Y tế - Văn hóaThư giãn

Thiếu “duyên nghề” khó thành sao

Tạp Chí Giáo Dục

“Tổ đãi”, “may mắn” hay “được khán giả thương” là những cách lý giải khác nhau về sự thành công của các ngôi sao bên cạnh yếu tố tài năng. Giới chuyên môn còn đưa ra một khái niệm khác là “duyên nghề”

“Duyên nghề”, một khái niệm khá mông lung, mơ hồ trong giới nghệ sĩ nhưng lại được người làm nghề hoàn toàn tin tưởng. Điều này được chứng minh bằng nhiều câu chuyện “thật như đùa” và cũng được lý giải rất khoa học.
Nhìn là biết sẽ nổi tiếng
Ca sĩ Quang Linh, hơn 15 năm trước, xuất hiện lần đầu tiên ở Sân khấu 126 (TP HCM),  trong sự kiện ra mắt sản phẩm của một thương hiệu. Lúc ấy, anh xuất hiện rất bình thường không mấy nổi bật, chỉ đơn giản đáp ứng yêu cầu chương trình phải có giọng ca của 3 miền Bắc – Trung – Nam cho có màu sắc, mà anh là đại biểu của miền Trung (giọng ca đến từ Huế). Nhạc sĩ Nguyễn Hà kể lại lúc ấy, ấn tượng về Quang Linh với cả người trong giới chứ đừng nói khán giả là con số 0.
 “Là người tham gia tổ chức, ngồi xem Quang Linh hát chạy chương trình, trong đầu tôi bỗng lóe lên suy nghĩ đây sẽ là ngôi sao của thị trường nhạc Việt trong tương lai gần. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao mình lại có ý nghĩ đó bởi tôi mới chỉ nghe anh hát tốt thôi nhưng để trở thành ngôi sao thì cần nhiều yếu tố khác nữa” – nhạc sĩ Nguyễn Hà nói. Quả thật, dự đoán của Nguyễn Hà không sai, chỉ vài năm sau đó, Quang Linh  trở thành ngôi sao không thể thay thế của một giọng nam hát nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca.
Quang Linh có chất giọng ngọt ngào như thể anh sinh ra để hát nhạc âm hưởng dân ca. Thế nhưng, điều gì khiến một giọng hát không có ưu thế ngoại hình như anh nhanh chóng trở thành ngôi sao? Người trong giới lý giải đủ cách: anh xuất hiện đúng thời điểm, giọng ca lạ và vì anh “có một nét duyên không thể mô tả được”. Sau này có Quốc Đại hát rất hay nhạc âm hưởng dân ca, được Kim Lợi studio đầu tư lăng xê, gắn với tên Cẩm Ly trong nhiều album nhưng anh chưa thể lên được hạng sao. Có lẽ Quốc Đại chưa có được “duyên nghề” như Quang Linh.
Ca sĩ Phương Thanh và ca sĩ Quang Linh được cho là trở thành ngôi sao nhờ có “duyên nghề”
 Ca sĩ Phương Thanh trở thành ngôi sao cũng là một ví dụ về “duyên nghề”. Phương Thanh không có giọng ca ngọt ngào và được đào tạo bài bản như Quang Linh nhưng chị có chất giọng khàn bẩm sinh. Có người  cho rằng Phương Thanh nổi lên nhờ La Sương Sương rời Việt Nam sang định cư ở Mỹ vì lúc ấy La Sương Sương rất nổi còn Phương Thanh chưa ai biết đến và 2 người này có phong cách giống nhau. Nhận định này có phần đúng nhưng trở thành ngôi sao còn phụ thuộc vào yếu tố quyết định: Sự yêu mến của công chúng. Phương Thanh đã đạt được điều đó.
 Phương Thanh xuất hiện trước công chúng không kiểu cách như phần lớn ca sĩ lúc bấy giờ, chị đến với khán giả bằng phong thái giản dị và gần gũi. Thời bấy giờ, không có ca sĩ nào đứng trên sân khấu nói chuyện với khán giả thân mật như người nhà. Không ca sĩ nào như Phương Thanh dám nói với khán giả rằng “đoạn này cao lắm, lên không nổi, khán giả hát cùng Phương Thanh nhe!”. Điều đó đã làm cho khán giả đặc biệt thích thú bởi họ có được những trận cười thoải mái do Phương Thanh mang đến một cách hết sức tự nhiên. Vì vậy, Phương Thanh mặc nhiên thành ngôi sao của thị trường ca nhạc bằng một loạt ca khúc ăn khách, album ăn khách.
