Trẻ trong độ tuổi MN được phụ huynh đưa đến trường học tại TP.HCM. Ảnh: H.Tr |
Từ tháng 4 đến tháng 5-2012, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức khảo sát đánh giá phát triển trẻ thơ (EDI) ở Việt Nam tại 54 tỉnh thành trên cả nước. Theo đó, có 8.404 trẻ của 200 trường mầm non (MN) tại 100 huyện đã được khảo sát. Kết quả cho thấy, có tới trên 50% trẻ MN có nguy cơ thiếu hụt hoặc thiếu hụt ít nhất một lĩnh vực phát triển.
Không học mẫu giáo, trẻ chậm phát triển hơn
Báo cáo EDI ở Việt Nam tại Hội nghị khởi động Dự án tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ MN do Bộ GD-ĐT và WB tổ chức ngày 19-9 tại Hà Nội, bà Hoàng Thị Thu Hương (tư vấn của WB) cho biết để trẻ vào lớp 1 cần có 5 lĩnh vực phát triển. Đó là phát triển kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức; kỹ năng giao tiếp và hiểu biết chung; sự trưởng thành tình cảm; năng lực xã hội; sức khỏe và thể chất. Kết quả của EDI cho thấy, trẻ em Việt Nam thiếu hụt ít nhất 1 lĩnh vực phát triển là 24,19%, trong đó trẻ trai là 27,26% và trẻ gái là 20,87%. Trẻ có nguy cơ bị thiếu hụt và thiếu hụt ít nhất một lĩnh vực phát triển là 50,68%, trẻ trai là 55,48%, trẻ gái là 45,49%. Nói cách khác, 50% trẻ em Việt Nam chưa chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1. Bà Hương cũng thông tin thêm trong tổng số trẻ bị thiếu hụt thì lĩnh vực giao tiếp và hiểu biết chung là chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là phát triển tình cảm, ngôn ngữ và nhận thức. Vùng trung du miền núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ bị thiếu hụt là 31,9%; Tây Nguyên là 44,9%; Nam Trung bộ là 27,8%. Tỷ lệ phần trăm trẻ bị thiếu hụt có tính chất tỷ lệ nghịch với trình độ học vấn của mẹ. Nhóm trẻ dễ bị tổn thương nhất và có nguy cơ thiếu hụt nhiều nhất là trẻ trai, trẻ dân tộc thiểu số, trẻ thuộc gia đình nghèo, có nhiều anh chị em trong gia đình, trình độ mẹ thấp, không được đi học mẫu giáo liên tục… Trẻ không nói tiếng Việt như ngôn ngữ mẹ đẻ có sự thiếu hụt cao nhất. Do đó, tăng cường tiếng Việt là cần thiết.
Trước những thực tế này, WB có đưa ra một số kiến nghị đối với ngành giáo dục. Trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực cho nhóm trẻ bị thiếu hụt hoặc có nguy cơ bị thiếu hụt. Cần hỗ trợ trẻ được đi học bán trú và đi học liên tục từ ba tuổi để tăng mức độ sẵn sàng đi học của trẻ. Tập trung ưu tiên giúp trẻ phát triển toàn diện các lĩnh vực phát triển, đặc biệt chú trọng phát triển ngôn ngữ, nhận thức, phát triển tình cảm xã hội, phát triển kỹ năng giao tiếp và hiểu biết chung cho nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ dân tộc thiểu số.
Tăng khả năng đi học cho trẻ MN
Trong khi đó, bà Phan Thị Lan Anh – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục MN, Bộ GD-ĐT cho biết, thực trạng của giáo dục MN hiện nay đó là cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Cả nước còn cần 39.000 phòng học kiên cố từ nay đến 2015. Hiện vẫn còn 365 xã – phường – thị trấn chưa có lớp MN. Tỷ lệ trẻ bán trú chưa đồng đều. Vẫn còn 16,8% lớp ghép. Tỷ lệ trẻ/lớp ở các thành phố lớn còn đông. 30% giáo viên MN chưa được hưởng chính sách theo chế độ hiện hành. Gia đình khó khăn chưa có điều kiện để trẻ ở bán trú. Những khó khăn này đã ảnh hưởng tới sự phát triển 5 lĩnh vực để trẻ sẵn sàng vào lớp 1. Từ thực trạng này, ngành giáo dục nhận thấy cần phải có một nguồn lực dành cho phát triển giáo dục MN.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Dự án tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ MN bằng nguồn vốn ODA chính thức có hiệu lực từ ngày 26-7-2013. Tổng vốn dự án là 100,5 triệu USD được chia thành 2 hợp phần. Hợp phần 1 sẽ giải ngân vào ngân sách Nhà nước với tổng số vốn 95 triệu USD, Bộ Tài chính sẽ là chủ tài khoản tiếp nhận vốn. Hợp phần này dùng để tài trợ cho các nội dung chi tiêu hợp lệ tại 63 tỉnh, thành theo hình thức bồi hoàn trên cơ sở các chỉ số giải ngân được hoàn thành. Hợp phần 2 sẽ hỗ trợ để xây dựng năng lực và chính sách về giáo dục MN, sẽ được thực hiện như các dự án thông thường khác và được giải ngân theo tiến độ triển khai các hoạt động đã đề ra theo hiệp định. Các hoạt động của dự án bao gồm hỗ trợ bồi dưỡng hơn 230.000 cán bộ, giáo viên MN về các mô-đun ưu tiên để đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ; hỗ trợ công tác đánh giá chất lượng ít nhất 5.400 trường MN, thực hiện chính sách cho giáo viên ngoài biên chế và hơn 800.000 trẻ em 3-5 tuổi có hoàn cảnh khó khăn hàng năm. Thí điểm mô hình chăm sóc giáo dục trẻ em dựa vào cộng đồng tại 4 tỉnh, thành phố và cải tiến đánh giá mức độ sẵn sàng đi học của trẻ 5 tuổi theo phương pháp tiên tiến cho trẻ em Việt Nam trên mẫu đánh giá từ 8.400 đến 10.000 trẻ em 5 tuổi. Thời gian thực hiện dự án từ 2013-2016.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)