Và với xứ sở này, sông Hằng còn là khởi nguồn của mọi tôn giáo, niềm tin và sự sùng tín mà con người dâng lên thần linh cùng các đấng tối cao. Chính vì vậy, một lần được đến đây, ngắm bình minh trên dòng sông tôn giáo này, đối với tôi là một hành trình với thật nhiều cảm xúc.
|
Sông Hằng – con sông chở che và khơi nguồn của cuộc sống người dân Ấn Độ |
Từ thành phố Bodhgaya, chúng tôi đi trên chuyến xe buýt vượt chặng đường khoảng trên 200km để đến với thành phố Varanasi từ đêm trước, rồi nghỉ đêm tại đây để sớm mai có thể cùng nhau ngắm bình minh trên sông Hằng.
Mới khoảng ba giờ rưỡi sáng, không gian còn chìm trong bóng đêm, cả đoàn đã thức giấc và chuẩn bị lên đường. Trời tối mờ mịt, nhưng trên bến sông Hằng thuộc địa phận thành phố Varanasi, từng dòng người nối nhau hối hả đi về phía bến sông. Tiếng gọi nhau, tiếng va chạm của vật dụng, xe cộ, tiếng mời chào bán hàng… hòa quyện với nhau, xôn xao cả một vùng.
Người Ấn Độ thức rất sớm và theo nhau rảo bước hướng ra bến sông, bắt đầu một ngày mới bằng cách tắm mình trên dòng sông này để cầu nguyện những điều may mắn, tốt đẹp nhất sẽ đến trong ngày. Một khu chợ nhỏ với hàng hóa được bày biện vội vàng dưới ánh đèn đường vàng vọt.
|
Tín đồ Hindu tin rằng tắm mình trong dòng sông Hằng sẽ là sự kết thúc một quá trình chuyển tiếp |
Những người đàn bà trùm khăn kín đầu, áo lướt thướt với nhiều màu sắc, ngồi trước những mâm hoa cũng nhiều màu, gồm: những chuỗi hoa nhài, hoa lan, hoa nguyệt quế được tết lại gọn ghẽ, đẹp mắt, và luôn miệng mời gọi khách qua lại mua hàng, tạo nên một khung cảnh thật sống động.
Dưới bến sông, hàng trăm chiếc thuyền đang neo đậu chờ những đoàn khách từ phương xa đến. Những người khách lạ hồ hởi đặt chân xuống thuyền, bắt đầu một chuyến ngoạn du trên dòng sông huyền thoại. Đoàn chúng tôi cũng lên một chiếc thuyền nhỏ và cùng xuôi theo dòng.
Ánh sáng của buổi bình minh đã bắt đầu ẩn hiện ở phía xa. Tiếng đùa vui hoặc trò chuyện râm ran của những người tắm sông cứ vọng lên không trung âm điệu rộn ràng của ngày mới. Từ bến sông nhìn lên, những dãy nhà san sát cổ kính đứng tựa vào nhau, bắt đầu ửng dần lên màu nắng mai.
Trên thuyền, những người đàn ông địa phương gõ nhịp hai bàn tay những dụng cụ âm nhạc truyền thống gồm đàn và trống với kiểu dáng khá lạ mắt, tạo nên những bản nhạc bập bùng sông nước, làm cho không gian càng thêm lãng đãng.
Rồi mặt trời tròn vành vạnh và đỏ rực từ từ nhô lên khỏi mặt sông, lửng lơ trên bầu trời cao và rộng. Những chiếc thuyền chầm chậm lại, dòng người cũng thôi nói cười để chiêm ngưỡng giây phút huyền diệu. Ánh sáng màu cam nhạt trải rộng trên khắp mặt sông, làm rực lên màu vôi trên những bức tường của những ngôi nhà cổ ven sông, hòa quyện vào nhau trong một bức tranh thật thanh bình.
Cảnh tượng có thể nói gây xúc động mãnh liệt nhất trong lòng tôi vào buổi sáng hôm ấy chính là được tận mắt chứng kiến một buổi hỏa táng ngoài trời, ngay bên bờ sông Hằng. Một đám tang đơn giản, không có tiếng khóc than. Một lễ hỏa táng thuận theo tự nhiên, chỉ dùng củi để chất lên cao và đặt người đã yên giấc ngàn thu lên trên lò thiêu ngoài trời ấy.
Sau khi được hỏa táng, người chết sẽ về với sông Hằng, về với dòng sữa mẹ linh thiêng để có được sự bình yên vĩnh cửu. Biết rằng mỗi dân tộc có một phong tục riêng, một tín ngưỡng riêng, nhưng cảnh tượng lò thiêu ngoài trời ấy đã in vào tâm trí tôi một ký ức sâu sắc không thể nào quên.
Thuyền chúng tôi được thả trôi tự do để mọi người tận hưởng giây phút thanh bình hiếm hoi này. Làn gió buổi mai mát rượi. Dòng sông hiền hòa lặng lờ chảy bên mạn thuyền. Tôi thắp một ngọn nến nhỏ, đặt vào một bông hoa làm bằng giấy rồi thả xuống dòng sông, thì thầm cầu nguyện những điều may mắn cho mình và cho người thân.
Khi mặt trời đã lên rất cao, ánh nắng rực rỡ soi rọi lên vạn vật, người Ấn tìm đến với sông Hằng mỗi lúc một đông hơn. Những người đã tắm thỏa thích trên dòng sông vào buổi sớm bắt đầu trở về nhà. Chúng tôi ngồi trên một chiếc xe ngựa cũ, hòa vào dòng người đó, len qua khu chợ địa phương họp ở ngay bên bờ sông Hằng giờ đây đã nhộn nhịp, đông vui và rộn rã tiếng cười nói.
Tiếng vó ngựa lốc cốc gõ xuống mặt đường nhựa đưa tôi dần xa và tạm biệt sông Hằng, càng làm cho kỷ niệm về một buổi ngắm bình minh trên dòng sông huyền thoại này trở nên ý nghĩa và khó quên hơn. Tôi vẫn hẹn với lòng rồi sẽ có một ngày trở lại chốn này.
Bài và ảnh: HUỲNH THU DUNG / DNSG
Bình luận (0)