Trước khi trở thành tỉ phú, ông Nguyễn Văn Bé (ngụ ấp 7, xã Long Trung, H.Cai Lậy, Tiền Giang) đã từng chèo ghe ngược xuôi mua bán hàng nông sản kiếm sống.
Ông Bé đã nhiều năm thành công với cây sầu riêng – Ảnh: Hoàng Phương |
Thành công với cây sầu riêng
Nhờ lao động cật lực và dành dụm tiền mua đất, năm 2002 ông Bé bắt đầu lên liếp trồng sầu riêng. Lúc đầu, vì không có kinh nghiệm chọn giống nên sau 3 năm chăm sóc, cây sầu riêng cao chừng 4 – 5 m ông buộc phải cắt bỏ để tháp giống Ri-6. Vậy là phải mất thêm 3 năm nữa vườn sầu riêng của ông mới cho huê lợi. Mặc dù làm nông nghiệp chủ yếu bằng phương pháp “tự mò”, nghe ở đâu có người làm vườn giỏi thì tới học hỏi. Vậy mà bây giờ, ông Bé tự hào khoe: “Nhà tôi trồng sầu riêng Ri-6 từ năm 2009 tới giờ chưa bao giờ bị thất bại. Riêng năm nay ước thu nhập khoảng 1,3 tỉ đồng”.
Gia đình ông Bé đang có gần 3 ha vườn. Hôm chúng tôi ghé thăm, vườn sầu riêng nhà ông có 3 công sắp thu hoạch, năng suất ước khoảng 4 tấn/công. Thương lái đã trả giá 38.000 đồng/kg nhưng ông vẫn chưa muốn bán. “Hễ lúc thị trường khan hiếm thì non già gì họ cũng cắt, mà sầu riêng non thì ăn lạt nhách. Còn khi rớt giá thì họ o ép nông dân. Khi họ cắt trái non, vựa không chịu mua thì họ có chiêu đem đổ ra sân rồi lấy bạt đậy lại phơi nắng, mấy tiếng đồng hồ sau gõ kêu bộp bộp thì vựa cân liền. Việc làm này gây ấn tượng xấu cho trái cây của mình, lẽ ra nhà nước phải phạt thật nặng để họ sợ”, ông Bé nói.
Liên quan đến chuyện giá cả trái cây, nông sản luôn bấp bênh, ông Bé nói: “Cái này nhà nước phải nhúng tay vào chứ nông dân đâu làm được. Lao động cực nhọc nhưng giá cả tụt dốc thì chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi đợi vụ khác. Tức nhất là nghe nói trái sầu riêng của Thái Lan xuất khẩu với giá rất cao, trong khi chất lượng không bằng sầu riêng của mình. Sầu riêng mình rất ngon tại sao giá cả cứ bấp bênh, thương lái khống chế giá, muốn lên thì lên, muốn xuống thì xuống”.
Nỗi lo thị trường
Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trồng sầu riêng, nhưng ông Bé cũng lo ngại thị trường bấp bênh và luôn gặp cảnh “ăn được vụ nào hay vụ đó”. Ông kể: “Hồi trước tết vừa rồi, có lúc giá sầu riêng lên mỗi ngày như giá vàng. Từ 37.000 đồng hôm sau lên 40.000 đồng/kg. Hôm sau nữa lại vọt lên 45.000 – 50.000 đồng rồi 52.000 đồng/kg. Lúc đó, tôi đã bán giá 50.000 đồng/kg rồi mà có người còn tới gạ nâng giá 52.000 đồng/kg. Nếu đồng ý thì 20 tấn thêm được 40 triệu đồng. Thường thì sau khi đặt cọc rồi mà giá thị trường lên cao thì thương lái không cho thêm nông dân. Nhưng nếu giá xuống thấp thì họ neo hoài cho sầu riêng rụng mà không cắt buộc nông dân phải giảm giá. Lại có trường hợp họ đặt cọc rồi, mình chỉ cây chín họ không cắt lại đi cắt trái non”.
Theo ông Bé, để sầu riêng có giá thì nông dân nên chủ động cho trái rải vụ, nhất là vụ nghịch. Tuy nhiên, việc xử lý cho sầu riêng ra hoa nghịch vụ rất khó, phải dùng tấm ny lông phủ quanh gốc để cây không thấm nước mưa, đồng thời bơm thoát nước ra ngoài giữ cho mương luôn cạn. Vào mùa mưa sầu riêng ra đọt thường xuyên, nếu đậy gốc không cho thấm nước, cây không ra đọt được thì sẽ ra hoa. Nhưng càng làm nghịch vụ nhiều thì sầu riêng càng mau già cỗi và hay chết vì bệnh xì mủ. Để cứu cây sầu riêng, nông dân đã nghĩ ra cách ngộ nghĩnh là “chích thuốc” cho cây, mỗi năm chích 2 lần. Cách chích thuốc là khoan lỗ vào thân cây đường kính khoảng 6 mm, sâu chừng 4 – 5 cm, bơm thuốc vào rồi dùng ny lông buộc lại.
Theo ông Bé, vì trái cây Việt Nam không có thương hiệu nên thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Trồng cây trúng mùa thì mừng nhưng bán được giá hay không thì rất bấp bênh. Đó là chưa nói việc mua bán cũng rất may rủi vì chỉ có hợp đồng… miệng. “Nhiều trường hợp thương lái tới xem vườn, đặt cọc rồi, nhưng khi giá biến động thì họ sẵn sàng bỏ chạy. Ngoài ra người làm vườn bây giờ còn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: nắng quá làm cây bị cháy lá, lạnh quá thì không ra bông. Nước thủy triều lên cao, thoát không kịp, làm suy cây, không đậu trái”, ông Bé tâm sự.
|
Hoàng Phương
(TNO)
Bình luận (0)