Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nga: người ẩn dật nhận giải thơ cao nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Giải thưởng mang tên “Thi nhân” được lập tháng 4-2005 bởi Hội Khích lệ thơ Nga. Đây là giải thưởng thơ cao nhất (với mức tiền thưởng tương đương 50.000 USD) mỗi năm dành cho chỉ một nhà thơ viết bằng tiếng Nga hiện đang sống, không phân biệt dân tộc và chỗ ở.

Viktor Sosnora – Ảnh: flickr.com

Năm nay, giải thưởng thơ “Thi nhân” vì toàn bộ công trạng và cống hiến cho văn học Nga đã thuộc về Viktor Sosnora – một nhà thơ sống gần như ẩn dật suốt mấy chục năm nay tại Saint Petersburg.

Học triết và kiếm sống bằng nghề… thợ tiện

Ở Nga, V. Sosnora có một tiểu sử không giống bất cứ một nhà thơ nào khác: chào đời ngày 28-4-1936 trong một gia đình nghệ sĩ ảo thuật của rạp xiếc Leningrad, 6 tuổi đã phải bí mật rút khỏi thành phố bị quân phát xít vây hãm, sống cùng du kích trong rừng rồi làm con nuôi của tiểu đoàn trượt tuyết bắn tỉa do chính cha mình chỉ huy, một đơn vị chiến đấu đặc thù thuộc binh đoàn của nguyên soái Rokossovsky.

Bàn chân tuổi thơ của V. Sosnora đã đi suốt một mạch từ Leningrad đến Frankfurt am Main (Đức) và kết thúc cuộc chiến khi mới 9 tuổi. Khi chọn nghiệp cầm bút, ông đã vài lần thử viết về chiến tranh, nhưng mỗi lần hồi tưởng cuộc sống đó ông mới kinh hoàng nhận ra: trẻ con chẳng biết sợ là gì! Thời học sinh của ông cũng không yên chỗ: hết Warszawa, Leningrad, Arkhangensk đến Makhachkal, Lvov.

Nhà thơ tương lai từng theo học đại học, khoa nghệ thuật ứng dụng và khoa triết học nhưng đều không thi tốt nghiệp, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về làm thợ tiện kiếm sống trong một xí nghiệp chế tạo máy…

Với độ từng trải như thế ít ra V. Sosnora cũng phải trở thành một nhà thơ nghiêm túc, đạo mạo – vậy mà không.

Không nguôi khát vọng sáng tạo

Theo điều lệ của giải thưởng “Thi nhân”, mỗi người chỉ được nhận giải một lần trong đời, người được giải năm trước đương nhiên làm chủ tịch hội đồng giám khảo năm sau. Những người được tặng giải “Thi nhân” là Sergei Gandlevsky (2010), Inna Lisnyanskaya (2009), Timur Kibirov (2008), Oleg Chukhonsev (2007), Olesia Nikolaieava (2006), Alexandr Kushner (2005). 

Những sáng tác thời kỳ đầu của V. Sosnora mang đầy chất giễu nhại, gây gổ theo trường phái vị lai của V. Maiakovsky nên không ít lần bị đồng nghiệp phê phán. Song, nhà thơ tuyên bố thẳng thắn: “Chẳng có quy trình văn học nào hết, chỉ có thiên tài – thiên tài sẽ giải quyết tất cả”.

Tuy bị nhận không ít lời gièm pha, sáng tạo thơ của V. Sosnora vẫn tìm được những tri âm tri kỷ: trong lứa nhà thơ thời vàng son thập niên 1960, V. Sosnora nổi tiếng ngang E. Evtushenko và A. Voznesensky. Tập thơ đầu tay Mưa rào tháng giêng (1962) được nhà thơ nổi tiếng N. Asiev viết lời giới thiệu, ví tác giả trẻ với M. Lermontov; còn tập thơ thứ ba Những kỵ sĩ (1969) được viện sĩ D. Likhachov viết lời giới thiệu…

Có một thời kỳ dài khoảng 20 năm, ông không in gì trong nước, chủ yếu chỉ dịch thơ của Gaius Valerius Catullus (La Mã cổ đại, khoảng năm 87-54 trước Công nguyên), Oscar Wilde (Ireland, 1854-1900), Edgar Poe (Mỹ, 1809-1849), Allen Ginsberg (Mỹ, 1926-1997) và Louis Aragon (Pháp 1897-1982), đồng thời dịch khá nhiều tác phẩm của các nhà thơ dân tộc Uzbek…

Với tư cách nhà nghiên cứu văn học dân gian và văn hóa Slave, V. Sosnora được mời giảng dạy tại nhiều trường đại học, ở Vincennes (Pháp), Wroclaw (Ba Lan) và hai lần sang Mỹ thuyết trình. Những tuyển tập thơ, văn của V. Sosnora được dịch và in ở Anh, Mỹ, Đức, Czech, Slovakia, Bulgaria, Hungary, Ý, Pháp, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển… Ông được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Thơ Nga.

V. Sosnora tuy chọn một cuộc sống ẩn dật vì bị điếc, song ông lại rất gần gũi với giới trẻ vì từng có 30 năm làm công tác đào tạo nhà thơ trẻ ở cố đô Nga Saint Petersburg.

Thơ V. Sosnora hết sức độc đáo, có khi “lạ lẫm”, dễ bị những người bảo thủ cho là “trêu ngươi”. Nhưng V. Sosnora vẫn là nhà thơ ở từng chữ từng dòng, ở tất cả những nỗi bi đát của cuộc sống. Mỗi tập thơ mới của ông là một cuộc cách tân, vừa dân gian thân gần vừa vị lai táo bạo, đi vào máu thịt của ngôn ngữ thi ca Nga.

CAO NGỌC ĐĂNG (theo TTO)

Bình luận (0)