Ngày chủ nhật, không khí tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh dường như sôi động hơn hẳn. Từng tốp gia đình 3 thế hệ tay trong tay dạo quanh bảo tàng đã thu hút sự quan tâm thích thú của khách tham quan.
Nhiều du khách nước ngoài ngạc nhiên và không quên bấm máy để ghi lại những hình ảnh khá dễ thương này. Nhằm thu hút sự quan tâm của các thế hệ gia đình Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, học sinh, chương trình giao lưu “Ông bà cháu cùng đến bảo tàng” do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức đã mang lại những khoảnh khắc ý nghĩa và thú vị.
Nắm tay ông bà, các cháu vừa xem chuyên đề triển lãm vừa nghe ông bà kể chuyện. Những câu chuyện rất đỗi hào hùng của một thời gian khổ mà những người đã đi qua chiến tranh, đã sống trong thời chiến mới có được, mới cảm nhận sâu sắc. Hình ảnh các em học sinh với chiếc mũ rơm đến trường, giao thông hào cùng câu chuyện kể của bà Tạ Thị Dược, cựu Thanh niên xung phong Hà Nội, cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, khiến các cháu nhỏ say mê, tròn mắt lắng nghe. Để có được con chữ trong những tháng ngày khó khăn ấy, các em nhỏ phải đi học dưới làn mưa bom bão đạn, luôn cận kề hiểm nguy, thậm chí đối diện với cái chết. Và hình ảnh chiếc mũ rơm đi học đã theo ký ức của bà đi suốt những năm tháng sau này.
Đó là câu chuyện của cựu binh Lê Đình Huỳnh. Người chiến sĩ của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 khi ấy đã chứng kiến nhiều cuộc phun rải chất khai hoang mà mãi đến sau này ông mới biết hết được sự tàn phá, di chứng kinh hoàng của nó. Cụ ông Hà Hạnh 81 tuổi chia sẻ về 12 ngày đêm bom B52 của Mỹ rải thảm hủy diệt ở miền Bắc năm 1972 mà chịu hậu quả nặng nề nhất là Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Với ý định đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, trong 12 ngày đêm, quân đội Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom. Đây là đợt ném bom dữ dội nhất và cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong chiến tranh Việt Nam. Hầu hết các nhà máy điện bị đánh phá, hàng trăm công trình thủy lợi đổ sập, hàng ngàn trường học bị hư hại, hàng trăm bệnh viện bị phá hủy, hàng chục ngàn hécta ruộng vườn bị bom cày đạn xới, hàng triệu căn nhà bị phá hủy, hơn 200.000 người thương vong, hơn 70.000 trẻ em rơi vào cảnh mồ côi… “Thiệt hại nặng nề là thế, khó khăn chồng chất là thế nhưng nhờ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã vượt qua tất cả và đi đến thắng lợi cuối cùng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhắc câu chuyện này, ông muốn nói đến truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Có đi qua chiến tranh, chúng ta lại càng yêu quý những giá trị của hòa bình. Các cháu hãy không ngừng phấn đấu bởi các cháu chính là những thế hệ tiếp nối truyền thống hào hùng đó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”. Tuy tuổi đã cao nhưng ông cụ vẫn không quên cập nhật cho mình những thông tin thời sự nóng nhất và nhắn nhủ đến các bạn trẻ: “Mấy tháng nay, việc Trung Quốc vi phạm pháp luật quốc tế, ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng biển vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến biển Đông dậy sóng. Không chỉ xâm phạm, họ còn có những hành vi vu khống rất ngang ngược khiến người Việt Nam căm phẫn, dư luận quốc tế lên án. Là người Việt Nam, chúng ta luôn ý thức về chủ quyền của quốc gia, luôn ý thức xây dựng bảo vệ Tổ quốc, không được phép lơ là. Mỗi người một việc, hãy cùng góp sức xây dựng đất nước”.
Tại khu vực triển lãm về nạn nhân chất độc da cam, các bạn nhỏ đã đứng lại thật lâu với nụ cười rạng rỡ của một nạn nhân chất độc da cam qua bức ảnh thật sống động. Nổi bật trên tất thảy đằng sau cơ thể quặt quẹo là một ý chí phi thường: trí não trì trệ và cụt hai tay nhưng anh đã kiên trì đeo đuổi con đường học vấn với kết quả đậu cùng lúc 3 trường đại học năm 2011. Nguyễn Đức – một nạn nhân chất độc da cam cùng vợ và 2 con nhỏ cũng chia sẻ với các bạn nhỏ những trải nghiệm, suy nghĩ của mình. Một chân, cơ thể nhỏ thó nhưng sự phấn đấu vươn lên của Đức thì không nhỏ chút nào…
Chỉ một buổi sáng, cùng với ông bà, cha mẹ hòa mình trong không gian bảo tàng có lẽ cũng lưu giữ được trong ký ức các em những hình ảnh đẹp.
Theo SGGP
Bình luận (0)