Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Ngôi đền tôn vinh chuột

Tạp Chí Giáo Dục

Chuột có thể là cơn ác mộng của nhiều người, nhưng ở thành phố Deshnok phía tây bắc Ấn Độ, trong ngôi đền Karni Mata, chúng lại được tôn sùng là nữ thần.

Ngôi đền Hindu lộng lẫy với toàn bộ sàn nhà xây bằng đá cẩm thạch và các mái vòm đều được dát vàng dát bạc, nhưng kích thích sự tò mò cho người ta hơn hết  là “chủ nhân” của nó, 20 nghìn  con chuột kỳ lạ. Loài vật linh thiêng này trong tiếng Ấn được gọi là kabbas và nhiều người sùng đạo trên lãnh thổ này đã vượt đường xa vạn dặm đến đây để  được bày tỏ lòng thành kính với kabbas.
Truyền thuyết kể:  Vào thế kỷ 14, Karni Mata được người dân xem như là hiện thân của Durga, nữ thần quyền lực và chiến thắng. Karni Mata vốn là cô gái trần tục sinh ra trong một gia đình bình thường ở làng Suwap, thuộc bang Rajasthan, với tên ban đầu là Ridhubai. Lên sáu tuổi, cô chữa khỏi bệnh cho người dì của mình bằng một phương pháp kỳ lạ nên được người dân tôn sùng, kính cẩn gọi là “mata” (có nghĩa là đức mẹ) – thường thêm vào tên của những người được tôn là nữ thần. Karni Mata kết hôn, nhưng không hưởng thụ cuộc sống gia đình thông thường của người phàm, mà bà tự nguyện tái hôn cho chồng với em gái của mình, sau đó bắt đầu cuộc sống du cư, rày đây mai đó để khổ hạnh tu luyện.
Chẳng may, cậu con nuôi Laxman của nữ thần khi đến uống nước bên bờ sông đã rơi xuống chết đuối. Karni Mata cầu xin  thần Chết là Yama, cứu sống con mình. Thần Chết rủ lòng thương, cho phép Laxman và tất cả những cậu con trai nuôi của Karni Mata khi chết linh hồn của họ sẽ được tạm trú trong những con chuột để chờ ngày đầu thai trở lại làm người. Sau khi Karni Mata biến mất năm bà 151 tuổi, dân làng bắt đầu thờ chuột trong đền, càng ngày, chuột kéo đến càng đông. Trong hàng chục nghìn con chuột đen trong đền thờ, có 4-5 con chuột trắng mà người ta tin rằng đó chính là hiện thân của nữ thần Karni Mata và những người thân của bà. Do đó, du khách hoặc những người hành hương đến đây, nếu gặp được chuột trắng chạy qua hay đùa giỡn dưới chân mình được coi là điềm lành, may mắn… Nhưng rất hiếm có cơ hội đó!
Chỉ tại ngôi đền này, chuột không bị con người xua đuổi mà trở  thành những vị chủ nhân khiến họ phải phục tùng bằng sự chân thành, lòng tôn kính. Chẳng may, người nào lỡ chân giẫm đạp hay giết chết một con chuột, thì họ sẽ phải tốn kém rất nhiều tiền hoặc vàng để chuộc tội.  Và cũng thật lạ kỳ, trong suốt hàng thế kỷ tồn tại, ngôi đền Karni Mata là “ổ chuột” khổng lồ nhất thế giới nhưng chưa hề xuất hiện một dấu hiệu nào của mầm bệnh dịch hạch. Điều đó khiến những người bản địa và những người sùng đạo càng tin vào sự linh thiêng của ngôi đền. Chỉ có mùi chuột đặc trưng “phong tỏa” không gian ngôi đền khiến cho nhiều du khách e dè. Hàng ngàn con chuột lớn, bé tự do, ung dung đi lại khắp ngõ ngách trong ngôi đền.  Ngày hai bữa, những người trong ngôi đền cầu nguyện, sau đó cho chuột ăn và uống sữa. Được chăm sóc chuột  trong ngôi đền là một điều phước lành. Uống một chút sữa hay ăn một miếng đồ ăn của chuột cũng được coi như là lộc được nữ thần chuột ban cho…
Trần Ngọc Nam / TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)