Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Nhìn lại bóng bàn Việt Nam năm 2008: Bình lặng!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Năm 2008, bóng bàn Việt Nam trôi đi trong bình lặng và sự kiện tay vợt phố biển Đoàn Kiến Quốc lần thứ 2 giành quyền tham dự Olympic được cho là nổi bật nhất. Ở giải quốc nội, cuộc chiến giữa Kiến Quốc, Nguyễn Nam Hải và Đinh Quang Linh cũng đã tạo nên thế chân kiềng nội dung nam, nhưng như thế chưa đủ để tạo thành một năm sôi động cho bóng bàn Việt Nam…

CHỈ CÓ DẤU ẤN ĐOÀN KIẾN QUỐC

Tất nhiên, Đoàn Kiến Quốc được nhắc đến nhiều hơn cả khi lần thứ 2 giành quyền tham dự Olympic và là tay vợt đầu tiên của Việt Nam làm được điều đó. Hồi đầu tháng 2, ở vòng loại khu vực Đông Nam Á, Kiến Quốc đã toàn thắng để giành chiếc vé tham dự Thế vận hội, trong đó có trận thắng trước tay vợt Sanguasin Phuchong (Thái Lan) với tỷ số 4-2. Chiến thắng đã giúp Quốc trả sòng phẳng món nợ thua 1-3 ở SEA Games 24-2007.

Đoàn Kiến Quốc vẫn là tay vợt để lại dấu ấn nhiều nhất của làng bóng bàn Việt Nam trong năm 2008.

Dự Olympic Bắc Kinh với vết thương vai chưa lành hẳn, những tưởng Kiến Quốc (hạng 222 thế giới) sẽ khó lòng tạo được dấu ấn cho riêng mình, song, anh lại làm nên một bất ngờ lớn là đánh bại tay vợt hạng 52 thế giới người Pháp Christophe Legout với tỷ số 4-2.

Mặc dù bị loại ở vòng đấu thứ 2 trước tay vợt người Nga (hạng 29 thế giới), thành tích của Quốc ở Olympic cũng đáng được ghi nhận, nhất là trong bối cảnh thiếu sự đầu tư và chỉ được tập huấn tại quê nhà.

Chưa dừng lại ở đó, vào những ngày cuối năm 2008, Đoàn Kiến Quốc trở lại đầy ấn tượng tại giải Các cây vợt xuất sắc với ngôi vô địch sau 9 trận toàn thắng. Cuộc đối đầu giữa Kiến Quốc và Đinh Quang Linh đã kết thúc với phần thắng 3-2 thuộc về tay vợt giàu kinh nghiệm hơn. Năm 2008 khép lại với Kiến Quốc như vậy là quá ngọt ngào.

QUÁ THIẾU CƠ HỘI THI ĐẤU

Nếu Đoàn Kiến Quốc tỏ ra dày dạn ở các giải đấu trong khu vực, thì Đinh Quang Linh nổi lên như một hiện tượng ở giải VĐQG. Tung sức ở 4 nội dung, Linh giành HCV đơn nam, HCV đôi nam-nữ và HCB đồng đội nam, đôi nam. HLV kỳ cựu Nguyễn Đình Phiên đánh giá: “Quang Linh đang ở độ chín phong độ và nếu thi đấu theo thể thức đủ 7 ván thì khó đối thủ nào chiếm nổi ưu thế. Đáng tiếc, Linh ít được cọ xát quốc tế nên gặp đối thủ lạ sẽ khó thể hiện sức mạnh”.

Điều này thể hiện rõ ở giải vô địch Đông Nam Á năm 2008, Linh chỉ có thể giành HCV đôi nam-nữ với đồng đội Lương Thị Tám, nhưng đã không thành công ở nội dung đơn nam.

Không chỉ bây giờ, bóng bàn Việt Nam mới lâm vào cảnh khát các cơ hội tập huấn và thi đấu quốc tế. Nếu được chăm chút kỹ lưỡng, có lẽ các tay vợt tài năng như Kiến Quốc, Quang Linh, Nam Hải, Tuấn Quỳnh… đã ở một đẳng cấp khác của châu Á, chứ chẳng khổ sở tìm kiếm danh vọng ở khu vực Đông Nam Á nhiều năm liền.

Có lẽ lúc này, nhờ tìm đường sang Trung Quốc theo học bóng bàn tại Đại học TDTT Bắc Kinh, Nguyễn Nam Hải mới là tay vợt có nhiều cơ hội được thi đấu nhất. Tuy nhiên, các đối tượng cọ xát của Nam Hải không phải lúc nào cũng tốt.

Năm 2008, Nam Hải để vuột chiếc HCV đơn nam quốc gia, dù anh được đánh giá là có kỹ thuật đồng đều nhất. Sau khi trượt mất tấm vé tham dự Olympic, Nguyễn Nam Hải cũng đã lấy lại đôi chút phong độ tại giải vô địch Đông Nam Á, đáng tiếc là anh chỉ giành HCB đơn nam, do để thua tay vợt Philippines ở chung kết.

NỮ VẪN GIẬM CHÂN TẠI CHỖ

Nội dung nữ, 2 tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang và Mai Xuân Hằng chỉ thể hiện được vai trò tại các giải đấu trong nước. Mỹ Trang là tay vợt số 1 cho dù chỉ 1 lần duy nhất lên ngôi tại giải tay vợt xuất sắc, 2 lần còn lại ở giải VĐQG và giải đội mạnh toàn quốc đều nhường cho Xuân Hằng.

Mặc dù 2 lần vô địch quốc gia, Mai Xuân Hằng không chứng tỏ được thực lực của mình khi bị đẩy khỏi tốp có huy chương ở giải cây vợt xuất sắc (thi đấu theo thể thức vòng tròn). Việc Hằng để thua cả Vũ Thị Hà (Quân đội) lẫn Phạm Thị Thiên Kim (Tiền Giang) có thể thấy rõ tâm lý thi đấu của VĐV này không tốt, chậm thích nghi khi bị đối thủ khoét sâu vào điểm yếu trái tay.

Có một điểm chung giữa Trang và Hằng – di chuyển khá nặng nề, đó là hạn chế lớn nhất khiến họ khó vươn tầm khu vực.

Từ điểm yếu của 2 gương mặt nữ xuất sắc nhất, đó cũng là nguyên nhân vì sao bóng bàn nữ Việt Nam thời gian gần đây chỉ đứng yên và thụt lùi.

THANH PHONG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)