Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Từ học viện JMG-Arsenal-Hoàng Anh Gia Lai nhìn lại bóng đá VN: Dục tốc bất đạt!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đội tuyển U-11 Đắc Lắc nâng cao cúp ở mùa giải năm 2003, nhưng sau đó bị tước chức vô địch do đánh tráo cầu thủ

Một số người quan tâm đến thể thao đã đặt câu hỏi: Đọc xong bốn bài viết về Học viện JMG-Arsenal-HAGL, chúng tôi không thấy nói đến một điều quan trọng nhất, đó là chuyên môn của các cầu thủ nhí này hiện cỡ nào, có vượt trội bạn đồng lứa ở các nơi khác không? Và tương lai bóng đá VN có cất cánh được nhờ nhóm cầu thủ này?

1 Xin bắt đầu từ một chuyện tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với bóng đá, đó là học võ! Với các lò võ nghiêm túc, khi được nhận vào học, những võ sinh ôm mộng ngày một ngày hai sẽ cho chúng bạn biết tay ắt sẽ vô cùng nản chí. Bởi lê thê những năm đầu học võ là học tấn, học những bài quyền chẳng… ăn hiếp được ai. Song song đó là học đạo của con nhà võ. Khi đã có nội lực (sức khỏe), tính tình đã thuần (nhờ học đạo võ), khi ấy người thầy mới bắt đầu cho võ sinh học chiêu thức để có thể phòng thân và ra tay nghĩa hiệp khi thấy chuyện bất bằng…

Tiến sĩ Huỳnh Huy Tuệ, một Việt kiều Nhật đang làm việc tại VN, đã nhấn đi nhấn lại với chúng tôi ý như sau: “Quan điểm của người Nhật trong tất cả mọi việc là không có cái gì nhanh hơn bình thường mà tốt cả”.

Trở lại với chuyện bóng đá, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh thống nhất với điều này khi nói: “Nếu đem đội tuyển U-11, U-13, U-15 VN đi đá với các đội cùng lứa tuổi của nước ngoài, tôi bảo đảm các cầu thủ nhí VN sẽ nhỉnh hơn. Cụ thể, năm 2000, đội U-16 chúng ta đã thắng Trung Quốc, chơi ngang ngửa với Nhật ở Giải U-16 châu Á.

Nhưng lứa tuổi 16 ngày ấy bây giờ là 24 tuổi, nếu đối đầu lại với họ thì sẽ là một khoảng cách xa vời. Điều đó nói lên chuyện gì? Đó là hệ lụy của sự tham lam thành tích của những nhà quản lý bóng đá VN. Tất cả những người làm chuyên môn như chúng tôi đều biết “dục tốc bất đạt”, nhưng tiếng nói đã bị chìm trong cơn sóng ham hố thành tích của những người có chức có quyền”.

2 Trong làng bóng đá thế giới người ta thường ca tụng Hà Lan là vườn ươm bóng đá trẻ tuyệt vời nhất. Quả thật, cả mấy chục năm nay tài năng bóng đá của Hà Lan cứ như sóng xô “lớp sau đè lớp trước”.

Trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra ngày 22-6-2008, chúng tôi đã có một chuyên đề về “Hà Lan-vườn ươm tài năng bóng đá”. Lật lại, mới thấy những gì đang diễn ra ở Học viện JMG-Arsenal-HAGL giống những gì mà Rob de Leedde – một thành viên của LĐBĐ Hà Lan phụ trách bóng đá trẻ – nói về những kinh nghiệm trong đào tạo cho các em thiếu nhi mới nhập môn. Đó là tạo sự đam mê cho các em nhỏ bằng cách đưa cho chúng quả bóng và muốn làm gì tùy thích, đừng cố dạy chúng “phải chơi như thế này, như thế kia” mà hãy để chúng chơi bằng chân trần; là đừng nóng nảy đốt cháy giai đoạn khi nhồi nhét những điều vượt quá sự phát triển tâm sinh lý của trẻ…

Tuy nhiên, những điều hay đó đã không được áp dụng ở bóng đá VN. Thay vào đó, chúng ta làm theo kiểu mà cả ngành thể thao VN đã đúc kết trong bốn chữ: “Đi tắt, đón đầu”!

Chính vì vậy, những người thầy ở Học viện JMG-Arsenal-HAGL một mực cương quyết không cho học trò mình dự các giải đấu trong nước. Ông Nguyễn Văn Vinh chia sẻ: “Nói thật, nếu có đá tôi nghĩ cũng không lại. Bởi như cái cách anh ví von về chuyện học võ, các cầu thủ nhí của chúng tôi hiện chỉ mới học tấn, học đạo. Trong khi đó cầu thủ nhí của các lò khác đã được trang bị chiêu thức từ lâu, đã làu làu các ngón tiểu xảo”.

Đó là ông Vinh chưa nói đến chuyện chẳng ai đảm bảo được các cầu thủ nhí ở các lò nhà nước có đúng tuổi hay không…

3 Nói như vậy, không lẽ chúng ta xóa sổ tất cả các giải U-11, U-13, U-15? Không lẽ trên thế giới không có những giải bóng đá dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng?

Không, thiên hạ vẫn có đủ các giải. Có điều người ta làm bóng đá trẻ nhưng không bị ám ảnh bởi hai chữ “thành tích”. Đừng nói đến châu Âu, châu Mỹ, hay Nhật, Hàn cho xa xôi, ngay người láng giềng Thái Lan, dù chúng ta vỗ ngực cho rằng mình có giải V-League ăn đứt Thai-League, rằng cầu thủ của họ phải sang mình “làm thuê” nhưng bóng đá VN mãi vẫn phía sau họ. Đơn giản bởi người Thái làm công tác đào tạo cầu thủ trẻ tốt hơn VN.

