Chúng tôi đến phi trường Mexico City vào một ngày cuối hè nắng đẹp. Suốt thời gian bay từ Los Angeles tới đây, trong đầu tôi cứ lảng vảng hình ảnh những chàng Mễ Tây Cơ ngủ gà ngủ gật dưới chiếc nón rộng vành sombrero.
Sau một thời gian thưa vắng du khách bởi dịch cúm A/H1N1, đất nước đầy màu sắc và nóng ấm tình người này lại đón nhận những dòng người đến từ khắp nơi. Lúc trên máy bay, một đám thanh niên ở vài hàng ghế phía sau không ngớt bình luận về các điệu nhảy nóng bỏng cùng các cô nàng xinh đẹp rám nắng và quyến rũ mà họ được xem qua những clip quảng cáo du lịch Mexico trên tivi.
Bãi biển Ixtapa |
Nghỉ lại một đêm ở khách sạn gần phi trường, sáng sớm hôm sau chúng tôi thuê một chiếc xe nhỏ của Công ty Alamo tại sân bay để tự đi theo kiểu du lịch khám phá phổ biến hiện nay, đến Pátzcuaro – một vùng đất du lịch kỳ thú mà chúng tôi đã được bạn bè đi trước mách bảo phải tìm đến trước tiên khi đã có mặt ở Mexico.
Chốn nghỉ dưỡng lý tưởng với những bữa ăn nhớ đời
Pátzcuaro, theo ngôn ngữ của người da đỏ Purepecha bản địa có nghĩa là thành phố của đá, thuộc bang Michoacán, cách Mexico City chừng 330 cây số. Đi từ thủ đô Mexico đến trung tâm Pátzcuaro mất năm giờ trên con đường uốn lượn qua những hồ nước xanh và những cánh đồng mờ mịt sương đẹp như tranh vẽ, càng đi càng lên cao dần.
Vừa đi vừa theo dõi bản đồ mà chúng tôi vẫn bị lạc lúc vào đường cao tốc, khi đến được Pátzcuaro thì trời cũng đã tối. Đã đặt chỗ trước qua Internet, chúng tôi tìm đến Khách sạn Hacienda Mariposas.
Khách sạn Hacienda Mariposas ẩn mình dưới bóng thông |
Điểm lưu trú trong những ngày ở Pátzcuaro quả là một nơi tuyệt vời. Nằm trên độ cao 2.000 mét so với mặt biển, Hacienda Mariposas là chốn nghỉ dưỡng lý tưởng với những ngôi nhà gỗ thiết kế giản dị trong một rừng thông thơm ngát và tĩnh lặng. Chung quanh những ngôi nhà nhỏ dành cho khách tràn ngập hoa cúc trắng. Những phòng tắm tuyệt đẹp xây bằng gạch không tô. Lúc này đang mùa hè nhưng ở đây khí hậu dịu mát như Đà Lạt vậy.
Tắm rửa xong thì màn đêm buông xuống, lữ khách được thưởng thức bữa ăn tối tuyệt vời trước một đống lửa rừng rực cháy. Món xúp bí đỏ calabaza đặc sản Mexico nấu với ức gà, dầu ôliu, vang trắng, cà chua, kem và nhiều loại gia vị như tỏi trắng, tỏi xanh, tiêu xanh, tiêu đỏ…
Kế đó là món salad gồm có bưởi và đu đủ rồi đến món ớt nhồi chiles rellenos hương vị đậm đà và cay trào nước mắt. Tất nhiên là không thể thiếu một vài chung rượu tequila nóng bỏng đầu lưỡi. Người nào tửu lượng kém thì đã có bia Corona ướp lạnh. Những bữa ăn sau đó với nhiều món ngon bản địa luôn khiến chúng tôi ăn ngấu nghiến như những kẻ bị bỏ đói lâu ngày.
Tô xúp bí đỏ calabaza thật hấp dẫn |
Thấy chúng tôi tận tình thưởng thức bữa ăn tối tới mức tất cả bát đĩa đều sạch bóng, ông chủ khách sạn, một người Mỹ lai Mễ nói tiếng Anh hơi cứng giọng đãi thêm món tráng miệng bánh crêpe nhân táo với đường caramel, rồi giống như một hướng dẫn viên du lịch nồng nhiệt, ông đề nghị khách sáng hôm sau nên đi thăm ngay những ngôi làng thổ dân Purepecha quanh hồ Pátzcuaro, vốn nổi tiếng về hàng thủ công mỹ nghệ mà chắc chắn khi ra về, mỗi người sẽ mang theo vài món quà lưu niệm.
Hồ và đảo Janitzio
Hồ Pátzcuaro và đảo Janitzio với tượng Jose Maria Morelos |
Thành phố Pátzcuaro và vùng phụ cận chỉ có chừng gần 130 ngàn dân, số đông là người da đỏ Purepecha mà tổ tiên của họ đã đến định cư ở đây từ thế kỷ XIV. Đến thế kỷ XVI, Pátzcuaro cũng như toàn bộ đất nước Mexico trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha. Chúng tôi dành ngày đầu tiên để thăm thú thành phố. Những kiến trúc cổ, phần lớn là các kiến trúc tôn giáo đã có từ mấy trăm năm trước vẫn giữ được nguyên vẹn. Những dãy phố lát gạch êm đềm, hai bên là những ngôi nhà một tầng xây bằng gạch, mái lợp ngói đỏ.
