Một ngày Chủ nhật nắng hườm loang loáng, từ TP.HCM, cả nhóm chúng tôi rủ nhau lên đường thăm Cù Lao Phố – địa danh trước đây của TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Một ngày ở Biên Hòa, bạn sẽ đi đâu?
Tĩnh lặng Bửu Long
KDL Bửu Long (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) thật tĩnh lặng, cái tĩnh lặng đáng ngạc nhiên của một khu du lịch vào ngày Chủ nhật nắng đẹp. Khuôn viên rộng đến vài chục héc-ta mà chỉ lác đác độ mươi người khách.
KDL Bửu Long có cảnh sắc tuyệt vời, không thua kém bất kỳ KDL nào trong nước – Ảnh: Việt Cường
Dẫu vậy, cảnh quan nơi này tuyệt đẹp với hồ Long Ẩn kỳ vĩ trông không khác nào một vịnh Hạ Long thu nhỏ giữa lòng đất phương nam.
Trời trưa nắng làm màu xanh của làn nước hồ càng thêm lung linh, huyền ảo. Chiếc cầu treo bắc ngang qua hồ Long Ẩn màu trắng nổi bật giữa làn nước và bầu trời xanh trong. Ven hồ, những chiếc thuyền thiên nga neo hờ chờ khách.
Bửu Long là điểm đến có cảnh quan đẹp hơn nhiều khu du lịch sinh thái khác, thích hợp cho những ai muốn tìm chốn tĩnh mịch, xả stress mỗi cuối tuần. Nơi này còn là địa điểm lý tưởng cho những đôi bạn trẻ có biết bao tâm tình cần đổi trao.
Đối với những nhóm bạn đam mê nhiếp ảnh, KDL trên cũng là chốn săn cảnh thiên nhiên, chụp ngoại cảnh rất tốt vì ít bị tác động bởi xung quanh.
Thăm Trấn Biên nhớ… Quốc Tử Giám
Rời Bửu Long khoảng 11g trưa, chúng tôi ghé thăm Văn Miếu Trấn Biên cũng thuộc phường Bửu Long, TP. Biên Hòa. Khoảng thế kỷ XIX, văn miếu đầu tiên từng bị thực dân Pháp phá hủy.
Văn miếu Trấn Biên ngày nay được xây dựng trên nền đất cũ có mở rộng với kiến trúc mang nhiều nét tương đồng với Quốc Tử Giám ở Hà Nội, thế nên ở Biên Hòa mà tôi cứ ngỡ đang trong lòng… thủ đô.
Giữa một vùng không gian thoáng đạt, xa là ngọn núi thấp Bửu Long, gần có hồ nước đối diện, xung quanh là những lối hàng hoa cây cảnh, Trấn Biên nổi bật những vòm cong mái màu thạch bích. Kiến trúc xưa cổ hai gian ba chái, có đền thờ chính, bia đá ghi tạc lịch sử trăm năm Trấn Biên từ ngày khai lập, hưng thịnh, tàn phế và lịch sử xây dựng thời hiện đại. Hai bên đền thờ là nhà tả vu, hữu vu.
Chính giữa khuôn viên là hồ Tịnh Quang có hình vuông tượng trưng cho mặt đất trong triết lý trời tròn, đất vuông của người xưa. Trấn Biên không những thờ Bác Hồ và đức Khổng Tử mà còn tôn vinh những danh nhân Việt Nam như Nguyễn Trãi, Chu Văn An… và cả những anh hùng hào kiệt của vùng đất Nam bộ như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa…
Vãn cảnh chùa Bửu Phong
Trời đã quá trưa, nắng gay gắt, dù bụng đói nhưng chúng tôi quyết định tiếp tục đi vãn cảnh chùa Bửu Phong cho tiện cung đường.
Chùa Bửu Phong nằm trên núi Bửu Long, qua 99 bậc đá là lên đến chùa. Ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, ban đầu chỉ là một am nhỏ do một vị thiền sư tạo dựng nên.
Ngày nay, trải qua bao thăng trầm lịch sử cùng sự tàn phá của thời gian mà ngôi chùa vẫn nguyên vẹn những nét kiến trúc cổ xưa độc đáo.
Vòm cong mái chùa đẹp mắt, nhiều pho tượng cổ chạm khắc tinh vi. Mùi nhang phảng phất trong hương hoa sứ thơm ngây ngất trước sân làm tâm hồn chúng tôi trở nên thư thái nhẹ nhàng.
Trên đường quay trở lại Sài Gòn, chúng tôi ghé ăn cơm niêu ở nhà hàng gần bồn nước lớn trước KCN Biên Hòa 1. Ăn xong thì hơn 2 giờ chiều. Bụng no khiến mi mắt trĩu nặng. Ngang qua ngã ba Tân Vạn, cả nhóm quyết định ghé vào hồ Bình An (giữa Bình Dương và Biên Hòa) để… tìm chỗ ngủ trưa muộn.
Hồ Bình An to rộng trong mát, ven hồ có nhiều người đang câu cá. Hồ này không thu tiền vé vào cổng, bạn có thể thăm thú vô tư. Nếu có chuẩn bị vài chiếc cần, đây cũng là chốn lý tưởng để du khách trổ tài săn những chú cá lớn. Xa xa những ngôi nhà nghỉ bằng gỗ nổi trên mặt hồ đẹp mắt. Dạo quanh một vòng, chúng tôi liền tìm một vùng râm mát trải bạt, tán gẫu dăm ba chuyện rồi cả bọn chìm vào giấc ngủ say giữa hiu hiu gió hồ mát mẻ.
Lúc tỉnh giấc thì chiều đã muộn, cả nhóm ra về lòng đầy mãn nguyện với "tour" một ngày rong ruổi Cù Lao Phố thú vị.
Minh Anh /TNO
Bình luận (0)