Một câu chuyện thời sự để chứng minh trận thua của đội VN trước Thái Lan (kém hơn đội chủ nhà hai tuổi) ở Giải U-21 quốc tế báo Thanh Niên. Ông Nguyễn Văn Vinh nói: “Trước trận đấu, chúng ta nói quá nhiều đến chuyện phải thắng. Trong khi đó HLV Thái Lan cho rằng mục đích của họ là càng đưa được nhiều cầu thủ vào sân càng tốt. Chừng đó đủ cho thấy cách nhìn của họ đúng đắn hơn, hiện đại hơn”.

Nhưng làm sao để xóa được bệnh hám thành tích của các nhà quản lý thể thao, của các lãnh đạo địa phương? Điều đó thật không dễ chút nào khi hiện nay vẫn còn những buổi lễ xuất quân tiễn các đội thiếu niên nhi đồng đi dự giải mà cứ như ra trận, với những lời chúc quyết thắng của các chú, các bác…

HUY THỌ (theo tuoitre)

Nên thay đi cách làm bóng đá tr

* Ông TRẦN ĐÌNH HUẤN (trưởng bộ môn bóng đá Sở Văn hóa – thể thao và du lịch TP.HCM):

Học viện JMg-Arsenal-Hoàng Anh Gia Lai không muốn đưa cầu thủ trẻ dự giải. Trong khi đó cũng với lứa tuổi này, Học viện bóng đá Scavi lại muốn được thi đấu thường xuyên để thẩm tra năng lực chuyên môn. Không chỉ hai học viện này mà ngay cả nhiều địa phương trong cả nước cũng có cách làm bóng đá trẻ khác nhau. Ba năm qua, khi nhận chức trưởng bộ môn bóng đá TP.HCM, tôi không tổ chức giải U-11 mà thay vào đó là ngày hội bóng đá tuổi thơ, tạo cho trẻ em sân chơi hữu ích và tránh áp lực thành tích với các quận huyện.

Những em có tài năng thật sự qua các ngày hội ấy sẽ được tuyển chọn để tham dự Hội khỏe Phù đổng. Với U-13, tôi đang ấp ủ ý định tổ chức festival bóng đá để các em phô diễn kỹ năng vốn có ban đầu, làm cơ sở gọi vào các lớp năng khiếu tập trung sau này. Theo tôi, ở tuổi 13, tổ chức festival thay cho giải là hợp lý nhất, vì tuổi đó các em đã định hình được tư duy chiến thuật đâu để mà thi đấu theo yêu cầu của HLV. Chúng ta từng sai lầm nghiêm trọng và cũng rất đau buồn khi mất đi tài năng trẻ Trần Thế Vọng (Gia Lai), vậy thì đừng nên lặp lại sai lầm ấy.

* Ông HỒ VĂN CHIÊM (giám đốc điều hành SLNA):

Cũng vì chạy theo thành tích cộng với suy nghĩ tiêu cực của những nhà quản lý trước đây nên SLNA bị “cấm cửa” ở giải U-11 trong ba năm qua vì gian lận tuổi. Ở góc độ quản lý, tôi cho rằng nên duy trì giải U-11 và U-13, nhưng chúng ta cần phải thay đổi cách làm. Thí dụ hãy biến những giải đấu ấy thành ngày hội bóng đá trẻ, thành festival bóng đá để các em thỏa thích trình diễn năng khiếu bẩm sinh. Được vậy, các địa phương sẽ thoát khỏi áp lực thành tích, áp lực phải có huy chương mỗi khi cử đội bóng tham dự giải…

* Ông NGUYỄN HƯNG THÁI (trưởng đoàn bóng đá Nam Định):

Dù có đầy đủ các lớp năng khiếu từ 11 tuổi trở lên, nhưng từ trước tới nay chưa bao giờ chúng tôi cử các đội U-11 hay U-13 dự các giải toàn quốc bởi chúng tôi đào tạo trẻ theo hệ thống, căn cơ, bài bản và có tính chiến lược chứ không đào tạo để chạy theo thành tích. Chỉ đến khi 15 tuổi trở lên, các em mới được dự các giải toàn quốc.

Dưới 15 tuổi, tư duy chiến thuật chưa hình thành, chưa được chuẩn bị hành trang dự giải toàn diện, dễ bị chấn thương nặng, lại luôn đụng đầu với những đối thủ to cao hơn hẳn, do đó các em không chỉ thua về chuyên môn mà còn bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Trong đó, đặc biệt là tâm lý sợ sệt trước các đối thủ to cao hơn mình.

Vừa rồi, Nam Định đoạt chức vô địch U-15 toàn quốc. Mừng thì có nhưng buồn cũng rất nhiều khi thấy có quá nhiều cầu thủ tuổi 15 mà cơ bắp phát triển, cứng cáp đến mức nhiều cầu thủ năng khiếu tuổi 17, 18 của Nam Định không thể sánh bằng. Ở tuổi 15, cầu thủ VN không thể có sự phát triển cơ bắp “hãi hùng” đến thế dù được dinh dưỡng tốt đến mấy. Điều đó cho thấy sự gian lận tuổi tác vẫn còn, nhưng khéo léo hơn rất nhiều…

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

S.H.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)