Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Học sinh ít vận động

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Mỗi ngày ngồi trong lớp 8-10 tiết, chưa kể giờ học thêm khiến quỹ thời gian vận động của học sinh bị thu hẹp. Trường sở chật chội, lớp học đông cũng khiến các em không có chỗ chạy nhảy, vui chơi.
Học sinh béo phì – Ảnh: T.T.D.
Một điều tra mới đây của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho thấy tỉ lệ học sinh (HS) tiểu học thừa cân, béo phì tăng cao do HS ở TP vận động quá ít. Theo điều tra ngẫu nhiên ở 15 trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM năm học 2009-2010 của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, chế độ dinh dưỡng quá cao so với nhu cầu, thời gian ngồi một chỗ (học bài, xem phim, chơi game…) quá nhiều trong khi thời gian vận động bị thu hẹp khiến tỉ lệ HS tiểu học bị thừa cân, béo phì lên tới 38,5%, tăng gấp đôi so với năm 2002. Trong số các em bị thừa cân, béo phì, tới 60% có kết quả xét nghiệm bị mỡ trong máu.
Năng lượng nhiều, vận động ít
Giờ ra chơi ở Trường tiểu học Phước Bình, quận 9, TP.HCM. Trong khi HS túa ra sân trường như ong vỡ tổ thì khá nhiều phụ huynh cũng túc trực sẵn ở cổng trường chờ… “tiếp tế” thực phẩm cho con. Qua song sắt của cánh cổng trường đóng im ỉm, một phụ huynh gọi con đến và cắm ống hút vào hộp sữa tươi, đưa vào trong chờ cho đến khi con uống hết. Một vài phụ huynh khác trèo cả lên cổng để đưa bánh, kẹo, có phụ huynh đưa cả đùi gà vào trong cho con. Một phụ huynh cho biết: “Sáng cháu ăn cháo rồi nhưng tới giờ này là đói nên tôi phải bỏ công việc chạy qua cho cháu ăn thêm bánh ngọt và uống sữa”.
Ông Nguyễn Văn Tri – hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10 – cho biết: “Ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm học mới, nhà trường đã trao đổi với phụ huynh lớp 1 về việc nên để trẻ tự làm những việc trong khả năng của các em. Có phụ huynh cõng con từ cổng trường lên đến tầng hai vì sợ con mang cặp nặng. Giờ ra chơi phụ huynh tranh thủ đưa bánh, sữa vào cho con. Nhà trường cũng khuyên phụ huynh không nên cho con đi học thêm vì không thật sự cần thiết, để thời gian cho các cháu vận động, vui chơi”.
Dù vậy, cuộc khảo sát nhỏ tại trường này cho thấy đa số HS chạy “sô” học thêm ngay sau giờ học.
Một HS lớp 3 có vẻ nặng nề và chậm chạp hơn các bạn trong lớp cho biết: “Đến hè con mới được đi chơi một tuần. Còn ngày nào cũng đi học ở trường và buổi tối học thêm. 7g tối về nhà con ôn bài tới 9g tối đi ngủ”. Hỏi về chế độ ăn, em này cho biết mỗi ngày em uống ba hộp sữa tươi, ăn sáng, ăn trưa, ăn xế (lúc 15g với sữa chua, bún riêu), ăn tối và sau đó ăn khuya với cháo gà hoặc mì gói với trứng.
Thiếu nơi vận động
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, ở lứa tuổi tiểu học, thời gian vận động trung bình phải đạt 180 phút/ngày, tối thiểu là 120 phút/ngày. Tuy nhiên theo điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TP, tỉ lệ HS có thời gian vận động tối thiểu vẫn còn quá ít.
Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP, băn khoăn: “Hoạt động thể lực không chỉ là tập thể dục mà còn là vui chơi, làm việc nhà, vận động, đi lại. Nhiều cháu học đến cấp II mà cha mẹ vẫn đút ăn, không để các cháu làm việc nhà. Các cháu đa số được đưa đi học bằng xe máy nên ít được đi bộ mà đi bộ cũng còn quá nguy hiểm. Việc học thêm cũng khiến thời gian HS ngồi một chỗ nhiều, thời gian vận động bị giảm, chưa kể các hoạt động như coi phim, chơi game. Môi trường hoạt động thể thao còn hạn chế: thiếu sân trường, công viên, khu luyện tập cho trẻ. Lớp học với sĩ số đông, các em ít lên bảng hoặc hoạt động nhóm”.
