Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tập trung gỡ “nút thắt” vay vốn cho doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Đến nay, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) khi tiếp cận vốn, hạ lãi suất đối với khoản vay cũ, cho vay đầu tư bất động sản… đã hết sức mở. Nhưng người đứng đầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, nhiều DN nhỏ và vừa vẫn than khó khi tiếp cận vốn.

Vì vậy, Hội nghị đối thoại ngân hàng và DN do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 20/7 được xem là cuộc gặp “ba mặt, một lời” giữa Thống đốc NHNN, DN và các ngân hàng để tháo gỡ những khó khăn trên.

Nỗ lực đưa khoản vay cũ về mức lãi suất 15%
Để “giải cứu” DN cũng như bảo toàn phần vốn cho vay của ngân hàng, tại cuộc họp sơ kết ngành ngân hàng ngày 7/7, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các ngân hàng đưa lãi suất những khoản vay cũ về dưới 15%/năm trên toàn hệ thống kể từ ngày 15/7 trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng rất thấp mà DN lại “khát” vốn.

Giao dịch tại Hội sở Vietcombank sau khi đã điều chỉnh lãi suất. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Do vậy, tại lần đối thoại này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, các DN cũng như dư luận rất quan tâm là đến nay, việc thực hiện Chỉ thị trên có thực sự nghiêm túc.
Theo Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc chi nhánh NHNN tại Hà Nội, sau khi có chỉ đạo của Thống đốc, chi nhánh Hà Nội đã yêu cầu 12 ngân hàng và 8 tổ chức tài chính trên địa bàn tiến hành giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15% từ ngày 15/7. Đại diện Chi nhánh NHNN Hà Nội cho biết: Đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã giảm được 30 – 50% tổng số các hợp đồng vay được áp dụng mức lãi suất cũ trên 15%. Riêng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã giảm lãi suất đối với 100% các khoản vay cũ. Các ngân hàng khác đang rà soát và cố gắng trong tháng 7/2012 sẽ hoàn tất đưa lãi suất của các khoản vay cũ về mức 15%.
Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều DN, các ngân hàng quốc doanh đã chấp hành nghiêm túc vấn đề này nhưng một số ngân hàng cổ phần vẫn chưa thực hiện.
Mặt khác, bà Nguyễn Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH LEXIM, chuyên kinh doanh máy móc thiết bị công trình lại băn khoăn về việc mức lãi suất 15% sẽ được giữ ổn định trong bao lâu; quy trình, thủ tục vay vốn tại chi nhánh của một ngân hàng lớn ở Hà Nội cho dù DN có dự án khả thi, có tài sản đảm bảo nhưng vẫn khá phức tạp…
Chia sẻ vấn đề này, Thống đốc Bình đã đề nghị, lãnh đạo chi nhánh ngân hàng mà LEXIM đang muốn vay kiểm tra ngay hồ sơ vay vốn và trong 2 ngày nữa phải trả lời dứt khoát có cho DN vay hay không. “Hiện nay, các ngân hàng đang cạnh tranh rất gay gắt. LEXIM không có nợ quá hạn, ít nhất là khách hàng loại A mà các ngân hàng đang săn tìm để cho vay. Nếu LEXIM thấy chi nhánh ngân hàng đó không mặn mà cho vay, hay ngân hàng nào đối xử không tốt, DN có thể chuyển sang vay vốn ở ngân hàng khác”, Ông Bình nhấn mạnh.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà nói: “Khoản cho vay cũ đang được các ngân hàng thương mại đưa về mức 15%/năm. Các ngân hàng quốc doanh đã thực hiện tốt nhưng ngân hàng cổ phần thì chưa. Hiện nay, DN mong lãi suất 10% là phù hợp, về lâu dài có thể điều tiết phù hợp hơn”.
Trước những phản ánh của một số DN về việc có ngân hàng chưa điều chỉnh lãi suất cho vay xuống 15%, Thống đốc đã thừa nhận: “Ở đâu đó còn có hiện tượng ngân hàng chưa hạ lãi suất xuống 15% cho DN. Tuy nhiên, mặc dù các ngân hàng đang tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng cũng không vì thế mà “cứu DN bằng mọi giá”.
