Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tranh nhau tuyển nguyện vọng bổ sung

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 8-8, Bộ GD&ĐT sẽ họp quyết định điểm sàn ĐH, CĐ năm 2012, ngay sau đó các trường sẽ công bố điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1 theo ngành.

Đến thời điểm này, nhiều trường đã có dự kiến điểm chuẩn và dự kiến xét tuyển thêm hàng ngàn chỉ tiêu sau nguyện vọng 1. Nhiều trường dùng học bổng “khủng” để hút thí sinh.

Sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM trong một giờ thực hành.  Ảnh: Quang Phương.
Hàng nghìn chỉ tiêu sau nguyện vọng 1
Tại phía Nam, nhiều trường ĐH có tổ chức thi dù điểm thi tương đương so với năm 2011 nhưng vẫn dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển sau NV1. ThS. Tạ Quang Lâm, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, trường sẽ dành 20% tổng chỉ tiêu (3.800) để xét các nguyện vọng tiếp theo sau khi công bố điểm chuẩn theo ngành.
Một số ngành dự kiến sẽ xét tuyển là: Sư phạm (SP) tiếng Nga, Giáo dục an ninh quốc phòng, SP tiếng Pháp, SP tiếng Trung, Quốc tế học, Việt Nam học. TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cũng cho hay, trường dự kiến dành 15%-20% tổng chỉ tiêu (3.800) cho khoảng 10 ngành của trường.
Trong đó, những ngành cần thêm nhiều chỉ tiêu là nhóm ngành kỹ thuật, sư phạm kỹ thuật. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng cho biết, trường dự kiến sẽ xét tuyển thêm khoảng 1.500 chỉ tiêu sau khi công bố điểm chuẩn NV1.
Các ngành dự kiến sẽ xét tuyển là nhóm ngành cơ khí, nhóm ngành lâm nghiệp với mức điểm xét tuyển dự kiến bằng điểm sàn của Bộ. Trường ĐH Ngân hàng TPHCM dự kiến xét tuyển bổ sung 35 chỉ tiêu cho ngành Hệ thống Thông tin Quản lý với điểm sàn xét tuyển 16.
Nhiều trường ĐH khác có tổ chức thi như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… cũng dành trên 80% chỉ tiêu để xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.
ThS. Lê Thị Ngọc Thảo, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho hay: Trường dành khoảng 60% chỉ tiêu đại học, cao đẳng để xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo (tổng chỉ tiêu 3.210).
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng sẽ dành 1.300 chỉ tiêu ở hệ ĐH để xét tuyển sau NV1.
Tương tự, ThS. Nguyễn Thanh Tùng, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TPHCM cũng thông báo sẽ xét tuyển thêm 300-400 chỉ tiêu cho một số ngành như: Thư viện, Di sản văn hóa, Văn hóa học, Văn hóa dân tộc thiểu số, Quản lý văn hóa…
Trường ĐH Tài chính Marketing cũng thông báo sẽ tuyển các nguyện vọng tiếp theo ở hai ngành Bất động sản và Hệ thống Thông tin Quản lý. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển NV2 của trường: 15-16 điểm trở lên.
Một số trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng dự kiến tiếp tục xét tuyển sau khi công bố điểm chuẩn NV1. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên dự kiến tuyển tiếp 200 chỉ tiêu ở các ngành Khoa học vật liệu, Vật lý, Hải dương học… Trường chỉ xét tuyển thí sinh dự thi khối A và điểm sàn xét tuyển sẽ cao hơn điểm chuẩn NV1 từ 1 điểm trở lên.
Trường ĐH Công nghệ Thông tin cũng sẽ xét tuyển tiếp khoảng 200 chỉ tiêu cho tất cả các ngành hệ ĐH với điểm sàn xét tuyển là 20 (môn toán hệ số 2).
Nhiều ngành khác của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn như: Thư viện, Lưu trữ học, Nhân học, Lịch sử, Triết học, Xã hội học… cũng sẽ tiếp tục xét tuyển sau khi công bố điểm chuẩn NV1…
Tung tiền hút thí sinh
Nhiều trường ĐH đang “kéo” thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường mình bằng các học bổng “khủng”. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành trên 5 tỷ đồng học bổng cho tân sinh viên.
Trường phân ra các mức như sau: Đối với hệ ĐH: Học bổng tài năng vượt khó hỗ trợ 100% học phí và 10 triệu đồng/năm với điều kiện điểm đầu vào đạt 22 điểm và thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Học bổng tài năng sẽ hỗ trợ 100% học phí cho thí sinh trúng tuyển với mức 22 điểm; Học bổng khuyến học áp dụng cho thí sinh xét tuyển sau nguyện vọng 1 năm thứ nhất, nếu trên điểm sàn từ 3-7 điểm sẽ nhận được học bổng từ 3-7 triệu đồng.
Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) dành 800 suất học bổng trị giá hơn 2 tỷ đồng cho các thí sinh đăng ký vào trường có điểm cao hơn điểm sàn từ 3 đến 10 điểm với mức học bổng tương ứng từ 1 đến 5 triệu đồng. Nếu thí sinh tham gia xét tuyển vào các chương trình tiên tiến và quốc tế sẽ có các mức học bổng từ 150 đến 1.000 USD.
Phòng Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) đưa ra nhiều mức học bổng khá hấp dẫn cho các chương trình liên kết quốc tế.
Cụ thể, tài trợ hơn 33 triệu đồng/học kỳ cho thí sinh có điểm thi đầu vào cao nhất, nhì khóa của trường; tặng 50% học phí (khoảng 16,8 triệu đồng/học kỳ) cho thí sinh có điểm thi ĐH năm 2012 đạt từ 27 điểm thuộc ĐH Bách khoa và 28 điểm trở lên thuộc các trường khác.
Để hút thí sinh vào hai ngành mới mở, trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ cấp học bổng bán phần (50%) học phí trong quá trình học tập tại trường cho các thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Thống kê nếu có điểm từ 20 trở lên (có cộng điểm ưu tiên).
Từ nhiều mùa tuyển sinh qua, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM đưa ra các mức học bổng rất hấp dẫn cho thí sinh. Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường có thể nhận được 1 trong 4 loại học bổng sau: Học bổng toàn phần (bao gồm học phí Anh văn) trị giá khoảng 360 triệu đồng cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường có điểm thi ĐH năm 2012 từ 21 điểm trở lên; học bổng toàn phần (không bao gồm học phí học Anh văn) trị giá khoảng 290 triệu đồng nếu thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 có điểm thi ĐH thấp nhất là 21.
Ngoài ra, trường còn dành nhiều mức học bổng một lần trị giá 30 – 50 triệu đồng cho các thí sinh đăng ký xét tuyển có điểm thi từ 18 – 20 điểm. Tương tự, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng tung ra mức học bổng khá hấp dẫn khi dành 100 suất học bổng toàn phần bậc ĐH (4 năm).
Trong đó 80 suất cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt, mỗi suất trị giá 168 – 193 triệu đồng và 20 suất dành cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, mỗi suất trị giá khoảng 437 – 479 triệu đồng.
Tối qua, trả lời báo Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga nói: Bộ sẽ kiểm tra lại thông tin nâng điểm của trường khi chấm thi mà một tờ báo nêu, và nếu có sự bất thường trong chấm thi, Bộ sẽ đưa thanh tra vào cuộc để kiểm tra và xử lý ngay.
 
theo TPO

 

Bình luận (0)