chương trình văn nghệ phục vụ theo yêu cầu khán giả. Những lời yêu cầu lần lượt được đáp ứng và khán giả lên sân khấu “tặng bông” cho ca sĩ.

Thông thường một cái bông gắn theo 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng. Được cô Đ.T. đáp lời khá ngọt bài ruột “Lá trầu xanh”, ông trưởng ấp hào phóng móc tờ 50.000 đồng kèm bông tặng cho nữ ca sĩ trong tiếng tán thưởng. Đ.T. cho biết, anh em trong nhóm hầu hết đều là người ở địa phương, sinh hoạt cùng các CLB đờn ca tài tử và rất đam mê cải lương. Lâu nay, nhóm của cô đã đặt mối quan hệ sẵn với các… chủ trại hòm. Mỗi khi có khách, các chủ trại hòm chủ động đặt vấn đề liên hệ giúp gia chủ, đáp ứng dịch vụ đi kèm như ban nhạc lễ, thầy cúng, ban nhạc và ca sĩ. Gia chủ yêu cầu là tất cả sẽ có ngay.

“Nhiều người nghĩ nghề của chúng tôi dễ kiếm tiền, thực sự thì không đơn giản chút nào”, cô tâm sự. Theo cô Đ.T., bản thân người nghệ sĩ phải tìm hiểu và có sự chuẩn bị kỹ càng cho từng sô một. Ở đám cưới hỏi, sinh nhật, tiệc mừng, tân gia… thì dễ hơn vì quần áo dễ chọn, bài hát giúp vui cũng phong phú. Còn ở các đám tang là khó nhất, vì nghệ sĩ phải chọn bài ca phù hợp không khí đám tang (tùy người mất là nam hay nữ, lớn hay nhỏ tuổi…), đồng thời trang phục cũng phải vừa đẹp vừa nghiêm túc, trang điểm chừng mực chứ không thể ăn vận quá “mát mẻ” hay phấn son lòe loẹt.

“Nếu mình chịu khó để ý những vấn đề tế nhị như thế thì mới “được điểm” để sống bằng nghề – chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ. Nếu không thì khó lòng mà được sô, hát vài lần là ế thôi”, Đ.T. chia sẻ. Nhận được lời yêu cầu diễn trích đoạn vở “Vụ án Mã Ngưu”, T. chạy vội thay đồ cho kịp bạn diễn. Anh chàng Q.H. trong vài phút đã vào vai anh chàng mù rách rưới, với chiếc nón lá tả tơi, vừa đi xin vừa tìm vợ. Những tiếng tay vỗ bôm bốp, phút chốc chiếc nón lá của anh cũng nhận được hơn 300.000 đồng tiền thưởng từ khán giả. Đây là một nhu cầu có thực ở các khu lao động, nhất là vùng ven và ngoại thành – nơi đông đảo bà con ít được xem cải lương, ca cổ ngay tại địa bàn dân cư như một thú vui tao nhã từ bao đời ở nông thôn.

Những biến tướng phản cảm

Tuy nhiên, trong thực tế không phải gánh hát rong nào cũng sống đàng hoàng bằng nghề như nhóm của Đ.T. Cách đây chưa lâu, nhiều người dân ở đường Trường Chinh, quận Tân Bình, đã một phen “tròn mắt” khi chứng kiến cảnh một nhóm ca sĩ pê đê trình diễn những màn nhảy múa, quậy tưng trong tiếng nhạc đầy kích động, thậm chí cả thoát y ngay tại đám tang.

Chương trình tạp kỹ mở màn bằng những ca khúc từ buồn đến vui, từ nhạc nhẹ đến nhạc “nặng”, từ nhạc trẻ đến nhạc “già”, cả tân nhạc lẫn cổ nhạc. Vừa hát, các ca sĩ vừa áp sát vào khán giả chìa tay “lì xì đi anh!”, “ga lăng với chị em đi anh!”. Chốc chốc, bản nhạc lại bị ngừng đột xuất vì những bàn tay vừa nhét tiền “boa”, vừa táy máy nghịch ngợm của đám thanh niên choai choai và cánh mày râu. Hát chán, họ quay sang màn biểu diễn… múa lửa khá nóng bỏng với những động tác uốn éo đầy khiêu khích, kích động, những mảnh vải trên người được trút bỏ trong tiếng vỗ tay, la ó của đám đông.

Theo yêu cầu, nhóm ca sĩ pê đê không ngại trình diễn xiếc với màn giữ vòng hoa tang… thăng bằng bằng kiếm, thậm chí cả nhảy hip hop! Và không chỉ có thế, cô nàng M.D. – một thành viên của nhóm còn khoe, không ít lần các cô pê đê còn nhận được những lời mời đi chơi, đi nhậu của những anh chàng tâm lý không bình thường để “thử cho biết” và tìm kiếm cảm giác lạ! T.N., một ca sĩ đã tốn khoảng 4.000 USD phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan, tham gia các nhóm hát rong ở quận 12 kể thêm, thường sau mỗi lần đi chơi, các cô thường được khách trả từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Anh N.Đ., một thành viên CLB đờn ca tài tử ở Bình Dương cho biết, do không ai quản lý nên tình trạng các ca sĩ pê đê hát rong trình diễn loạn xạ, lố lăng và phản cảm tại các đám tang không phải là hiếm. Cũng là một kiểu “bạo lực” trong văn hóa. Có nhiều trường hợp các nhóm này tự động kéo đến biểu diễn để xin tiền chứ gia chủ không mời. “Có lần tại một đám tang, tôi chứng kiến một nhóm ca sĩ trình diễn rất ẩu, khán giả đề nghị mấy bài hát chưa được phép lưu hành họ cũng chơi luôn”.

MINH AN – LÊ TRUNG (Theo SGGP)

Bình luận (0)