Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

EVN lỗ nặng do đầu tư ngoài ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng vừa có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra việc thực hiện giá bán điện; công bố công khai khung giá mua bán điện; phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện phương án giá điện, đồng thời đánh giá các khoản đầu tư của EVN vào các lĩnh vực ngoài ngành

Hàng nghìn tỉ đồng chưa phân bổ vào giá điện

Hiện tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đáng báo động. Các khoản nợ đến nay đã lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, nhưng EVN thì không có nguồn nào trả nợ trừ việc phân bổ vào giá điện. Mới đây, các chủ nợ của EVN là Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tập đoàn CN Than – Khoáng sản (TKV) đã lên tiếng vì khoản chiếm dụng vốn quá lớn mà chưa nhìn thấy nguồn trả này. Đại diện PVN cho rằng, nếu EVN không trả khoản nợ đã lên tới gần 10.000 tỉ đồng cho các đơn vị thuộc PVN thì sẽ dẫn đến hiệu ứng “chiếm dụng vốn dây chuyền”.
Cty CP Chứng khoán Hà Thành, một địa chỉ đầu tư thua lỗ của EVN.
Hiện các khoản lỗ đã được “nhận mặt, chỉ tên” gồm 11.000 tỉ đồng do EVN mua điện giá cao từ một số nhà máy điện độc lập. Khoản chênh lệch tỉ giá do mua nhiên liệu bằng ngoại tệ, thu tiền đồng khoảng 17.000 tỉ đồng. Vốn đầu tư tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn khoảng 8.000 tỉ đồng.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, một quan chức thuộc Hội đồng thành viên (HĐTV) EVN cho biết: mới đây, Bộ Tài chính đã đồng ý để EVN hạch toán chi phí và lỗ sản xuất kinh doanh điện (sau khi có kết quả kiểm toán) vào giá điện phân bổ dần cho các năm sau. Theo tính toán, với mức điều chỉnh giá điện theo Quyết định 24 (3 tháng được phép điều chỉnh 5%) thì phải đến năm 2013, EVN mới thanh toán hết các khoản lỗ đang bị treo.
“Lụt” đầu tư ngoài ngành
Theo làn sóng đầu tư ngoài ngành, vào những năm 2006 – 2007, khi thị trường chứng khoán lên như “diều gặp gió”, EVN đã ào ạt đầu tư ra ngoài ngành. Tổng cộng đã có hơn 2.100 tỉ đồng được EVN “nướng” vào các lĩnh vực đầy rủi ro là tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, du lịch, viễn thông… Đến nay, nhiều lĩnh vực đầu tư đã dẫn đến “quả đắng”. EVN đã từng góp vốn đầu tư vào Cty cổ phần chứng khoán Hà Thành, đến nay Cty này đã gần như ngừng hoạt động với nghi án chủ tịch HĐQT ẵm gọn khoản tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỉ của các cổ đông lặn mất tăm; đầu tư vào các Cty cổ phần bất động sản điện lực Sài Gòn Vina, điện lực miền Trung, EVNLand Nha Trang… đều chưa thấy có hướng ra. Thương vụ mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của NHTMCP An Bình (ABBank) được xem là có lời hơn cả, theo chỉ đạo của Thủ tướng, EVN đang quyết tâm tìm đối tác để bán cổ phần tại đây, nhưng với thị trường ảm đạm về thanh khoản, EVN vẫn chưa tìm được đối tác khả thi.
Thua lỗ nhất là lĩnh vực kinh doanh viễn thông. Năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt hơn 2.000 tỉ đồng, lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của EVN Telecom lên đến 5,1 lần (trong đó nợ phải trả là 7.760 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.586 tỉ đồng). Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của EVN Telecom chỉ còn 31%. Hiện mức thua lỗ của EVN Telecom đã dẫn tới gần như không có khả năng cân đối toàn bộ chi phí vận hành, chi phí đầu tư mạng lưới, các khoản vốn và lãi vay cho các dự án đầu tư.
Vấn đề đặt ra là trong khi cần tập trung nguồn vốn lên đến hàng tỉ USD để đầu tư nguồn và lưới điện, thì EVN lại dễ dàng để thua lỗ khi kinh doanh ngoài ngành. Dư luận đã không ít lần lên tiếng về việc phải công khai, minh bạch hóa quản lý các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước, đặc biệt những ngành còn độc quyền, sản phẩm chi phối đầu ra của nhiều ngành kinh tế, thì càng cần thận trọng trong quyết định liên quan đến số đông.
EVN đề xuất tăng giá điện từ 10-13%. Theo một quan chức HĐTV EVN, căn cứ Đề án giá điện gần nhất được EVN trình Bộ Công Thương trong tháng 9.2011, EVN đề xuất 3 phương án tăng giá điện. Phương án tăng cao nhất 13% và phương án tăng thấp nhất trên 10%. Đại diện này của EVN cho biết: Theo quy định tại Quyết định 24 và thông tư của Bộ Công Thương hướng dẫn cơ chế điều chỉnh giá điện, thì trường hợp 3 yếu tố đầu vào cơ bản của giá điện là giá nhiên liệu, tỉ giá và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi trong 3 tháng liên tiếp, dưới 5% thì EVN báo cáo Bộ Công Thương và tự động điều chỉnh, nhưng do Bộ Tài chính đề nghị việc điều chỉnh giá điện không nên điều chỉnh liên tục các quý, nên EVN đưa ra đề xuất tăng giá như trên. Nếu được thông qua, dự kiến, việc điều chỉnh giá điện sẽ được thực hiện trong tháng 11 tới.
Q.T
Hồng Quân
Theo Lao Động

 

 

Bình luận (0)