Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khi yêu đừng… mong sởn gai ốc

Tạp Chí Giáo Dục

Tác giả của Mùa len trâu – bản tráng ca thấm đẫm chất thơ và tình người – giải quyết yếu tố kinh dị và thị trường ra sao trong bộ phim thứ hai Khi yêu đừng quay đầu lại?

Cảnh trong phim

Trong số phim Tết đủ đếm trên đầu ngón tay, Khi yêu đừng quay đầu lại của Nguyễn Võ Nghiêm Minh được trông chờ đặc biệt. Vì tên tuổi của đạo diễn nguyên tiến sĩ vật lý này đã được khẳng định mạnh mẽ ngay từ phim đầu tay Mùa len trâu (2004) với hàng loạt giải thưởng trong và ngoài nước. Phim của ông chắc không đơn thuần để giải trí qua mấy ngày Tết.

Ngân Khánh thủ vai Nguyên Xuân – sinh viên trường múa kiêm vũ nữ quán bar lọt mắt đại gia Bá Kỳ (Thành Lộc đóng) và được mời về biểu diễn tại tư gia của ông – tòa biệt thự xa thành phố có tên Vạn Hồi Xuân.

Từng múa theo tiếng saxophone không rõ từ đâu, ở Vạn Hồi Xuân, cô gặp mặt người thổi kèn Bách Du (Thanh Thức). Anh cũng như nhiều người trong tòa cổ thự – lúc nào cũng đeo găng.

Ánh sáng về đêm trong phòng khách Vạn Hồi Xuân nhờ nhờ đỏ, hẳn dụng ý dọa dẫm, song đáng tiếc, thiếu chiều sâu, đâm ra đôi chỗ xem phim nhựa mà cứ tưởng video. Tuy nhiên, nhiều cảnh quay ngoại giữa thiên nhiên Đà Lạt phải nói là đẹp.

Cho đến khi Nguyên Xuân bước vào nhà Bá Kỳ, người xem vẫn đầy hy vọng được sợ hãi. Nhưng hy vọng ấy phai dần, vì cuộc sống của các nhân vật diễn ra hơi đều đều – so với một phim kinh dị. Những chiêu thức cổ điển mà phim sử dụng (như nhìn thấy ma trong gương) khó làm người xem đầu thế kỷ XXI rung động được nữa.

Theo một lý thuyết làm phim của Hollywood, cứ độ mươi phút, bộ phim phải có một điểm nhấn gì đó để khán giả khỏi sao lãng. Với phim hành động có thể là những pha võ thuật, với phim kinh dị chính là lúc cả rạp rú lên.

Khi yêu đừng quay đầu lại có một chỗ tạm coi đạt hiệu quả đó ở cuối phim. Giữa phim cũng có một chỗ nhấn khi bà Bá Kỳ (diễn viên Mỹ Duyên) bỏ găng tay ra. Nguyên Xuân thót tim khi thấy cảnh này, nhưng rất lạ là sau đó cô vẫn điềm nhiên nắm tay người yêu qua găng trong tiết trời không hề lạnh. Cho nên phút chót, cô bàng hoàng nhận ra anh không phải người thường thì khán giả cũng chẳng đồng cảm nổi.

Nếu loại bỏ chút yếu tố kinh dị, tình tiết kịch bản còn lại vẫn sơ sài, thiếu sức hút – tác giả định bù đắp bằng những màn múa?!

Tình yêu của hai nhân vật chính vượt qua cả cách ngăn sống – chết nhưng chẳng có tình tiết hoặc hành động diễn xuất nào đủ minh chứng điều này. Nhất là Nguyên Xuân dễ dãi, sẵn sàng bán thân cho Bá Kỳ, rung động rồi nhanh chóng rời bỏ Bách Du để đến với Dạ Phong (Thanh Thức)…

Kịch bản xoay quanh bản lề là một điển tích trong thần thoại Hy Lạp. Chuyện Diêm Vương cảm động trước mối tình của danh ca Orpheus và Eurydice nên trả nàng về trần thế, với điều kiện trên đường đưa nàng về trần, chàng phải đi trước và không được quay đầu lại vì bất cứ lý do gì.

Gần đến đích, Orpheus không nghe thấy tiếng thở của người yêu đã quay lại, nên họ phải chia tay vĩnh viễn.

Dựa theo tích truyện quen thuộc, phim lại diễn tiến đúng như thế, chưa kể đường ngầm làm bối cảnh kết quá bình thường. Cái kết của Khi yêu đừng quay đầu lại làm người xem thêm hụt hẫng sau một số lần hụt hẫng trong quá trình xem phim.

Người ta nói rằng tài năng của đạo diễn sẽ được thẩm định ở phim thứ hai. Nhưng điều này hẳn không đúng trong trường hợp Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Khi yêu đừng quay đầu lại mới là phim kinh dị đầu tay của ông. Trường hợp một đạo diễn giỏi không chỉ ở một thể loại phim, thế giới cũng hiếm có.

N.M.Hà (Theo TPO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)