Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nghề lạ mùa cưới

Tạp Chí Giáo Dục

Một đội hình đỡ tráp đẹp "long lanh" phải là những người làm nghề "chuyên nghiệp".

Mùa cưới cuối năm đã rộn ràng, mùa việc làm thời vụ ăn theo cũng thực sự nhộn nhịp. Những nghề độc chỉ có trong lễ cưới được học sinh, sinh viên rất chuộng bởi công việc nhẹ nhàng, thu nhập khá cao và không bị gò bó về thời gian.

Mỉm cười và cúi chào

Họ là những chàng trai, cô gái trang phục duyên dáng áo dài, khăn xếp hoặc lịch sự với váy trắng, vest đen… đứng chào ở cổng đón khách trong những bữa tiệc cưới ở nhà hàng, khách sạn lớn. Công việc tưởng đơn giản nhưng để có được nó, họ đã trải qua vòng loại khá gắt gao về ngoại hình, trình độ học vấn, khả năng giao tiếp, thậm chí cả ngoại ngữ.

Hoàng Thạnh, SV ngành nhà hàng – khách sạn, ĐH Tôn Đức Thắng – người có hơn 1 năm chuyên tuyển chọn dàn khánh tiết cho lễ cưới chia sẻ: "Các nhà hàng, khách sạn lớn ở TPHCM đều muốn tuyển SV vào đội dàn chào bởi họ đạt được nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Nắm bắt được nhu cầu đó, tôi cùng 2 người bạn đã hùn vốn, tổ chức một đội chuyên cung cấp dịch vụ khánh tiết trong lễ cưới".

Sau 1 năm hoạt động, đội của Thạnh dao động từ 50 – 70 người, lúc cao điểm lên đến gần 100, chủ yếu là SV các trường ĐH. Tùy vào quy mô của nhà hàng, khách sạn, mức lương 1 ca làm từ 100 – 150 nghìn đồng.

Nguyễn Minh Huệ, khoa Xã hội học, ĐH Văn Hiến cho biết: "Làm nghề này không mất nhiều thời gian, không phải bỏ nhiều công sức nhưng nhiều lúc như làm dâu trăm họ. Công việc không chỉ có đứng chào mà còn phải chỉ, dẫn đường cho khách có khi cả sắp xếp bàn ghế".

Hiện có khá nhiều "ông, bà chủ SV" lập ra các nhóm chuyên làm dịch vụ lễ cưới, tạo một nghề mới giúp nhiều SV thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Nghề "bán duyên"

Trong lễ ăn hỏi, nếu có một đội hình những cô gái, chàng trai trẻ trung, chiều cao đồng đều thì đến 90% họ là đội ngũ chuyên nghiệp. Theo quan niệm xưa, mỗi lần đỡ tráp là một lần "bán duyên"; mỗi người chỉ được "bán" tối đa 3 lần. Ngày nay, các bạn trẻ không quan niệm như vậy, họ đã phát triển nó thành một nghề làm thêm thú vị, mang lại thu nhập khá.

Lê Trung Dũng, SV ĐH Thương mại Hà Nội, giải thích: "Trước đây, nhiều gia đình thường nhờ người quen đỡ tráp trong lễ ăn hỏi nhưng không phải lúc nào cũng đủ người đảm nhận việc này, nhất là những đôi bạn bè đều đã lập gia đình. Thuê người vừa chủ động vừa có đội hình đẹp". Dũng là người có thâm niên tổ chức đội hình đỡ tráp và liên hệ với các mối cần dịch vụ này.

Nhiều người tổ chức đội đỡ tráp thường đến KTX các trường ĐH để tuyển người. Những ai "lọt mắt xanh" sẽ được tập huấn một số kỹ năng cơ bản về động tác, di chuyển. Nguyễn Thu Hà, SV khoa Việt Nam học, ĐH Sư phạm I Hà Nội chia sẻ: "Công việc này giúp mình có thu nhập ổn định khoảng 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn là dịp để gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp".

"Nghề lạ" mùa cưới không chỉ đem lại thu nhập mà còn là việc làm thêm hấp dẫn đem lại cho các bạn trẻ cơ hội học hỏi và kinh nghiệm làm việc.

 
Linh Nhung (laodong)

Bình luận (0)