Thực tế, còn quá nhiều cản trở trong việc gia tăng hoạt động thể lực của trẻ. Ở Trường tiểu học Võ Trường Toản – một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của TP.HCM, buổi chiều HS được tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ bóng rổ, bóng đá, bơi lội, cầu lông và bóng bàn ngay tại khu thể thao của trường.
Tuy nhiên đây là một trong số các trường hiếm hoi có diện tích sân trường khá rộng trong khi sĩ số chỉ khoảng 33-35 HS/lớp. Đối với những trường có diện tích hẹp, HS đông thì chuyện tổ chức các hoạt động vận động cho trẻ còn quá khó khăn. Ở nhiều trường như tiểu học Đống Đa, Xóm Chiếu (quận 4), Kim Đồng (Gò Vấp), Trần Quang Khải (quận 1)…, giờ ra chơi HS không thể đủ chỗ chạy nhảy chứ đừng nói đến việc chơi thể thao hay sinh hoạt tập thể. Nhiều em giờ ra chơi cũng ngồi trong lớp.
Ở Trường tiểu học Kim Đồng, do sân chơi hẹp nên nhà trường chỉ có thể tổ chức các hoạt động vận động nhẹ nhàng như tiết học ngoài trời (hai lần/học kỳ) hay dạy võ thuật. Trường cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động tư vấn cho phụ huynh về chế độ dinh dưỡng, chăm sóc con, khuyến khích trẻ vận động và cảnh báo các nguy cơ về thừa cân, béo phì ở trẻ.
Trong khi đó, về phía gia đình, nhiều phụ huynh không tạo điều kiện cho con vận động như làm việc nhà, đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao mà chỉ quan niệm học càng nhiều càng tốt song song với việc cho ăn thật nhiều. “Điều này khiến thời gian tĩnh tại của trẻ quá nhiều, trong khi vận động không đủ dẫn đến thừa cân, béo phì. Phụ huynh cần tạo điều kiện cho con gia tăng các hoạt động thể lực” – bác sĩ Diệp cho biết.
Dễ mắc bệnh
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ HS bị thừa cân, béo phì gia tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, trong đó chủ yếu do chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực chưa hợp lý. Hiện nay HS được cho ăn quá nhiều so với nhu cầu. Các em được ăn quá nhiều vào buổi chiều tối và bữa ăn rất thiếu rau xanh. Các thức uống nhiều đường, trà sữa trân châu, trà chanh, các loại bánh, kẹo, sôcôla cùng các thức ăn nhiều dầu mỡ như gà rán mà các em rất ưa thích là nguyên nhân khiến tích lũy mỡ dẫn đến thừa cân, béo phì. Phụ huynh có quan điểm con càng mập càng tốt”.
Theo bác sĩ Diệp, trẻ béo phì càng sớm càng dễ mắc các bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, thậm chí ung thư sẽ xuất hiện sớm hơn. Về mặt tâm lý, trẻ thừa cân, béo phì dễ mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân dẫn đến khả năng thành công trong học tập và công việc thấp hơn.
Giúp học sinh biết chọn thực phẩm
Từ kết quả khảo sát, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đã triển khai chương trình giáo dục về dinh dưỡng trong trường học.
Những HS được xác định bị thừa cân, béo phì sẽ được giới thiệu đến Trung tâm Dinh dưỡng để khám và tư vấn cho phụ huynh. Với những HS diện nguy cơ thì trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa sẽ được thầy cô hướng dẫn học tập về dinh dưỡng hợp lý, giúp HS biết tự lựa chọn thực phẩm, nhận diện thực phẩm nào là tốt và thực phẩm nào không tốt cho sức khỏe.
Dự án này triển khai từ năm 2008, sau hai năm kết quả đánh giá cho thấy tỉ lệ HS bị béo phì giảm gần 50%, tỉ lệ thừa cân giảm gần 40%. Khi thấy tất cả các chỉ số về dinh dưỡng được cải thiện sau khi có can thiệp, năm 2011 Trung tâm Dinh dưỡng TP và Sở GD-ĐT triển khai cho toàn TP chương trình can thiệp này.
L.TH.H.
Theo LƯU TRANG
(TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)