Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tấm lòng của doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp nối thành công của chương trình "Quỹ 3 triệu ly sữa cho trẻ em Việt Nam" năm 2008, ngày 28/3/2009 Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam và công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đã chính thức khởi động chương trình "Quỹ 6 triệu ly sữa cho trẻ em Việt Nam" diễn ra từ 1/4 – 30/11/2009. DĐDN có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam.
Đây là một chương trình rất có ý nghĩa xã hội, bà có thể cho biết những tác động cụ thể của chương trình tới xã hội ?
Trước hết, chương trình này thay đổi về nhận thức trong mỗi gia đình có con nhỏ về việc dinh dưỡng đối với trẻ em, nhất là ở những tuổi cần được uống sữa. Nhiều gia đình có điều kiện, nhưng không có thói quen cho con uống sữa, không hiểu hết được tầm quan trọng của việc trẻ em uống sữa đến trí tuệ và thể lực của các em. Do vậy, họ không quen cho con em mình dùng sữa. Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã bỏ ra 25 tỷ đồng trong năm nay để cùng thực hiện chương trình này, và những nhà tài trợ khác đã đem đến những ly sữa miễn phí cho trẻ em nghèo. Đây là một chương trình mang ý nghĩa xã hội, nhân văn rất lớn.
– Với cương vị Chủ tịch Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, sau 2 năm thực hiện chương trình, bà hi vọng gì về Quỹ này ?
Chúng tôi cùng với Vinamilk là những người sáng lập ra quỹ này và đã thực hiện thành công. Nếu được sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng, quỹ sẽ thành công hơn nữa. Dù chương trình mới thực hiện được 2 năm, nhưng chúng tôi hi vọng chương trình sẽ được mở rộng hơn, hướng tới trẻ em nghèo trong cả nước. Chúng ta đã đưa được nhiều ly sữa miễn phí cho trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng chúng tôi mong muốn không chỉ trẻ em nghèo tiểu học mà những em bé mẫu giáo nhà nghèo cũng sẽ được hưởng thụ ly sữa miễn phí nhằm nâng cao thể lực, trí tuệ của các em, giúp trẻ em Việt Nam thế hệ sau không bị suy dinh dưỡng… Có thể nói có rất nhiều hiệu quả đem lại từ chương trình này.  
Trong năm 2009, Quỹ Bảo trợ Trẻ em sẽ trao tặng 6 triệu ly sữa, trị giá tương đương 25 tỷ đồng cho tổng số 48.000 trẻ em trên khắp Việt Nam. Mỗi trẻ em thụ hưởng chương trình được uống sữa Vinamilk 2 lần mỗi ngày trong 2 tháng liên tục. Viện dinh dưỡng Việt Nam độc lập tiến hành đo lường sự cải thiện về mặt thể chất của trẻ em được thụ hưởng chương trình: cân nặng, chiều cao, chỉ số dinh dưỡng..
Mục tiêu của chúng tôi là để tất  cả trẻ em Việt Nam đều được uống sữa. Trước mắt, chúng tôi hướng tới trẻ em gia đình nghèo. Tôi được nghe những ly sữa đã lên đến tận cao nguyên đá Lũng Cú (Hà Giang). Được biết, ông bà của những đứa trẻ rưng rưng khi lần đầu tiên được cho các cháu của mình uống những ly sữa này. Việc cho trẻ em Việt Nam được uống sữa là trách nhiệm của chúng ta, chứ không phải là ước mơ nữa. Tôi tin rằng, sau 2 năm thực hiện chương trình này, sẽ không dừng lại ở 6 triệu ly sữa, con số này còn nhiều hơn nữa. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được trong thời gian sắp tới, cùng với sự chung tay của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp. Tôi đang mong muốn đề xuất với Nhà nước chương trình "Sữa học đường" cho trẻ em, học sinh nghèo bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tôi ghi nhận và coi đây là tấm lòng của Vinamilk, một trong những doanh nghiệp đã đi đầu trong việc chia sẻ lợi nhuận cùng với cộng đồng. Tôi tin rằng, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp cũng sẽ có tấm lòng, hướng tới trẻ em nghèo Việt Nam.
Từ điển hình là doanh nghiệp Vinamilk tiên phong tham gia chương trình, bà đánh giá thế nào về việc các doanh nghiệp mong muốn chia sẻ, chung tay với cộng đồng?
Đó là tấm lòng của họ, trong khả năng của doanh nghiệp mình. Họ sắp xếp được trong chi phí, trong lợi nhuận của mình dành một phần để đóng góp cho xã hội, có trách nhiệm với xã hội. Điển hình là Vinamilk, họ đã làm việc này hoàn toàn tự nguyện. Họ phải đảm bảo nghĩa vụ của một doanh nghiệp, phát triển kinh doanh, việc họ trích ra một phần lợi nhuận để chia sẻ với cộng đồng là một nghĩa cử đẹp, rất cần được phát huy và nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
– Xin cảm ơn bà ! 
Bảo Tuấn (dddn)
 

Bình luận (0)