Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Từ 14/2, chấm dứt độc quyền xuất khẩu gạo

Tạp Chí Giáo Dục

Bắt đầu từ ngày 14/2/2011, doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung không nhất thiết phải là thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 44/2010/TT-BCT quy định chi tiết một số điều tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 14/2/2011. Điểm mới nhất của hoạt động xuất khẩu gạo theo Thông tư 44/2010/TT-BCT là cho phép sự tham gia rộng rãi của doanh nghiệp xuất khẩu gạo với các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung.


Trước đây, việc thực hiện các hợp đồng tập trung này là đặc quyền của các thành viên VFA. Tuy nhiên, sắp tới, việc phân bổ sẽ căn cứ vào 3 yếu tố đã được Bộ Công thương quy định. Đó là thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong 2 năm gần nhất vào thị trường dự kiến giao dịch; thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong 2 năm gần nhất; và giao dịch với đối tác nước ngoài được chỉ định, hoặc dự kiến được chỉ định làm đầu mối nhập khẩu gạo.
Ông Huỳnh Minh Huệ – Tổng thư ký VFA khẳng định, các tiêu chí có tính chất tiêu chuẩn này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đủ năng lực được tham gia các hợp đồng tập trung. Dù mở rộng đối tượng, song thị trường xuất khẩu khó có thể rối loạn do các tiêu chí đưa ra rõ ràng và sàng lọc được những doanh nghiệp tốt.
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ không có gạo dự trữ, khi ký được hợp đồng, nhảy vào tranh mua lúa gạo nguyên liệu để “lướt sóng”, gây sốt ảo. Khi giá lúa hạ, các doanh nghiệp này ngừng xuất khẩu, gây khó khăn cho nông dân và các doanh nghiệp khác. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, Nghị định 109/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm nay sẽ giúp thị trường lúa gạo ổn định, sàng lọc doanh nghiệp xuất khẩu tốt. Cụ thể, Nghị định 109/2010/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu gạo, phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa; có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.
Dù vậy, trong năm 2011, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo dự báo chưa có nhiều biến động, bởi Chính phủ cho phép các doanh nghiệp có lộ trình để chuẩn bị. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2011, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn giữ nguyên. Từ ngày 1/10/2011 đến tháng 9/2012, doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng được phép đi thuê kho chứa và cơ sở xay xát. Sau thời gian này, doanh nghiệp nào không đủ điều kiện mới phải ngừng xuất khẩu.
Nghị định 109/2010/NĐ-CP cũng mở ra cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp xay xát, vốn có sẵn máy móc và kho tàng. Thế nhưng, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa đồng tình với quy định doanh nghiệp xuất khẩu phải có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ. “Vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu phải có cơ sở xay xát, vì xay xát là lĩnh vực khá chuyên ngành. Vì vậy, cần có thêm thời gian để xác định tính khả thi và hiệu quả của quy định này” – ông Huệ cho biết.
Ngoài việc sàng lọc doanh nghiệp lướt sóng, phá giá thị trường, Nghị định 109/2010/NĐ-CP còn được xem là rào cản kỹ thuật hữu hiệu ngăn chặn cuộc tấn công của các doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường xuất khẩu gạo (năm 2011). Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia xuất khẩu gạo, phải có kho dự trữ và cơ sở xay xát như doanh nghiệp trong nước.
Ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia phân tích dự báo thị trường thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng tăng năng lực kho bãi, mạng lưới thu mua, dự trữ, bảo quản lúa gạo. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với người nông dân để tổ chức vùng nguyên liệu, sản xuất các loại gạo chất lượng cao. Cũng theo ông Tiến, việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo cũng mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, khiến số lượng người mua tham gia thị trường nhiều hơn, giúp người nông dân có lợi thế hơn về giá.
Theo dự báo của ông Phan Huy Thông – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2011, sản lượng lúa của cả nước ước đạt 40 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với năm 2010, trong đó, xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn. “Nghị định 109/2010/NĐ-CP sẽ đưa hoạt động xuất khẩu gạo vào nề nếp. Người trồng lúa trên cơ sở đó, cũng được đảm bảo ổn định hơn” – ông Thông nhận định.
Nguồn Công Thương


Bình luận (0)