Các trường nên tự nấu cho học sinh ăn để tránh ngộ độc thực phẩm. Ảnh: K.Anh
|
Những năm gần đây, mặc dù số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học đã giảm đáng kể nhưng một số quận, huyện vẫn lác đác xảy ra. Gần đây nhất là vụ ngộ độc tại một trường tiểu học trên địa bàn Q.12 khiến 150 học sinh phải vào viện.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TP.HCM cho rằng: “Ngộ độc thực phẩm xảy ra trong khu vực trường học là một vấn đề rất nhạy cảm và gây bức xúc trong dư luận. Bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh – tương lai của đất nước”.
PV: Thưa ông, có một thực tế là các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học đều do thức ăn từ bên ngoài đưa vào, dù rằng những cơ sở này đều có giấy chứng nhận VSATTP. Phải chăng ngành y tế chưa thật sự quan tâm đến công tác hậu kiểm?
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa: Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP là công tác tiền kiểm. Lúc đoàn thẩm định đến thì người ta không sản xuất, không chế biến và có sự chuẩn bị trước cho nên cơ sở đạt và chúng tôi cấp giấy chứng nhận. Vấn đề còn lại là sau khi có giấy chứng nhận rồi thì cơ sở đó có duy trì các điều kiện như lúc ngành y tế tới thẩm định hay không? Việc này phải dựa vào công tác hậu kiểm để mà chấn chỉnh, xử lý.
Với trường học, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các trường phải tiến hành tự kiểm tra các bếp ăn (tức cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp cho trường) chứ không thể chờ đợi các cơ quan quản lý nhà nước đến kiểm vì cơ quan nhà nước làm không xuể. Tôi nhấn mạnh rằng, công tác tự kiểm tra là cực kỳ quan trọng.
Vậy các trường phải kiểm tra những gì đối với các cơ sở này thưa ông?
Nếu nhà trường đặt suất ăn ở cơ sở A, B thì công đoàn, ban giám hiệu phải tới cơ sở này để khảo sát chứ không chỉ dựa vào cái giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP là ký hợp đồng rồi giao sinh mạng học sinh cho công ty đó. Các trường cần lưu ý rằng, khi tôi cấp giấy, cơ sở A, cơ sở B chỉ cung cấp 200 suất ăn/ngày nhưng sau này làm ăn khá nên cung cấp tới 500 suất/ngày. Như vậy là quá tải sản xuất, nguy cơ ngộ độc cũng có thể xảy ra.
Hàng tháng nhà trường phải tới kiểm tra các cơ sở này, coi xe vận chuyển, dụng cụ đựng thức ăn có kín không, điều kiện có vệ sinh không hay bầy hầy. Tới kiểm tra mà phát hiện không đạt thì ngưng hợp đồng ngay.
Ngoài việc kiểm tra ở nơi chế biến, lúc cơ sở đem thức ăn tới trường cũng phải coi chất lượng các suất ăn có tương đồng với giá cả mà học sinh bỏ ra không? Nhìn thấy cái thùng nhựa đựng hộp cơm của học sinh dơ là phải “điểm mặt” cơ sở cung cấp liền. Vì như vậy sẽ rất dễ nhiễm chéo và gây ngộ độc thực phẩm cho học sinh.
Nếu nhà trường làm được điều đó thì mới gọi là có trách nhiệm đối với học sinh. Nhà trường đừng nên vin vào điều khoản ghi trong hợp đồng là “nếu có ngộ độc xảy ra thì công ty chịu trách nhiệm” mà “khoán trắng” cho cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp.
Hiện nay có không ít trường vì sợ xảy ra ngộ độc cho học sinh nên gạt ra khỏi thực đơn một số thực phẩm, như là cá ngừ, cá thu. Theo ông có nên làm vậy không?
Học sinh đang tuổi lớn nên cần phải được ăn uống đủ chất để phát triển, vì vậy không thể hạn chế hoặc bỏ ăn một số thực phẩm nào đó.
Để hạn chế ngộ độc, người chế biến luôn phải nghĩ trong đầu rằng thực phẩm dễ xảy ra ngộ độc nên cần tuân thủ các điều kiện VSATTP. Người này phải có kiểm tra cảm quan khi mua thực phẩm về chế biến. Cụ thể, chọn cá phải còn độ nhớt, nhấn vào có độ đàn hồi, mang cá phải còn đỏ. Đối với rau, phải biết loại rau nào hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý (bằng cách ngâm trong nước xả tràn chảy nho nhỏ trong thời gian 15-30 phút để dư lượng thuốc ở trên bề mặt của rau tan trong nước và chảy ra ngoài). Sau xử lý mà vẫn còn thì nó cũng nằm trong giới hạn cho phép. Những nguyên liệu khác thì phải có bao bì, nhãn mác rõ ràng, đầy đủ và còn hạn sử dụng.
Nhưng quan trọng hơn cả là phải ăn thức ăn nóng. Nhà trường yêu cầu cơ sở cung cấp suất ăn đem thức ăn đến trường và đun lại. Sau đó mới chia cho học sinh (không nên dùng hộp mà dùng tô, chén chia thức ăn), như vậy các em được ăn nóng. Trong quá trình vận chuyển từ cơ sở đến trường nếu có nhiễm vi sinh thì nó cũng chết hết trong lúc đun nóng, tránh được ngộ độc.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực VSATTP, ông có khuyến cáo gì cho các trường trong việc bảo vệ sức khỏe học sinh?
Tôi khuyến cáo các trường nên nấu tại chỗ. Bởi đặt suất ăn công nghiệp ngoài việc không an toàn, bữa ăn cũng không đúng thực chất với đồng tiền mà học sinh bỏ ra. Nếu nhà trường tự nấu ăn cho học sinh thì không phải đóng thuế nhưng các doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp phải đóng thuế. Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn phải trả chi phí cho người lao động, chi phí điện – nước và đặc biệt là lợi nhuận. Vì vậy, một suất ăn công nghiệp có giá 10 ngàn đồng thực chất chỉ còn có 7 ngàn đồng.
Hiện trên địa bàn TP.HCM cũng có khá nhiều trường tự nấu cho học sinh ăn. Xin ông cho biết những bếp ăn này đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP chưa?
Theo Quyết định 11/2006 của Bộ Y tế về việc ban hành “Quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao” thì các bếp ăn ở trường mầm non, tiểu học, THCS (những trường do phòng GD-ĐT quận, huyện quản lý) do y tế quận, huyện cấp; còn bếp ăn tại các trường do Sở GD-ĐT quản lý (như các trường THPT) do Sở Y tế TP.HCM cấp. Theo tôi được biết, hiện nay tất cả các bếp ăn tập thể trong trường học đều đã được cấp giấy chứng nhận đủ kiện VSATTP.
Đối với những bếp ăn này thì không đáng lo ngại, tuy nhiên cũng không nên chủ quan. Ban giám hiệu nhà trường phải thường xuyên giám sát để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Xin cám ơn ông!
Hòa Triều (thực hiện)
Theo tôi, những người cung cấp suất ăn cho học sinh nếu không thực hiện nghiêm các điều kiện đảm bảo VSATTP mà để xảy ra ngộ độc thực phẩm là những người không có đạo đức.
|
Bình luận (0)