Thực tế, hầu hết các ngôi sao trước khi trở thành thần tượng của hàng triệu người, chỉ là những người bình thường cho đến khi có người trong giới phát hiện ở họ có một tố chất đặc biệt nào đó. Hầu hết những ca sĩ hạng sao như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo, Lam Trường, Cẩm Ly… khởi đầu con đường tiến đến vị trí ngôi sao nhờ vào sự phát hiện của những người làm nghề. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi ở thời của họ, ca sĩ không có những bệ phóng là các cuộc thi trong các chương trình truyền hình thực tế kéo dài hàng tháng trời trên sóng truyền hình trực tiếp như hiện nay. Ngoài “may mắn”, sự nỗ lực bản thân và “duyên nghề” là các yếu tố mang tính quyết định.
Rèn luyện không ngừng
Với người trong nghề, “duyên nghề” của các giọng ca ngôi sao này được lý giải bằng nhiều khái niệm: “tổ đãi”, “may mắn”, “hên”, theo cách hiểu mang hơi hướng tâm linh bên cạnh tài năng của họ; hay “khán giả thương” như cách nói của nghệ sĩ trong Nam. “Được khán giả thương” là cách lý giải khoa học nhất, hàm chứa tất cả các yếu tố trong đó. Để được số đông khán giả thương, điều tiên quyết là họ phải có tài năng đủ để thu hút sự chú ý của công chúng nhưng quan trọng hơn, họ phải nỗ lực rất lớn, phải học tập, rèn luyện và lao động sáng tạo không ngưng nghỉ, đặc biệt là cách ứng xử chiếm được cảm tình của công chúng.
Giới chuyên môn cho rằng để trở thành một ngôi sao cần phải có 2 điều kiện: năng khiếu bẩm sinh và cá tính.
 Nếu năng khiếu là yếu tố tự nhiên dễ khai thác phát huy thành tài năng thì những đức tính kiên nhẫn, siêng năng, kỷ luật làm việc, nhạy bén lại là việc khó rèn luyện. Đó là chưa nói những đức tính này tác động rất lớn đến việc phát triển năng khiếu thành tài năng. Trong nhiều cuộc thi âm nhạc trên truyền hình hiện nay, không khó để khán giả nhìn thấy những giọng ca có năng lực ca hát nhưng khả năng để trở thành ngôi sao là hiếm hoi. Thực tế đã cho thấy nhiều giọng ca được phát hiện từ các cuộc thi trở nên lu mờ hoặc mất hút theo thời gian.
Ngôi sao của thị trường âm nhạc nhiều năm vẫn là những gương mặt cũ khó thay thế. Có tài năng, có nỗ lực nhưng thiếu “duyên  nghề”  thì sẽ khó có thể vươn lên vị trí cao hơn. Nhiều ca sĩ có giọng ca tốt, kỹ thuật xử lý giỏi nhưng không thể vươn lên vị trí ngôi sao. Nhiều ca sĩ hay nói câu “khán giả thương” để lý giải về thành công của mình. Đó là một đúc kết mang tính thực tiễn. Dù nghệ sĩ có tài đến mấy mà không được khán giả thương thì coi như không gặp thời; muốn được công chúng thương thì không thể thiếu
“duyên nghề”. 
Chọn lối đi riêng
Nhạc sĩ Quốc An phân tích: “Các ngôi sao muốn có được vị trí hàng đầu luôn cần có cá tính và thực sự thông minh, có tầm nhìn xa bên cạnh khả năng bẩm sinh, nỗ lực tự thân. Đàm Vĩnh Hưng là một ví dụ. Việc xây dựng mục tiêu ngay từ đầu là khát khao chiếm được vị trí số 1 của thị trường ca nhạc Việt Nam đã khiến anh luôn phải nỗ lực hết mình cho công việc. Mọi thứ anh làm phải mới mẻ hay ít nhất là khác biệt để khán giả phải nhớ. Cũng vậy, ca sĩ Mỹ Tâm thì tập trung làm ra sản phẩm hạng nhất của mình để đưa đến khán giả. Cô sẵn sàng lao vào những điều tưởng chỉ dành cho ca sĩ trẻ như thời trang mới, nhạc mới, MV (video ca nhạc) theo phong cách mới thay vì hát nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy hay dòng nhạc xưa để giữ an toàn cho vị trí ngôi sao của mình.
Theo NLD

 

Bình luận (0)