Rời khỏi sân bay quốc tế Narita, tôi ngắm nhìn xung quanh tìm một chút Nhật Bản mình đã cảm đâu đó qua những quyển truyện tranh, những tác phẩm của Murakami hay trong Totto Chan – cô bé bên cửa sổ.
Tượng Nữ thần Tự do không chỉ ở New York (Mỹ) mà còn hiện diện ở Tokyo
Nắng chói chang suốt ngày để lại nền nhiệt hâm hấp trên da người, thế nhưng nhiệt độ cao không khiến dân Tokyo ăn mặc xuềnh xoàng hơn. Dọc hai bên vỉa hè, người đi bộ chỉn chu trong những bộ trang phục không thể đứng đắn hơn. Phụ nữ mặc đầm hoặc quần bó với áo cánh rộng phủ gần đến gối. Đàn ông vận âu phục, áo sơmi được là ủi phẳng phiu, một tay xách cặp, tay kia cầm áo vest.
Tôi chợt nhớ lại những ngày làm việc vừa qua với đối tác Nhật, có một tính từ cứ được lặp đi lặp lại mãi, mà sau này tôi nghiệm ra đó là một phần quan trọng của tính cách và văn hóa Nhật: “sophisticated”, có nghĩa là tinh vi, công phu, tỉ mỉ, để ý đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Truyền thống sống giữa hiện đại
Tokyo – một trong những thủ đô lớn nhất, đông dân nhất và đắt đỏ nhất thế giới – mở ra trước mắt tôi các công trình kiến trúc với những tháp, nhà cao tầng và đền đài, nơi truyền thống và hiện đại đan xen vào nhau tạo nên những gam màu thật lạ lẫm.
Buổi tối đầu tiên ở Tokyo, tôi thả bộ dọc theo những con đường ở khu Minato-ku, một quận thương mại của Tokyo. Hai bên đường là những nhà cao tầng và khách sạn năm sao, đèn đường sáng choang, người đi bộ rảo bước nhanh thật nhanh, mắt nhìn thẳng, tai nghe nhạc. Trên vỉa hè thỉnh thoảng lại xuất hiện vài người đi xe đạp luồn lách thật khéo léo giữa dòng người đi bộ. Đại lộ có tám làn xe, các đường trên không một hoặc hai tầng cắt nhau chằng chịt. Xe cộ chạy trên đường vùn vụt, chủ yếu là xe hơi, taxi, xe buýt và rất hiếm hoi xe máy.
Thong dong đạp xe giữa phố phường đông đúc Tokyo – Ảnh: L.N.M.
Thế rồi tôi bỗng ngẩn ra, khi bên kia đường tự lúc nào hiện ra một ngôi chùa bằng gỗ nâu, trầm mặc trong ánh đèn vàng, tự tại thong dong giữa con đường đầy những tòa cao ốc. Ngôi chùa nằm đó như một thiền sư đang tĩnh tọa, nhắc nhở tôi rằng dù có phát triển đến mức nào, đây vẫn là một thành phố phương Đông đậm chất thiền.
Tôi còn ngẩn ngơ như thế nhiều lần nữa. Một đêm khác ở Shibuya, tôi vừa rời khỏi Harajuku – khu mua sắm và trình diễn các loại thời trang của giới trẻ, dòng người đi bộ đặc kín vô tình ấn tôi vào một ngõ nhỏ. Chỉ cách đại lộ hai bước chân mà thời gian như dừng lại. Những ngôi nhà Nhật bé nhỏ xinh xinh nằm kề nhau, hoa rủ trước ngõ, và vài khu vườn Nhật nho nhỏ đằm thắm rung rinh trong gió. Mấy chiếc chuông gió nhà ai thì thầm tiếng leng keng đưa tôi về một thời Edo (*) xa vắng.
Khi đến Asakusa, một khu phố cổ của Tokyo, tôi nghe tim mình nhảy cẫng lên vì sướng. Không sướng sao được khi mấy ngày qua tôi sống giữa một Tokyo của taxi, áo vest và nhà cao tầng, còn giờ đây đang đứng trước một Tokyo của xe kéo, kimono và những ngôi đền khói hương nghi ngút.
Truyền thống chen giữa hiện đại làm cho phố phường thêm duyên – Ảnh: L.N.M.
