Từ đầu tháng 8 -2012, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng để giúp nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đến nay người nuôi cá và các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù gói hỗ trợ này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu vốn của người nuôi và các doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến cá tra xuất khẩu ở khu vực ĐBSCL nhưng việc chậm giải ngân cũng đồng nghĩa với việc để con cá tra tự vật lộn trên thương trường. Hàng loạt ao hầm nuôi cá đang bị treo vì người nuôi thua lỗ, còn các DN thì đứng ngồi chẳng yên vì khát vốn.
Còn ai dám nuôi cá tra nữa!
Ngay sau khi có thông tin Chính phủ thông qua gói hỗ trợ tín dụng này, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã nhích lên và đứng ở mức từ 23.000-23.500 đồng/kg. Với giá này, người nuôi vẫn lỗ trên 2.000 đồng/kg.
Nhiều hộ nuôi cá tra ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ cho biết do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh cộng với lãi suất ngân hàng (NH) còn cao nên rất khó duy trì nghề nuôi. Một số hộ đang cạn vốn buộc phải cho cá tra ăn thức ăn tự chế để giảm chi phí và có thể cầm cự qua ngày.
Đã vậy, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lại vừa công bố mức giá mới theo hướng tăng thêm khoảng 300 đồng/kg. Thực tế này làm cho người nuôi cá thêm gánh nặng nợ nần và có nguy cơ bị các NH xiết nợ. Do đó, gói hỗ trợ của Nhà nước rất cần thiết cho bà con trong lúc khó khăn này.
Ông Đoàn Văn Trung, ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành – An Giang, cho biết gia đình ông vừa bán 300 tấn cá tra với giá 23.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi khoảng 25.500 đồng/kg. Tính ra, vụ này ông lỗ không dưới 600 triệu đồng. “Cứ lỗ lã hoài như thế này thì sẽ không còn ai dám nuôi cá tra nữa. Thấy mình làm ăn như vậy nên NH không dám cho vay cũng là chuyện đương nhiên. Còn gói hỗ trợ thì cũng chẳng thấy đâu” – ông Trung than.
Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến cá tra xuất khẩu tỉnh An Giang, ngay cả khi gói hỗ trợ tín dụng được triển khai thực hiện thì hộ nuôi cá nhỏ lẻ cũng… đừng mong. Bởi trong thời gian dài chịu lỗ, hầu như họ đã đem tài sản thế chấp hết.
Trong khi đó, theo quy định, người nuôi hay DN đều phải có tài sản bảo đảm thì NH mới có thể giải ngân.Tốt nhất là bà con nên nuôi loại cá khác, đem bán ở chợ cho chắc ăn hơn, chứ cứ đeo hoài theo cá tra, không sớm thì muộn sẽ bán hết tài sản mà trả nợ.
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL
Tiền ngân hàng còn thừa, nông dân vẫn khát vốn
Một DN xuất khẩu cá tra ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ than: “Chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng về gói hỗ trợ chứ chưa hiểu cụ thể như thế nào và làm gì để tiếp cận được”. Ông còn cho rằng sở dĩ nhiều DN ít quan tâm đến gói hỗ trợ là vì hiện nay rất khó tiếp cận các nguồn vốn do điều kiện vay quá nhiêu khuê.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc NH Nhà nước tỉnh An Giang, cho biết trong khi chờ đợi gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng từ Chính phủ, tỉnh An Giang đã chủ động mời từng DN đến tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu vay vốn. Qua đó, xét thấy DN nào còn khả thi, NH sẽ hướng dẫn làm thủ tục cho vay vốn.
“Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, chúng tôi đang thực hiện cho vay vốn bình thường như từ trước đến nay. Tính đến tháng 7-2012, dư nợ cho vay nuôi trồng và chế biến thủy sản trong toàn tỉnh lên đến 5.944 tỉ đồng” – bà Tâm nói.
Gói hỗ trợ này rất quan trọng đối với người nuôi và DN chế biến xuất khẩu cá tra nên cần phải được triển khai thực hiện nhanh. Tuy nhiên, hiện nông dân và DN đang gặp khó vì điều kiện phải có tài sản thế chấp.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết
(Giám đốc Sở Công Thương An Giang) |
Bài và ảnh: THỐT NỐT (NLĐ)
Bình luận (0)