Ngày 23-8, Bộ GD-ĐT đã tiến hành tập huấn dành cho giáo viên tiếng Anh tiểu học năm học 2010-2011. Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa chương trình dạy tiếng Anh từ lớp 3 vào dạy thí điểm tại 100 trường tiểu học ở tất cả các vùng miền của cả nước. Đây là chương trình thí điểm nằm trong đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Với đề án này, sau 10 năm nữa, ước mơ những thế hệ học sinh đầu tiên “xuất xưởng” của Việt Nam không còn “ngô ngọng” ngoại ngữ hy vọng sẽ thành sự thật. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập.
Đợi tài trợ mới được tập huấn
Khóa tập huấn diễn ra từ ngày 23 đến 27-8-2010 đối với 100 giáo viên đến từ 100 trường tiểu học được thí điểm. Điều băn khoăn của rất nhiều giáo viên đó là tập huấn xong tại bộ là vào ngay năm học mới, giáo viên không biết sẽ kịp triển khai như thế nào đến các trường. Trước khi được tập huấn, các giáo viên cũng như các sở không có thông tin nào cho biết sẽ dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 như thế nào? Cô Phạm Thiên Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Âu Cơ (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, đợt thí điểm này, TP.HCM có 10 trường tiểu học tham gia tại 5 quận của thành phố. 10 giáo viên đến từ các trường này đều được Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra Hà Nội tập huấn theo yêu cầu của bộ. Trước đó, cô Thủy có tham gia chương trình dạy tiếng Anh tăng cường tại trường. Nhưng với chương trình thí điểm mới này, cô chưa có chút thông tin gì. Sau khi được tập huấn xong, cô sẽ về tập huấn lại cho các giáo viên dạy tiếng Anh khác ở trường.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) cho biết đến bây giờ mới ký kết xong với các nhà tài trợ nên mới tiến hành tập huấn được cho giáo viên. Ông cũng cho rằng, bộ chỉ đưa ra chương trình giảng dạy còn giáo trình, các sở sẽ tự chủ động. Hiện nay, dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học mỗi tỉnh một giáo trình. Tại TP.HCM, cô Thủy cho biết đang dạy học sinh theo giáo trình Let’s go. Còn theo cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Vũ An (Kiến Xương, Thái Bình) thì tỉnh Thái Bình đang dạy giáo trình Let’s learn.
Thiếu đủ thứ
Hà Nội cũng là một trong những tỉnh sẽ tham gia thí điểm trong đợt này. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng đáp ứng được yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đề ra. Năm học 2010-2011 là năm thứ hai Trường Tiểu học Lê Thanh A (huyện Mỹ Đức) dạy tiếng Anh cho HS từ lớp 3 đến lớp 5. Trường vừa đầu tư hơn 5 tỷ đồng để trang bị cho việc dạy học và sắp tiếp nhận 12 phòng mới nhưng hiện nay vẫn chưa trang bị được phòng tiếng Anh. Mặc dù vậy, ông Hoàng Văn Hanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo triển khai của Bộ GD-ĐT mỗi tuần học sinh được học bốn tiết tiếng Anh nhưng trường chỉ đáp ứng được hai tiết một tuần. Theo bà Hoàng Thị Điểu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Phú (huyện Sóc Sơn) thì, trường đang thực hiện chương trình dạy tiếng Anh cho lớp 3 đến lớp 5 nhưng cơ sở vật chất chưa được đầu tư lại chỉ có hai giáo viên nên học sinh chỉ được học hai tiết một tuần.
Theo ý kiến của nhiều trường, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên chưa được chuẩn bị đầy đủ, tiêu chuẩn của chương trình tiếng Anh tiểu học do Viện Khoa học Giáo dục đưa ra khá cao. Chương trình này yêu cầu trình độ giáo viên tối thiểu là tốt nghiệp trường cao đẳng hoặc đại học sư phạm chuyên ngành tiếng Anh, số lượng học sinh cho mỗi lớp chỉ 30-35 em, tài liệu và trang thiết bị nghe nhìn hỗ trợ giảng dạy phải đầy đủ… Nhiều địa phương cho rằng khó đáp ứng được yêu cầu 35 học sinh một lớp, đặc biệt là đối với các trường ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… Chương trình yêu cầu trình độ giáo viên tối thiểu là cao đẳng hoặc đại học sư phạm tiếng Anh và chuẩn hóa giáo viên tiếng Anh tiểu học, nhưng mức lương hiện nay chỉ từ 200.000 – 500.000 đồng/ tháng. “Liệu lương có tăng để giữ chân được giáo viên?”. Đây là câu hỏi được nhiều sở GD-ĐT đặt ra với bộ.
(Còn tiếp)
Nghiêm Huê
Bình luận (0)