Tôi có hai đứa em bà con mới vừa thi đại học. Khi biết kết quả thi của chúng với số điểm không cao lắm, tôi đã tranh thủ làm công tác tư tưởng với chúng ngay. Phần tôi sợ chúng làm điều rồ dại vì chuyện thi rớt (ba môn chỉ chừng 10 điểm, sao mà đậu được), phần tôi cũng muốn nói một chuyện muôn năm cũ: hãy biết sức học của mình đến đâu để chọn con đường vào đời phù hợp, nào đại học có phải là tất cả.
Thí sinh và phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Văn Lang sáng 26-8 – Ảnh tư liệu |
Tôi bảo chúng có muôn nẻo vào đời, học một nghề gì đó thật giỏi và mình yêu thích thì vẫn tốt hơn là phí hoài bốn năm đại học để rồi phải tìm một việc làm không phù hợp với mình. Tôi dẫn chứng Bill Gates, Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ học nửa chừng vì cảm thấy mình đã chọn sai đường nhưng vẫn thành công. Tôi kể thêm cả những trường hợp bạn bè tôi dù không học đại học nhưng nay vẫn thành công.
Bọn chúng đã nghe say sưa, dạ dạ vâng vâng nhưng sau đó đều bảo cứ vào đại học rồi tính sau… chứ bây giờ xin việc đâu đâu cũng đòi bằng đại học. Mẹ của một trong hai đứa còn nói với tôi: học đại học xong, ra trường chạy vài trăm triệu, nũng kiếm được việc chứ lo gì.
Thế và giờ đây chúng đang có cơ hội được đỗ vào đại học. Nhiều trường đang ra sức vơ vét (tôi thấy không từ nào chuẩn hơn hai từ vơ vét này) thí sinh bằng đủ thứ chiêu: tặng tiền, tặng điểm, tự chuyển thí sinh từ ngành này sang ngành khác (không thèm đoái hoài nguyện vọng thí sinh thế nào), tuyển sinh ngoài ngân sách. Thậm chí nhiều trường đang tìm đủ cách xin được áp dụng điều 33 quy chế tuyển sinh hạ mức điểm chuẩn… để tuyển sinh ngay cả những em 8,9 điểm (Ôi, tôi mới thật tội nghiệp làm sao khi trước đó sớm lo bò trắng răng cho em mình, chỉ 10 điểm đã mặc định chúng rớt.). Kiểu tuyển sinh ồ ạt này thú thật là chỉ còn nước kêu đúng nghĩa của câu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.”
Giáo dục đã được xã hội hóa… đến mức này thì về lâu về dài quả không biết nguy hiểm đến mức nào. Mỗi môn chưa đầy 3 điểm thì đủ biết chất lượng thí sinh như thế nào, vậy mà các trường vẫn dám nhận vào và tin rằng sau bốn năm đào tạo sẽ làm nên những cử nhân đúng nghĩa cho xã hội (?!).
Mai này xã hội sẽ nhan nhản những cử nhân đầu vào 8 điểm (Bộ Giáo dục -đào tạo thử thống kê con số thí sinh thi đại học đạt 8 điểm sẽ là bao nhiêu trong số cả triệu thí sinh mùa thi rồi). Và những gì người ta thường bảo nhau, vì đời trọng bằng cấp nên mới sinh ra bằng giả, nay sẽ thậm nguy hơn, vì đời trọng bằng cấp nên còn sinh ra cả bằng thật (nhưng học giả). Liệu tương lai khi tuyển dụng nhân sự, vì vẫn cần theo tiêu chuẩn bằng cấp, nhưng cũng cần trọng dụng thực tài, nên người ta sẽ phải thêm một tiêu chí phân loại đầu nguồn, rằng chỉ nhận những cử nhân tốt nghiệp khá, giỏi và đồng thời điểm thi đại học phải là 15, 16 hoặc 20, 21?
Các trường bằng mọi giá nhận thí sinh (vậy mà cũng đặt bày thi tuyển, điểm sàn này kia cho tốn thời gian). Và phụ huynh cũng chỉ muốn con mình vào đại học. Chuyện nhuốm mùi kinh tế thị trường cung – cầu gặp nhau ấy không phải là điều đáng mừng mà lại trở thành một điều đáng ngại, đáng lo lắng. Sản phẩm làm ra sẽ có chất lượng như thế nào khi người học thì học đại, và người dạy chắc cũng còn cách nào hơn… ngoài dạy đại.
Nào đại học có phải là tất cả?!
Theo TAM HỮU
(TTO)
Bình luận (0)