Công ty Công nghệ thông tin Hà Nội CTT vừa cho biết chính thức được EC-Council ủy quyền thực hiện khóa đào tạo về “Hacker mũ trắng” phiên bản CEHv7, phiên bản mới nhất lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia giảng dạy của chuyên gia cao cấp nước ngoài.
Học viên là những cán bộ bảo mật của các doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo về Hacker mũ trắng (CEH) nhằm giúp các doanh nghiệp giải quyết được những bài toán liên quan đến an ninh an toàn cho hệ thống thông tin tác nghiệp trong các tổ chức, doanh nghiệp. Với triết lý: “Nếu muốn ngăn chặn hackers, hãy nghĩ như một hacker”.
Trong quá trình thực thi việc gìn giữ an toàn an ninh cho một hệ thống thông tin tác nghiệp, bên cạnh việc trang bị các thiết bị bảo mật đắt tiền, xây dựng các chính sách chặt chẽ thì việc nắm và hiểu được nguyên lý của các phương pháp tấn công có một vai trò hết sức quan trọng. Điều này giúp cán bộ bảo mật đề phòng được các dạng tấn công tới tổ chức của mình, bảo đảm sẽ luôn ở trạng thái chủ động trước các dạng tấn công.
Chương trình đào tạo về Hacker mũ trắng (CEH) không tập trung vào một công nghệ của một nhà sản xuất nào cụ thể, thay vào đó nội dung của khóa học này sẽ trang bị cho học viên các kiến thức cơ bản về các phương pháp tấn công, các phương pháp phòng chống. Với phương châm nghĩ như một hacker, khóa học sẽ giúp học viên có được một cách nhìn toàn diện nhất về tình hình an toàn an ninh của hệ thống mà mình đang làm chủ và từ đó sẽ có những biện pháp thay đổi để tăng cường hơn nữa sự an toàn đang có.
Giảng viên là ông Nimalan Sivananthan, giảng viên chính của Ec-Council cũng là chuyên gia đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong việc triển khai và đào tạo về các giải pháp bảo mật cho nhiều cơ quan Chính phủ như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Brunei…, cùng nhiều công ty, tập đoàn và trường đại học lớn trên thế giới.
CEH đang được biết đến là chương trình đào tạo an toàn thông tin nổi tiếng trên thế giới, là một trong những chứng chỉ uy tín về an toàn thông tin trong nhiều năm liên tiếp.
Phiên bản 7 của chương trình CEHv7 đã chính thức được EC-Council triển khai tại 35 trung tâm đào tạo trên thế giới từ tháng 3. Với phiên bản này, EC-Council đã rút gọn lại rất nhiều so với CEHv6 và có điểm ưu việt nổi bật là iLab (kiểm tra lỗ hổng trong một môi trường máy chủ thực) và Frankenstein (kiểm tra kho chứa mã và lưu trữ video). Các phòng iLab của CEHv7 được thiết lập dựa trên phòng thí nghiệm ảo cho phép học viên có thể đăng nhập vào một máy ảo từ xa đang chạy Windows 2003 Server để thực hiện các bài tập khác nhau đặc trưng trong “Hướng dẫn CEHv7 Lab”. Ngoài ra, Frankenstein cũng cho phép người dùng có thể tải về, tìm kiếm và cài đặt các hacking mới nhất và các công cụ kiểm tra thâm nhập.
Theo Lâm Thảo
(NDĐT)
Bình luận (0)