Tiền quân Thống chế Điều bát tên thật là Thạch Duồng, quê ở làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Do có công với triều Nguyễn nên ông được ban quốc tính – họ Nguyễn và lấy tên là Nguyễn Văn Tồn. Ông được nhân dân Trà Ôn tôn kính như một bậc tiền hiền có công khai hoang mở cõi vùng đất Trà Ôn.
Phần mộ của Tiền quân Thống chế Điều bát (bên phải) và phu nhân.
Tiền quân có tướng mạo khôi ngô, võ nghệ cao cường, tính tình cương trực, ông được Nguyễn vương phong chức cho trấn thủ ở Oai Viễn đồn (Trà Ôn) và đạo Trấn Giang (Cần Thơ) kiêm quản xuất hai phủ Trà Vinh và Mân Thít. Binh đoàn của ông chiến đấu dũng mãnh, xuất sắc. Khi xứ Cao Miên có nội chiến (1810), quân Xiêm xâm lấn bờ cõi, ông phụng mệnh triều đình theo đại quân Thoại Ngọc Hầu sang chiến đấu với quân Xiêm ở thành Lavek.
Sau khi thắng trận, uy danh vang lừng, ông được cử ở lại trấn thủ Nam Vang thành với trọng trách bảo hộ xứ Cao Miên. Sau một thời gian, ông được trở về quê hương Trà Ôn, Cầu Kè trấn thủ. Ông cùng dân binh dốc sức khai hoang mở đất. Năm 1819 ông đưa dân binh lên hiệp lực cùng Thoại Ngọc Hầu đào kinh Vĩnh Tế dài trên 100 cây số, có vị thế chiến lược về kinh tế và quân sự ở biên giới Tây Nam đất nước.
Năm 1820 (Canh Thìn), mùng 4 tháng Giêng, Tiền quân Nguyễn Văn Tồn mất ở nơi trấn thủ Trà Ôn. Dân chúng hết lòng thương tiếc một vị trung thần nghĩa dũng, triều đình Huế phái đại thần mang phẩm vật vào làm lễ điếu tế với nghi thức long trọng trong ba ngày. Ông được sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh Trung Dũng Thiên Trực.
Chính vì có công với vùng đất Trà Ôn nên khi ông mất, người dân ở đây xây lăng để thờ cúng ông. Hiện nay lăng và mộ phần của ông cùng phu nhân được an vị tại ấp giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Tổng diện tích khu lăng mộ ông là 8.000 mét vuông, gồm nhiều hạng mục, công trình với hoa văn và kiến trúc đẹp mắt. Xung quanh khu vực lăng mộ có nhiều cây xanh, hoa kiểng, tỏa che bóng mát cho lăng mộ cũng như cho khách hành hương chiêm bái.
Cổng vào lăng Ông.
Lăng mộ ông được xây dựng hết sức trang nghiêm và cổ kính. Bên ngoài là một cổng cao, lớn, được trang trí rực rỡ với nhiều màu sắc và đôi câu đối trên hai cột trụ cổng. Trên mái nóc cổng có tượng lưỡng long tranh châu. Từ cổng vào này đi vào khoảng 10 mét chúng ta lại bắt gặp một cánh cổng nữa. Cổng này cũng cao lớn, được trang trí đẹp mắt. Phía sau cổng thứ hai này là một khoảng sân khá rộng, được tráng xi măng nên rất sạch sẽ, xung quanh có nhiều hoa kiểng như tô điểm thêm cho phần lăng mộ Tiền quân được trang nghiêm hơn. Nối liền với khoảng sân rộng này chính là lăng Ông. Phía trước lăng có một bức bình phong được trang trí hình hoa sen, điểu, với nhiều màu sắc và những họa tiết trang nhã. Sau bức bình phong là nhà khách sạch sẽ, thoáng mát, dùng cho du khách nghỉ chân trước khi vào viếng lăng.
Lăng ông hiện nay được chia làm ba ngôi chính. Chính giữa là chính điện, bên phải là nhà khói và bên trái là nhà võ ca. Chính điện được chia ra nhiều gian thờ. Gian phía trước là bàn thờ của phó soái Nguyễn An, thủ lĩnh nghĩa binh kháng Pháp, hi sinh ở Trà Ôn năm 1872. Gian giữa là bàn thờ Hội đồng. Gian trong cùng là gian thờ Tiền quân thống chế điều bát. Gian này lại được chia làm ba gian. Gian giữa thờ ông Tiền quân; gian bên phải (nhìn từ ngoài vào) thờ phu nhân ông; gian bên trái thờ các vị Tiền hiền.
Bàn thờ Tiền quân Thống chế điều bát.
Trước gian thờ này là hai hàng bát bửu hai bên. Xung quanh còn được trang trí rất nhiều hoa văn họa tiết, võng, lọng với nhiều màu sắc rực rỡ, hết sức trang nghiêm. Đặc biệt gian chính điện có rất nhiều câu đối ca ngợi công đức ông và cũng là để tô điểm cho lăng ông thêm phần lộng lẫy hơn. Tất cả các công trình kiến trúc này đều được làm từ các danh mộc, mái lợp ngói hình vảy cá. Cho đến này khu lăng mộ này đã trải qua 5 lần trùng tu, đó là vào các năm 1937, 1953, 1960, 1994 và gần đây nhất là năm 2005.
Mộ phần của ông và phu nhân được xây và đặt phía sau lăng. Xung quanh mộ có tường bao bọc, tường hoa, bình phong, trụ liễu… được trang trí hình hoa lá, giao long và có cặp kỳ lân đứng chầu. Trên rặng liễu có câu đối ngắn, thể hiện được đức độ của ông: Hoa di cộng hưởng / Mân Quảng đồng tri ân. (Nghĩa là: Người Hoa, người Khmer đồng ngưỡng mộ / Người Phúc Kiến, người Quảng Đông đều nhớ ơn).
Hằng năm, cứ vào các ngày mùng 3, mùng 4 tháng Giêng (âm lịch), nhân dân Trà Ôn tổ chức lễ giỗ ông hết sức trang nghiêm và long trọng theo nghi thức truyền thống. Trong các ngày này, hàng ngàn người từ các nơi như Trà Ôn, Cầu Kè, Trà Vinh, Sóc Trăng… về tham dự lễ giỗ ông. Bên cạnh các nghi lễ cúng tế, ban trị sự lăng còn tổ chức múa lân, múa rồng, hát bội, trình diễn nhạc ngũ âm, tổ chức các trò chơi dân gian thu hút được nhiều người tham gia, tạo cho không khí lễ hội thêm phần long trọng và hấp dẫn.
Vì lẽ đó, khi đến Trà Ôn, chúng ta sẽ dễ dàng nghe được câu ca dao:
Lịch thay cuộc địa Trà Ôn
Miếu Ông Điều Bát lưu tồn đến nay
Đất giồng Thanh Bạch xưa kia
Có đền Ông lớn với bia lưu truyền.
Do quần thể lăng ông có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nên ngày 13 tháng 2 năm 1996, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận lăng ông là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Du khách muốn đến viếng lăng, có thể đi theo tỉnh lộ 37, từ Châu Thành – Trà Ôn đi Cầu Kè – Trà Vinh khoảng 2km về phía tay phải là đến lăng mộ ông dễ dàng.
(TBKTSG Online)
Bình luận (0)