Lần đầu tiên, UBND tỉnh Đắc Lắc có văn bản đề nghị Bộ Công Thương cho một DN có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp thu mua càphê của nông dân thông qua các hợp đồng liên kết.
Công nhận một số lợi ích trước mắt, song nhiều ý kiến không khỏi lo ngại DN nước ngoài sẽ quay lại chèn ép nông dân một khi đã thâu tóm toàn bộ vùng nguyên liệu càphê xuất khẩu.
Đề nghị… xé rào
Tại công văn 4510/UBND – TCTM ngày 9.9, UBND tỉnh Đắc Lắc đề nghị Bộ Công Thương cho Cty chế biến càphê Man – Buôn Ma Thuột (Dakman) trực tiếp thu mua càphê của nông dân. Đây là liên doanh giữa Cty ED&FMAN VIETNAM HOLDING B.V Vương quốc Anh với Cty TNHH MTV XNK 2/9 Đắc Lắc, tỉ lệ góp vốn 66,4% và 33,6%. Cty này đã liên kết với nông dân phát triển được 3.676ha càphê có chứng nhận càphê sạch 4C, sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm. Theo UBND tỉnh Đắc Lắc, nếu không cho trực tiếp thu mua thì Man – Buôn Ma Thuột sẽ bị thiệt. Trong khi đó, Nghị định 23/2007/NĐ – CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan của DN có vốn đầu tư nước ngoài quy định: DN có vốn đầu tư nước ngoài không được tổ chức mạng lưới mua hàng trực tiếp đến người sản xuất mà chỉ được mua hàng của thương nhân có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền phân phối hàng hóa xuất khẩu.
Người trồng càphê được một số lợi ích khi DN nước ngoài thu mua càphê, nhưng về lâu dài vẫn còn nhiều lo ngại.
Ngoài Man – Buôn Ma Thuột, hiện ở Đắc Lắc có 5 DN nước ngoài khác đang thu mua, chế biến, xuất khẩu càphê. Năm 2010 và 5 tháng đầu năm 2010, các DN này thu mua khoảng 200.000 tấn, bằng 50% tổng sản lượng càphê toàn tỉnh trong một vụ. Theo Sở Công Thương Đắc Lắc, chưa phát hiện DN nào mua càphê của nông dân, ngoại trừ Man – Buôn Ma Thuột đã mua khoảng 450 tấn trong vùng liên liên kết. Dù vậy, nhiều ý kiến lo ngại rằng các DN nước ngoài vẫn có thể mua hàng của những nông dân có đăng ký kinh doanh, hoặc thành lập các hợp tác xã để đối phó.
Lợi thì có lợi…
Ông Trần Trọng Lưu – Phó phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Đắc Lắc – cho rằng, so với tổng sản lượng càphê toàn tỉnh, 12.000 tấn trong vùng liên kết của Man – Buôn Ma Thuột chỉ chiếm khoảng 3% nên không đáng kể. Mặt khác, việc DN nước ngoài thu mua trực tiếp sẽ đem lại một số lợi ích như áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất càphê 4C, càphê có trách nhiệm, truy nguyên nguồn gốc, giá mua cao hơn nhờ chất lượng cải thiện…
Tuy vậy, với tiềm lực tài chính dồi dào, vốn vay chịu lãi suất thấp, các DN nước ngoài hoàn toàn có thể đầu tư cho nông dân để độc chiếm vùng nguyên liệu. Khi vùng nguyên liệu đã nằm trong tay các DN nước ngoài, không có gì đảm bảo là họ sẽ không chèn ép nông dân. Ông Vũ Đức Tiến – Tổng giám đốc Cty CP ĐTXNK càphê Tây Nguyên lo ngại: “DN nước ngoài mua càphê trước mắt là có lợi cho nông dân, nhưng về lâu dài chắc chắn tình hình sẽ xấu đi”. Tại hội thảo về phát triển càphê bền vững diễn ra vào 3.2011, ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Càphê Cacao VN – cũng cho rằng: “Để có vùng nguyên liệu càphê như hiện nay, ngoài công sức của nông dân và các doanh nghiệp VN, còn phải kể đến một số tiền không nhỏ từ ngân sách nhà nước đã đầu tư hạ tầng sản xuất, nhất là giao thông, thủy lợi… Bây giờ cho DN nước ngoài vào thu mua trực tiếp, chẳng khác nào ta làm cho họ hưởng”. Với những lo ngại trên, đề xuất cho DN nước ngoài trực tiếp thu mua càphê của nông dân rõ ràng cần được cân nhắc thận trọng.
Đặng Trung Kiên
Theo Lao Động
Bình luận (0)