Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục trẻ “chậm tiến” bằng thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

Các trẻ em “chậm tiến” Đà Nẵng được dạy học nghề

Thành đoàn phối hợp với Công an Đà Nẵng tổ chức tour du lịch độc đáo dành cho 294 em “chậm tiến” trên toàn thành phố, có độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi. Đó là các thanh thiếu niên đã có các hành vi như: nghiện game online, đánh lộn, trộm cắp vặt, bỏ nhà đi lang thang… Trong hành trình tour của mình các em được đến trại cải tạo và trường giáo dưỡng đóng trên địa bàn thành phố. Tại đây, các em có dịp quan sát, giao lưu, đối thoại trực tiếp với những thanh thiếu niên phạm tội đang học tập và cải tạo ở trại.
Không chỉ dừng lại ở việc thống kê những con số về trẻ em lang thang, có hành vi gây rối, “ham chơi, lười học” hay đón các em về Trung tâm Bảo trợ xã hội rồi sau đó trao trả các em về địa phương như một số nơi khác, ở Đà Nẵng, việc giáo dục trẻ “chậm tiến” được bắt đầu bằng phương châm “Trẻ em là chủ nhân tương lai của thành phố. Mỗi trẻ em là một mắt xích quan trọng trong việc xây dựng thành phố phát triển thịnh vượng và bền vững. Vì vậy, dưỡng dục thế hệ trẻ nên người là trách nhiệm không chỉ của các bậc phụ huynh mà cả của chính quyền và toàn thể nhân dân đang sinh sống trên địa bàn”.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành đoàn thành phố Đà Nẵng cho biết: Hoạt động của chuyến đi nhằm mục đích giúp các thanh thiếu niên “chậm tiến” chuyển biến tích cực về suy nghĩ và nhận thức. Đồng thời đẩy mạnh việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ và cảm hóa thanh thiếu niên “chậm tiến” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trở thành những công dân có ích; nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ, qua đó từng bước kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự…”.
Tại buổi gặp mặt sau chuyến đi, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, nói: “Trừng phạt là trường hợp bất khả kháng, nhưng tôi tin các em sẽ có sự sửa đổi bởi con người không ai không có lỗi lầm. Cái cốt lõi là làm thế nào để sửa chữa lỗi lầm ấy”. Theo ông Thanh, mỗi gia đình có một cuộc sống, một hoàn cảnh khác nhau; mỗi con người lại có một suy nghĩ, quan điểm sống khác nhau. Nên có nhiều trường hợp, các em bị tác động bởi môi trường sống dẫn đến có suy nghĩ tiêu cực. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta “buông xuôi”. Hậu quả của việc vi phạm pháp luật trách nhiệm không chỉ thuộc về các em mà cả gia đình và xã hội phải gánh chịu.
Điều đáng lưu tâm nữa là hiện nay Đà Nẵng đang vươn mình phát triển thành một thành phố lớn nhất miền Trung, là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Để làm được điều đó, chính các em – những chủ nhân của thành phố phải có trách nhiệm ngăn chặn, loại bỏ những hành động cướp giật túi xách, trộm cắp, nghiện hút, đánh nhau gây mất trật tự xã hội… để tạo ấn tượng tốt cho du khách cũng như xây dựng thành phố văn minh, giàu đẹp.
Được biết, sau chuyến đi này, ngành công an phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh rà soát lại các thanh thiếu niên có hoàn cảnh quá khó khăn, có nguyện vọng muốn học nghề để đảm bảo cuộc sống để có cơ sở tạo điều kiện cho các em ổn định cuộc sống.
Tâm sự với chúng tôi, em N.T.Khoa, 14 tuổi, vui vẻ cho biết: “Trước đây em rất ham chơi, nhưng sau chuyến đi vừa rồi, em đã được nghe các anh chị trong trại giam kể chuyện và bộc bạch về nỗi niềm ân hận vì đã trót sai lầm. Đặc biệt là sau khi nghe bác Thanh – Chủ tịch UBND thành phố nói chuyện, em luôn tự hứa với lòng mình và ba mẹ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi, trở thành người có ích cho xã hội”.
Chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của em Khoa cũng là tâm trạng, cảm nhận chung của hàng trăm thanh thiếu niên chậm tiến ở Đà Nẵng mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trong chuyến đi vừa qua. Thế mới biết thực tế luôn là bài học sâu sắc mà sinh động nhất. Thiết nghĩ, mô hình này cần được nhân rộng, để những trẻ em “chậm tiến” sớm trở thành trẻ em “tiên tiến”, góp phần xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Dọc theo dặm dài của đất nước, rất ít địa phương thống kê được có bao nhiêu trẻ em trong độ tuổi cắp sách đến trường đang lang thang ở đầu đường, xó chợ, sống chui nhủi gầm cầu? Các em không được đến trường có thể bởi hàng trăm ngàn lý do mà tựu trung lại người ta thường đổ cho hai chữ: hoàn cảnh! Trong số đó, có bao nhiêu trẻ khao khát được đến trường? Có bao nhiêu trẻ có đủ điều kiện để đến trường nhưng lại chọn lối khác? Câu hỏi ấy rõ ràng là bài toán khó, không thể tìm ra phép giải trong ngày một ngày hai. Nhưng ở miền Trung, Đà Nẵng là một trong những địa phương đã làm được nhiều hơn thế.

 

Bình luận (0)