Người đứng đầu NHNN này cho rằng: Nhiều năm qua do việc kiểm soát tình hình tài chính tương đối cởi mở nên không ít DN sử dụng vốn ngân hàng không đúng mục đích và chưa hiệu quả, khả năng trả nợ khó khăn… Vì thế, bên cạnh các giải pháp trước mắt tháo gỡ khó khăn cho DN để đảm bảo tăng trưởng kinh tế thì cần phải tái cấu trúc cả doanh nghiệp và ngân hàng. “DN nào có điều kiện phát triển tốt, hiệu quả kinh doanh tốt thì vốn của ngân hàng phải tập trung vào đó, có như vậy thì mới tạo ra động lực cho nền kinh tế. Với những DN dù có qua khỏi khó khăn nhưng vẫn khó sống trong tương lai thì ngân hàng cũng không nên cứu bằng mọi giá”, Thống đốc Bình nói.
Đại diện NHNN cho rằng: Nếu để bắt buộc ngân hàng phải hạ lãi suất xuống dưới 15%/năm theo quy định nào của pháp luật thì không có. Tuy nhiên thông qua đề nghị của NHNN thì hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã cam kết cố gắng để hạ lãi suất. NHNN cũng cam kết với các DN lãi suất sẽ ổn định ở mức 15%/năm và cố gắng xuống thấp hơn trong ít nhất 1 năm để các DN dự báo được và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Khó khăn với nguồn vốn vay trung, dài hạn
Mặc dù đang có quyền lựa chọn ngân hàng nhưng ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Intimex cũng thừa nhận: Các DN nhỏ và vừa vay được ngân hàng rất khó, kể cả trong lĩnh vực nông sản. Vấn đề vay trung hạn và dài hạn để đầu tư nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn.
Giải đáp về vấn đề các DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn khó khăn, đặc biệt trong tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phát triển nên nguồn vốn trung và dài hạn rất quan trọng. NHNN đã quy định các ngân hàng chỉ dành 30% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn. Tuy nhiên thực tế, các ngân hàng đã sử dụng tới hơn 40% vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Thống đốc cũng chia sẻ, hiện nay NHNN thực hiện cả 2 vai điều hành trong thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Điều này nặng và khó quản lý vì trong thực tế, hệ thống NH chỉ cho vay ngắn hạn còn thị trường vốn sẽ cho vay trung và dài hạn. Trong thời gian tới, NHNN cũng sẽ khuyến khích các NHTM cho vay trung và dài hạn tuy nhiên cũng phải theo khả năng của các NHTM. Cùng với đó, các DN cũng cần có những kế hoạch kinh doanh cũng như quy hoạch ngành nghề cho dài hạn và khoa học.
Thống đốc Bình cũng phải thừa nhận là bản thân DN nhỏ và vừa của Việt Nam còn yếu kém, năng lực hạn chế nên rất khó để có thể tiếp cận được các nguồn tín dụng do chưa đạt đến các tiêu chí để cho vay. Thời gian tới cần phát huy hiệu quả hơn nữa các quỹ bảo lãnh, hỗ trợ cho các DNNVV.
Đại diện Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà cũng đồng tình nói: “DN lớn tiếp cận vốn không quá khó khăn nhưng với những DN nhỏ và vừa thì tiếp cận vốn rất khó. Vì vậy ngân hàng nên xem xét cho những DN này vay tín chấp thay vì phải đảm bảo bằng tài sản thế chấp”.
Bên cạnh những sẻ chia về khó khăn và đưa ra các giải pháp tháo gỡ cho các DN nhỏ và vừa, người đứng đầu NHNN cũng phải thẳng thắn thừa nhận khu vực này có nhiều DN yếu kém và kinh doanh có nhiều rủi ro lớn. “Đã có DN nhỏ gửi thư cho tôi, vốn có 5 triệu mà vay 3 tỷ và đã tiêu hết, giờ lại muốn vay 3 tỷ nữa thì chịu”, ông Bình đưa ra ví dụ.

Minh Phương
Theo Báo Tin Tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)