Hai tính cách trong một con người
Nếu trước đây những gì tôi nghĩ đến nước Nhật là mùa đông và người Nhật lạnh lẽo như băng thì chuyến đi này đã mở ra trước mắt tôi một Tokyo vào hạ ngập nắng và sắc màu, cho tôi cơ hội làm việc và gặp gỡ với những người bạn Nhật chăm chỉ, chu đáo và ấm áp vô cùng.
Người Nhật vốn nổi tiếng làm việc có kỷ luật và chăm chỉ. Nhưng sự cần cù của họ đôi khi vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Tôi hỏi đồng nghiệp một ngày ngủ mấy tiếng, câu trả lời thường vào khoảng 5-6 tiếng. Mà họ lại thường tính rất kỹ, ví dụ như một ngày ngủ ít lại nửa tiếng thì một tháng, một năm tiết kiệm được bao nhiêu thời gian.
Ấn tượng ban đầu ấy cùng những email công việc răm rắp khiến tôi hình dung ra những người Nhật có phần khắc kỷ. Nhưng đến khi gặp rồi, những lớp băng giá tôi hình dung xung quanh họ tan rã dần. Người Nhật chu đáo vô cùng, đón tôi đến văn phòng họ chuẩn bị cho tôi khăn và quạt vì sợ khí hậu nóng bức của mùa hè Tokyo làm tôi khó chịu, dù văn phòng của họ có máy điều hòa chạy rì rì.
Biết tôi lần đầu đến Tokyo và muốn ở lại vài ngày để khám phá thành phố của họ, những người bạn này người thì mua cho tôi bản đồ và hướng dẫn du lịch, người tìm thông tin những tour du lịch uy tín cho tôi… Tôi cảm động nhận ra đằng sau vẻ ngoài lặng lẽ của những người bạn Nhật, có những trái tim ấm áp và nhạy cảm khôn cùng.
Ảnh: L.N.M.
Ở những nơi công cộng, người Nhật lặng lẽ đến mức tôi – một con bé đến từ vùng đất nhiệt đới ồn ào xáo động, phải cảm thấy sợ. Trên tàu điện ngầm đông kẹt nhưng không một tiếng nói cười. Ai cũng trầm mặc, ngủ hoặc đọc sách. Thế nhưng buổi tối, khi họ tụ họp bạn bè, uống một chút bia (dù chủ yếu là loại bia không cồn đang rất phổ biến ở Nhật) họ bỗng khác hẳn. Có những cô gái phá ra cười phới lới, la hét trêu ghẹo nhau, tiếng cười đùa rộn rã cả tiệm ăn. Những chàng trai ngồi cổ vũ, hô hoán những câu tiếng Nhật nghe như tiếng ca khích lệ.
Các bạn Nhật của tôi đều thừa nhận có hai con người tồn tại trong mỗi người họ: một con người của kỷ luật, thâm trầm và khắc khổ; một con người khác đầy chất nổi loạn, sống hết mình và chơi hết ga!
Ngày tôi rời khách sạn đến sân bay, ảnh hưởng bão làm mưa rơi tầm tã. Tôi kéo vali gần đến cửa thì cô chủ khách sạn vội vã chạy theo, miệng gọi “Thao-san! Thao-san (**)!”. Cô đưa cho tôi một chiếc dù bảo cầm theo che kẻo ướt, không cần phải trả lại cho cô đâu nên đừng ngại. Tôi cảm động cầm lấy chiếc dù khi chính người đưa dù cho tôi đang cúi gập người ngân nga câu cảm ơn.
Đến Tokyo, nhiều du khách sẽ ngạc nhiên khi được dùng bữa trưa với món “cơm hộp sinh thái” tại nhà hàng Nanko. Gọi là sinh thái bởi từng món ăn truyền thống và thực đơn ở đây được áp dụng cách thức sao cho giảm thiểu tác hại đến môi trường. Nhà hàng và món ăn ở đây tham gia vào chương trình “Eco cooking project”, một dự án của chính phủ với mục đích khuyến khích mọi người dân ý thức bảo vệ môi trường ngay từ những sinh hoạt hằng ngày.
|
DƯƠNG XUÂN THẢO
Tuổi Trẻ
Bình luận (0)