Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ximăng Điện Biên không được dùng ở Điện Biên: Bộc lộ lợi ích nhóm(?!)

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi UBND tỉnh Điện Biên ra sức khuyến khích các sở, ban ngành, DN, đơn vị, cá nhân sử dụng ximăng Điện Biên trong xây dựng cơ bản (XDCB), đặc biệt trong các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, một số lãnh đạo sở ở tỉnh này lại ngang nhiên tuyên bố không sử dụng ximăng Điện Biên vì cho rằng chất lượng… kém.

Mâu thuẫn này – theo một quan chức của tỉnh – đang bộc lộ sự xung đột mạnh mẽ về lợi ích nhóm.

Tiết kiệm 100 tỉ đồng/năm

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, hiện nay trên địa bàn tỉnh có duy nhất Cty CP ximăng Điện Biên (Cty XMĐB, công suất 1.000 tấn clinker/ngày) nằm trong cụm CN Na Hai, Khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang. Đây là một trong những cơ sở sản xuất trọng điểm về CN nói chung và sản xuất VLXD nói riêng trên địa bàn tỉnh. Cty XMĐB đi vào hoạt động từ tháng 10.2009, đã duy trì vận hành 100% công suất thiết kế để phục vụ các công trình thủy điện trong và ngoài tỉnh như: Thủy điện Lai Châu, thủy điện Nậm Na 1, Nậm Na 2, Nậm Na 3 – tỉnh Lai Châu; thủy điện Nậm Mức, Mậm He – tỉnh Điện Biên; thủy điện Tà Cọ – tỉnh Sơn La và một số công trình, dự án công nghiệp, dân dụng trên địa bàn tỉnh.
Từ cuối năm 2009, UBND tỉnh Điện Biên đã có CV nêu rõ: “Về chủ trương UBND tỉnh khuyến khích sử dụng các loại VLXD có chất lượng, giá cả cạnh tranh và phù hợp với quy chuẩn trong thi công các công trình nhằm giảm chi phí đầu tư và đảm bảo chất lượng công trình, nhất là các công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Việc sử dụng ximăng Điện Biên trong thi công các công trình sẽ tác động tích cực đối với mục tiêu kích cầu phát triển sản xuất công nghiệp, tạo việc làm và tăng thu cho ngân sách địa phương”.
Mặc dù “đánh đông, dẹp bắc” như vậy và được sự ủng hộ của UBND tỉnh, nhưng đến nay ximăng Điện Biên vẫn thua ngay trên sân nhà. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh – Giám đốc Cty ximăng Điện Biên: “Thực tế cho đến nay, ximăng Điện Biên đã cơ bản khẳng định được thương hiệu và vị trí trên thị trường; giá thành tại thời điểm hiện nay thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại từ 450 đến 500 nghìn đồng/tấn. Tuy nhiên, hiện nay các công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được ban QLDA và chủ đầu tư cho phép sử dụng ximăng Điện Biên, điều này đã gây lãng phí đáng kể nguồn ngân sách hằng năm”.
Theo ông Nguyễn Vân Chương – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên: “Bên UBND tỉnh đã tính toán, nếu các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách sử dụng ximăng Điện Biên sản xuất tại chỗ, mỗi năm tỉnh sẽ tiết kiệm khoảng 100 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn không nhỏ để đầu tư vào các công trình khác cấp thiết trên địa bàn”.
Sản phẩm của Nhà máy Xi măng Điện Biên được lựa chọn sử dụng tại nhiều thủy điện vùng Tây Bắc. Ảnh: Báo Xây dựng.
Không sử dụng vì chất lượng kém(?!)
Đó là câu trả lời “thẳng” của một số lãnh đạo sở của tỉnh Điện Biên với PV khi trả lời câu hỏi: Sở đã thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về khuyến khích sử dụng ximăng Điện Biên như thế nào? 
Ông Nguyễn Đình Giang – Giám đốc Sở GTVT Điện Biên – dứt khoát: “Các công trình giao thông đòi hỏi phải sử dụng ximăng chất lượng cao. Đối với ximăng Điện Biên, chất lượng chưa đạt yêu cầu. Đối với ngành tôi, thực sự là tôi chưa dám cho dùng”.
Còn ông Lê Văn Biên – Phó Giám đốc Sở KHĐT Điện Biên – khẳng định: “Nếu chất lượng anh tốt, giá anh rẻ thì người ta sẽ dùng, nhưng bây giờ giá của anh cũng rẻ nhưng chất lượng không tốt thì người ta không dùng mình không bắt người ta được”. Mặc dù khẳng định vậy, nhưng ông Lê Văn Biên vẫn cung cấp cho PV một CV của Sở KHĐT Điện Biên “về việc khuyến khích sử dụng ximăng của Cty CP ximăng Điện Biên”(?!).
Nói về mâu thuẫn về việc UBND tỉnh Điện Biên khuyến khích sử dụng ximăng Điện Biên, trong khi một số lãnh đạo sở trong tỉnh lại cho rằng “ximăng Điện Biên chưa đạt chất lượng”, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Vân Chương đã đặt câu hỏi: “Việc cho rằng ximăng Điện Biên chưa đạt chất lượng, vậy thủy điện Lai Châu – thủy điện quốc gia đã sử dụng lại không bằng mấy cái cầu đường nhỏ trong tỉnh này à?”. Ông Chương nói tiếp: “Việc một số ngành chưa vào cuộc đặt ra câu hỏi phải chăng có sự tồn tại về quyền lợi, lợi ích nhóm?”.
Ông Chương lý giải: “Giá quyết toán của ximăng ngoài tỉnh cộng với cước phụ phí là 20 (2 triệu đồng/tấn), còn ximăng Điện Biên là 14 (1,4 triệu đồng/tấn) lại được trợ giá vận chuyển 100 nghìn đồng/tấn nhưng người ta vẫn không thích dùng. Bởi lẽ 5% của 14 (nếu có) nó cũng khác với 5% của 20. Vậy thì tiền nhà nước, tôi sợ gì mà không quyết lấy 5% của cái 20(?!)”.
Đỗ Văn
Theo Lao Động

 

 

Bình luận (0)