Quảng trường trung tâm thành phố mang tên Vasco de Quiroga – một phán quan Tây Ban Nha được cử đến cai trị Pátzcuaro, người đã hướng dẫn thổ dân Purepecha làm nông nghiệp theo kiểu hợp tác sản xuất, xây dựng trường học và bệnh viện đầu tiên tại đây. Bức tượng đồng chân dung Vasco de Quiroga để ghi nhớ công ông được đặt tại quảng trường.
Điểm đến quan trọng nhất trong chuyến đi Pátzcuaro chính là hồ Pátzcuaro rộng lớn và hòn đảo Janitzio. Vì vậy, sáng hôm sau, chúng tôi xuống bến thuyền dưới phố thuê một chiếc thuyền gỗ ra giữa hồ, xem những thổ dân đánh cá trên hồ và sau đó lên đảo.
Đảo Janitzio nổi tiếng về những lễ hội “Ngày chết”, được tổ chức vào hai ngày đầu tháng 11 mỗi năm, thu hút hàng ngàn du khách khắp nơi trên thế giới đến xem những cuộc rước nến và dâng lễ vật tại các nghĩa trang trên đảo, vừa thiêng liêng vừa ma quái. Vào những ngày còn lại trong năm, ngôi làng chài đẹp như tranh vẽ trên đảo hầu như chỉ phục vụ du lịch nội địa với những quán cà phê và cửa hàng lưu niệm. Chúng tôi là những khách nước ngoài hiếm hoi lúc này.
Janitzio hầu như không có đường đi, chỉ có những lối đi lát đá uốn lượn, ngoằn ngoèo lên xuống, có từ rất lâu đời. Đây đó là những quán xá ngoài trời đầy màu sắc với những cái ghế màu đỏ sậm, khăn trải bàn màu tím, trên bàn bày những lọ hoa màu hồng và màu vàng rực hoặc những quầy hàng bán rau củ, hoa trái.
Những người dân địa phương ngồi dọc theo các lối đi ấy, tỉ mẩn gọt đẽo những chiếc thuyền gỗ hay thêu những chiếc khăn sặc sỡ. Khi thấy du khách leo lên từng bậc thang, những người bán dạo vui vẻ mời món lươn chiên giòn trong những cái bát nhựa. Cuộc khám phá mới thú vị làm sao!
Tiếp đến là quảng trường lớn trên đảo, nơi có bức tượng cao ngất của người anh hùng đã giành độc lập cho đất nước Mexico là Jose Maria Morelos. Leo qua 140 bậc thang, chúng tôi mới đến cánh tay giơ cao của người anh hùng. Từ trên cánh tay của Jose Maria Morelos nhìn ra xung quanh là hồ Pátzcuaro đẹp mê hồn với màu nước trong như ngọc và những chiếc thuyền chài bé xíu.
Một nhóm nhạc đường phố ở Pátzcuaro |
Trên đường trở về, những người bán dạo mời chúng tôi mua những chiếc kẹo làm bằng mật hoa xương rồng. Thỉnh thoảng lại vang lên những bài hát có âm điệu đầy nhớ nhung, mong đợi do những nghệ sĩ đường phố biểu diễn. Đó mới chính là xứ sở Mexico mà tôi đã từng đọc trên sách vở, mảnh đất đầy màu sắc và tràn ngập tình người.
Trên đảo Janitzio chỉ có những lối đi như thế này |
Trở về Pátzcuaro, chúng tôi đi bộ trên những con đường lát đá, nhìn ngắm những ngôi nhà thờ và tu viện xây dựng từ thế kỷ XVI cùng nhiều cửa hàng lưu niệm với những món đồ thủ công tuyệt đẹp, xem mãi mà không chán mắt. Chỉ có được mỗi câu tiếng Mễ là “Cuanto cuesta?” (Giá bao nhiêu?), vậy mà chúng tôi đã bưng về được một mớ đồ bằng đồng, gỗ chạm và đồ thêu không nhỏ với giá khá mềm.
Sáng hôm sau, trước khi giã từ Pátzcuaro, chúng tôi cưỡi ngựa dạo chơi. Thoạt đầu phải có người đi trước cầm dây cương, đến khi đã quen, ai cũng có thể thong dong trên ngựa qua những cánh rừng yên tĩnh, những cánh đồng đầy hoa dại màu trắng và cuối cùng lên đỉnh một ngọn đồi để nhìn hồ Pátzcuaro trải dài bên dưới, phản chiếu bầu trời mênh mông, mây trắng lững lờ bay.
Từ biệt Pátzcuaro, chúng tôi đi tiếp đến thành phố du lịch Ixtapa bên bờ biển. Ngày hôm sau, cuộc vui vẫn còn tiếp tục…
Xe điện đi trên đường lát đá ở Pátzcuaro, bên cạnh là một tu viện có từ thế kỷ XVI |
Hàng thủ công mỹ nghệ của người da đỏ Purepecha trên đường phố Pátzcuaro |
Theo LÊ BẢN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Bình luận (0)