Bên cạnh việc được tạo môi trường làm việc thuận lợi, bổ nhiệm vào vị trí then chốt, nhân lực công nghệ cao còn được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm riêng cũng như ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân…
Sáng nay, trong buổi giới thiệu Luật Công nghệ cao có hiệu lực 1/7/2009, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến cho rằng, đây là bước quan trọng mở đường cho việc đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao ở Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng trình Thủ tướng ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực công nghệ cao. Ảnh: Hoàng Hà. |
Được Quốc hội thông qua chiều 13/11, Luật Công nghệ cao đề cập chủ yếu tới chính sách của nhà nước đối với ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; các biện pháp chung thúc đẩy ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động công nghệ cao…
Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực này như: tạo môi trường làm việc thuận lợi; chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm; bổ nhiệm vào vị trí then chốt; ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân; tạo điều kiện tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về công nghệ cao; được tôn vinh, khen thưởng…
Giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi để thành lập hoặc tham gia vào doanh nghiệp công nghệ cao. Nhà nước cũng khuyến khích việc đầu tư mạo hiểm cho phát triển loại hình công nghệ này.
Hằng năm, học sinh sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia công nghệ… sẽ được đưa ra nước ngoài bồi dưỡng về công nghệ cao. Các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trường đại học đào tạo nhân lực công nghệ cao được nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo.
Sắp tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành luật này.
Từ những năm 1990, công nghệ cao trong các lĩnh vực Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu và Công nghệ tự động hóa đã trở thành nội dung quan trọng của các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước. Hiện, một số công nghệ hiện đại được ứng dụng thành công như mạng cáp quang, công nghệ GMS, CDMA. Các công nghệ mới như 3G, 4G, Wimax và mobile TV đang được tiếp tục thử nghiệm để đưa vào ứng dụng… |
Tiến Dũng (Theo VNE)
Bình luận (0)