Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chim trời đe dọa ‘chim sắt’

Tạp Chí Giáo Dục

Đang bon bon trên trời, bỗng nhiên chiếc máy bay “tối sầm mặt mũi” do tông phải những chú chim đang bay nhởn nhơ giữa trời. Việc va chạm giữa chim trời và “chim sắt” có khi đã khiến các hãng hàng không thiệt hại cả triệu USD.

Tốn cả triệu USD vì chim trời

Mới đây, một chiếc máy bay của hãng hàng không VietJetAir (VJA) buộc phải tạm ngừng hoạt động và đưa đi bảo dưỡng kỹ thuật sau khi xảy ra sự cố bị chim trời va vào động cơ.

Cách đó hơn khoảng một tuần, một chiếc máy bay của hãng này cũng gặp sự cố tương tự khi bay trên trời bị chim va vào động cơ.
 
Những chú chim trời luôn đe dọa an ninh hàng không – Ảnh: Mai Vọng
Hai sự cố trên không gây ra nhiều thiệt hại cho VJA nhưng ảnh hưởng rất lớn tới lịch trình bay của hãng do hãng phải đưa máy bay đi kiểm tra.
Đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) cho hay sự cố máy bay va phải chim trời đe dọa tất cả các hãng hàng không.
Cách đây vài tháng, một chiếc máy bay của JP đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất bỗng va vào chú chim trời. Cú va mạnh đến nỗi động cơ chiếc máy bay hỏng nặng buộc lòng hãng phải đưa động cơ máy bay qua Singapore sửa chữa.
“Trước đây khi các sân bay chưa có hệ thống xua chim, một năm máy bay của hãng va chạm khá nhiều với chim nhưng nay thì ít hơn. Chim trời luôn là mối đe dọa tiềm tàng đối với máy bay”, đại diện JP khẳng định.
Giám đốc một hãng hàng không cho biết có lần hãng phải móc hầu bao cả triệu USD để đưa động cơ máy bay sang Singapore. Lần đó, khi chiếc máy bay của hãng đang chuẩn bị hạ cánh bỗng nhiên những chú chim trời lao vào phá hỏng nguyên cả động cơ bên trái máy bay.
Số vụ va chạm giảm nhưng khó tránh khỏi
Hai vụ máy bay va vào chim trời gần đây đã khiến VJA lo lắng bởi mỗi lần va chạm dù nặng hay nhẹ hãng cũng phải đưa máy bay đi kiểm tra bảo dưỡng rất tốn kém và ảnh hưởng rất lớn tới lịch trình bay của hãng.
Đại diện các hãng hàng không cho hay máy bay có thể va vào chim trời cả trong quá trình cất, hạ cánh và khi đang bay trên bầu trời.
Tuy nhiên, khi cất và hạ cánh, chim trời dễ đe dọa máy bay nhất bởi lúc này cánh quạt ở động cơ hai bên máy bay hoạt động rất mạnh, dễ hút những chú chim trời đang lang thang “dạo chơi” gần đó.
Mỗi khi máy bay va vào chim thì ít nhiều chiếc máy bay cũng bị thiệt hại. Nhẹ nhất là làm móp méo vỏ bên ngoài còn nặng hơn là những chú chim “chui” luôn vào trong phá nguyên cả động cơ.
Do kết cấu bên trong động cơ phản lực của máy bay rất tinh vi. Cho nên khi bị chim va đập, dù cho các chi tiết của động cơ không bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng quá trình làm việc của động cơ sẽ bị ảnh hưởng nặng, thậm chí buộc phải ngừng làm việc.
Đại diện hãng JP khẳng định các hãng hàng không luôn đưa yếu tố an toàn lên đầu tiên. Do đó, trước mỗi sự cố dù nặng hay nhẹ, hãng phải lập tức dừng bay để đưa máy bay đi kiểm tra, bảo dưỡng.
“Không phải ai cũng được động vào động cơ máy bay mà đó phải là những kỹ sư được các tổ chức hàng không cấp phép chứng chỉ. Chứng chỉ ở cấp độ nào được sửa ở cấp độ đó. Việc sửa chữa, bảo dưỡng được thực hiện tỉ mỉ đến từng con vít”, đại diện JP nói.
Đại diện JP cho hay hiện các hãng hàng không trong nước mới chỉ bảo dưỡng được các lỗi nhẹ còn các hư hỏng nặng dứt khoát phải đưa máy bay hay đưa động cơ sang Singapore sửa chữa. Thậm chí có những hư hỏng bắt buộc phải nhờ chuyên gia hãng sản xuất khắc phục.
Để đối phó với nguy hiểm rình rập từ động vật, một số sân bay trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp giảm nguy cơ va chạm giữa máy bay và chim. Chẳng hạn như không trồng nhiều cây gần sân bay vì chim có thể làm tổ hoặc nghỉ ngơi trên cây.
Đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam cho hay để hạn chế chim va đập vào máy bay, các sân bay ở Việt Nam thường xuyên phát quang cỏ, bụi rậm ở sân bay để không tạo môi trường sống cho chim trời.
“Các sân bay còn có cả một chương trình xua đuổi chim, thậm chí là lên phương án mua máy phát sóng xua chim nhưng hiện chưa mua máy do chưa cần thiết vì số vụ va chạm giữa chim và máy đang giảm”, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam nói.
Chuột bạch, chó đá và diều từng đe dọa tàu bay
Ngoài hiểm họa chim trời, máy bay cũng bị đe dọa bởi các hành động thả diều ở sân bay, thậm chí cả chó đá hay những chú chuột bé xíu cũng gây mất an toàn bay.
Máy bay của Vietnam Airlines từng bị trễ chuyến nhiều giờ khi phi hành đoàn phát hiện một chú chuột bạch xuất hiện trong khoang hành khách. Hay như một chiếc máy bay của Indochina Airlines trước đây phải hủy chuyến sau khi một kiện hàng chứa con chó đá va vào cửa tầng hàng gây ra hai vết lõm.
Đã từng xảy ra việc thả diều ở sân bay Rạch Giá (Kiên Giang) và Đà Nẵng khiến máy bay không dám cất hạ cánh, kéo theo sự trễ chuyến của nhiều máy bay khác.
Đình Quân (TNO)

Bình luận (0)