Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng trăm cổ phiếu giá rẻ như rau

Tạp Chí Giáo Dục

Trên 2 sàn, thường xuyên xuất hiện trên dưới 200 mã có giá giao dịch thấp hơn 5.000 đồng. Đây không phải loại hàng nhiều nhà đầu tư an tâm rót vốn.

2 sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM hiện có khoảng 700 mã niêm yết. Tính theo giá đóng cửa phiên 10/10, sàn Hà Nội (HNX) có 135 mã giá dưới 5.000 đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 11,5 triệu cổ phiếu, chiếm 40% toàn sàn. Trong đó riêng PVX, DCS và SHS được các nhà đầu tư mua bán mạnh nhất, chiếm gần một nửa tổng khối lượng giao dịch toàn bộ cổ phiếu giá rẻ.

Sàn TP HCM (HOSE) có 65 mã thị giá dưới 5.000 đồng, tính theo giá phiên 10/10, khối lượng giao dịch ước tính 10,5 triệu cổ phiếu, chiếm gần một phần tư khối lượng toàn sàn. Trong đó, lượng cổ phiếu của ITA giao dịch chiếm tới gần một nửa.

Theo các nhà đầu tư, cổ phiếu giá rẻ như vậy hầu hết đều phản ánh đúng tình trạng sức khỏe công ty và chỉ dành cho những đối tượng ưa mạo hiểm.

Anh Hùng – nhà đầu tư tại một sàn chứng khoán lớn trên đường Láng Hạ – Hà Nội vừa bán xong một loạt cổ phiếu và đang "săn" những mã mới. Theo nhận định của anh, thời điểm này rất nhạy cảm để nhảy vào thị trường, bởi xu hướng tăng giảm rất khó đoán. "Giá nhiều cổ phiếu đã xuống rất thấp, tôi cho rằng, đây vừa là cơ hội cho những nhà đầu tư bản lĩnh, nhưng cũng là thời điểm thử thách ý chí của họ", anh Hùng nói.

4 năm lăn lộn trên thị trường cổ phiếu mà theo anh là thua nhiều hơn được, nhà đầu tư này chia sẻ, thị trường chứng khoán đang phản ánh khá đúng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Anh Hùng nhận định: "Chơi cổ phiếu giá thấp bây giờ là mạo hiểm, bởi công ty dễ phá sản".

Cùng quan điểm trên, anh Dũng, nhà đầu tư và cũng là một nhân viên tư vấn chứng khoán cho rằng: "Trong giai đoạn này, kể cả đến đầu năm 2013, tình hình vĩ mô cũng chưa thấy có nhiều biến động tích cực, thị trường vẫn đang có nhiều những thông tin xấu, đầu tư vào những cổ phiếu giá thấp như thế có nguy cơ là mất trắng luôn".

"Giả sử trị giá doanh nghiệp còn mấy trăm đồng, tới 1.000 đồng, thì bản thân doanh nghiệp đó rõ ràng đã làm ăn thua lỗ hết cả vốn chủ rồi, đồng thời cái nợ của nó cao lắm. Nếu các đơn vị này tuyên bố phá sản thì nghĩa vụ trả nợ của nó cũng ngốn hết những gì còn lại của doanh nghiệp rồi, còn đâu trả cho cổ đông", nhà đầu tư này phân tích.

Thực tế kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp niêm yết có thị giá thấp cũng khá bi bét. Kết thúc 6 tháng, Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô (mã: DDM) kinh doanh lỗ gần 11,5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến hết tháng 6 đạt gần 68,75 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 18,74 tỷ đồng.

Đồng thời, công ty có nợ ngắn hạn lên tới 337,4 tỷ đồng còn tài sản ngắn hạn chỉ có 55,64 tỷ đồng. Mới đây, Hàng hải Đông Đô thông báo triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường để bàn việc bán các tàu container chuyên dụng Đông Du/Đông Mai nhằm thanh toán các khoản nợ. Chốt phiên giao dịch 10/10, cổ phiếu này có giá 1.500 đồng.

Còn với Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (mã: THV) từ quý III/2011 tới nay, đơn vị này thường xuyên thua lỗ, lỗ lũy kế lên tới 430 tỷ đồng, chiếm tới 75% vốn điều lệ. Chưa hết, báo cáo tài chính quý II mới đây còn cho thấy Thái Hòa nguy ngập về tài chính khi đối diện với áp lực nợ ngắn hạn phải trả lên tới 1.015 tỷ đồng, lớn gấp 6 lần vốn chủ sở hữu. Cổ phiếu THV đóng cửa phiên hôm qua ở giá 1.100 đồng.

Nhìn nhận về cổ phiếu có thị giá thấp, ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc phân tích Quỹ Sài gòn Hà Nội (SHF) phân tích, ở đây có 2 loại cổ phiếu giá thấp. Loại thứ nhất, giá thấp vì bản thân kinh doanh kém, tất nhiên nhà đầu tư không thể mạo hiểm.

Loại thứ hai, theo ông Đức, cổ phiếu giá thấp nhưng các chỉ tiêu như Hệ số giá trên thu nhập (P/E), Hiệu năng trên giá cả (P/P), lợi nhuận và tỷ lệ cổ tức vẫn tăng hoặc ổn định qua các năm, thì đây là do tâm lý thị trường, và có thể là cơ hội tốt cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Đức khẳng định, hiện, thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu cũng phán ánh khá chính xác với kết quả kinh doanh của doanh nghiêp. Nhưng, vị này còn cho rằng, "thị trường chứng khoán hiện tại vàng thau vẫn lẫn lộn" và "nhà đầu tư cần có tiêu chí cụ thể để mua hay bán cổ phiếu, thị giá chỉ là một phần".

Tiến sĩ Alan Phan cũng cho rằng giá cổ phiếu chỉ là một phần trong quyết định đầu tư. "Tôi cho rằng, mấu chốt ở đây là khả năng sinh lợi của cổ phiếu trong tương lai, chứ không phải là thị giá trước mắt", ông nói.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận trong một thị trường minh bạch, giá cổ phiếu thường phản ánh đầy đủ sức khỏe của doanh nghiệp và có thể tham khảo thông tin đó trong quyết định đầu tư. Ông vẫn giữ quan điểm trong thời gian này không đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, dù có đắt hay rẻ.

"Tôi không thể đầu tư ở một thị trường mà mọi thông tin đều như trong sương mù", vị tiến sĩ này lý giải.

Theo Hàn Phi – Tường Vi (VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)